Tỷ lệ này không chỉ cao nhất trong ASEAN mà còn cao hơn nhiều so với mức trung bình của khu vực là khoảng 47%.
Ông Nakajima Takeo cho biết cách đây vài năm, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản còn đắn đo khi lựa chọn đầu tư giữa Việt Nam và Myanmar. Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát trong năm 2022, có tới 60% doanh nghiệp Nhật Bản dự định sẽ tiếp tục mở rộng tại Việt Nam trong tương lai. Tỷ lệ này đứng đầu ASEAN, cao hơn nhiều các quốc gia trong khu vực như Thái Lan (40,3%), Indonesia (47,8%) hay Myanmar (11,7%).
Thậm chí tại Myanmar, có tới 30,9 % doanh nghiệp Nhật Bản dự định thu hẹp, rút lui hoặc chuyển hoạt động sang quốc gia, vùng lãnh thổ khác. Trong khi đó, tỷ lệ này tại Việt Nam chỉ là 1,1% (giảm 1,1% so với năm trước).
Lý do mở rộng kinh doanh đối với ngành chế tạo là tăng doanh thu do xuất khẩu tăng. Còn đối với ngành phi chế tạo, tính tăng trưởng của thị trường Việt Nam và tăng doanh thu trong nước là lý do hàng đầu. Triển vọng lợi nhuận kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản năm 2022 cũng cho thấy nhiều dấu hiệu tích cực.
Ông Nakajma Takeo, Trưởng đại diện JETRO Hanoi, cho biết: “Tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại Việt Nam có lãi là 59,5%, tăng so với năm trước đó. Sự phục hồi sau đại dịch COVID-19 là lý do hàng đầu. Tỷ lệ doanh nghiệp báo lỗ là 20,8%, giảm so với năm trước”.
Những lý do chủ yếu dẫn đến kinh doanh thua lỗ là khó khăn trong việc thu mua nguyên vật liệu, chi phí hậu cần, giá nhân công tăng và ảnh hưởng của biến động tỷ giá. Theo đại diện của JETRO, chi phí sản xuất thấp không còn là lợi thế chính của các nước Đông Nam Á. Bởi vậy, giờ đây tính hiệu quả trong các thủ tục hành chính như việc cấp phép sẽ là yếu tố quyết định mức độ thu hút dòng vốn ngoại FDI đầu tư tại ASEAN.
“Trong khu vực ASEAN nói chung, tất cả các quốc gia gặp đều gặp vấn đề chi phí gia tăng. Như vậy, chi phí thấp không còn là lợi thế nữa”, đại diện Jetro nhấn mạnh.
Về triển vọng lợi nhuận kinh doanh 2023, số doanh nghiệp trả lời “cải thiện” là 53,6%, với nguyên nhân chủ yếu đến từ việc nền kinh tế đã phục hồi sau thời gian ảnh hưởng bởi đại dịch. Trong khi đó, số doanh nghiệp trả lời “suy giảm” là 6,9%. Lý do đến từ chi phí nguyên vật liệu, logistic, phí nhân công,…tăng. Ngoài ra, một nguyên nhân khác là ảnh hưởng của biến động tỷ giá.
Để ứng phó với việc chi phí tăng, doanh nghiệp Nhật Bản không chỉ thay đổi nhà cung cấp hay mua nguyên vật liệu thay thế mà nhiều doanh nghiệp đã xem xét việc tăng cường trang thiết bị, áp dụng số hóa vào sản xuất. Tuy nhiên, tỷ lệ nội địa hóa hầu như đi ngang ở mức 37% và tỷ lệ thu mua từ doanh nghiệp Việt Nam vẫn chỉ ở mức rất thấp là 15%. Điều này cho thấy phát triển ngành công nghệ hỗ trợ vẫn đang là vấn đề đối với Việt Nam.
Theo Doanhnghiep hoinhap