Những tuyến này nằm trong 71 tuyến xe thuộc diện dời từ bến xe Miền Đông cũ, quận Bình Thạnh, qua bến mới đưa vào khai thác hồi tháng 10 năm ngoái. 3 tháng đầu bến mới vận hành, để tạo thói quen cho người dân, doanh nghiệp vận tải đề xuất được đón khách ở bến cũ, sau đó qua bến mới làm thủ tục. Tuy nhiên hết thời gian này, bến xe mới vẫn vắng người nên kiến nghị đón khách ở bến cũ được gia hạn đến nay.
Để bến xe mới phát huy hiệu quả khi có nhiều tuyến đón khách cố định hoạt động, Sở Giao thông Vận tải hiện đề nghị Tổng công ty cơ khí giao thông vận tải TNHH một thành viên (Samco – chủ đầu tư) thông tin cho doanh nghiệp vận tải về việc hết thời gian hoạt động ở bến cũ. Thông tin về các phương án trung chuyển, kết nối xe buýt giúp khách đi lại thuận lợi qua bến mới cần được tăng cường… Ngoài ra, Sở Giao thông Vận tải cũng đề nghị cơ quan chức năng xử lý tình trạng xe dù, bến cóc để hoạt động vận tải tại thành phố ổn định.
Hiện, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng tổ chức các tuyến buýt kết nối bến xe mới: số 55 (Công viên phần mềm Quang Trung – Khu công nghệ cao quận 9); số 76 (Long Phước – Suối Tiên – Đền Vua Hùng) và số 93 (Bến Thành – Đại học Nông Lâm). Tuyến xe buýt đi ngang bến xe, gồm: 150, 60-1, 60-2, 60-3, 60-4. Để thuận tiện xe ra vào, đoạn đường thuộc dự án cầu vượt, hầm chui trước bến xe mới được Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông đẩy nhanh chuẩn bị đưa vào khai thác.
Bến xe Miền Đông mới có tổng vốn đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng, trong đó giai đoạn một khoảng 740 tỷ đồng, đưa vào khai thác sau gần 4 năm thi công. Công trình xây dựng trên diện tích 16 ha thuộc TP Thủ Đức và một phần TP Dĩ An, Bình Dương. Đây là bến xe lớn nhất nước, phục vụ hơn 7 triệu lượt khách mỗi năm.
Sau khi dời 22 tuyến qua bến xe mới, bến cũ còn hơn 130 tuyến hoạt động chặng ngắn như đi khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nguyên… Giai đoạn hai, sau khi địa điểm mới ổn định và xây dựng đồng bộ hạ tầng, các tuyến khác sẽ tiếp tục chuyển đến đây hoạt động.
Theo VNE