Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2021 là 12%

07/01/2021 08:13 Chiều

Chiều 7/1, tại buổi họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2021 diễn ra ở Tp.Hồ Chí Minh, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, trên cơ sở tính toán và cân đối, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2021 là 12%, gần tương đương với kết quả tăng trưởng tín dụng của năm 2020 là 12,13%.

Chú thích ảnh
Khách hàng giao dịch tại hội sở chính Vietcombank, 198 Trần Quang Khải, Hà Nội. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, việc đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% trong năm 2021 không phải là con số cố định, pháp lệnh buộc các tổ chức tín dụng phải tuân thủ mà là con số trong định hướng điều hành của ngành ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước sẽ có điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng khi cần thiết.

Cụ thể, trong trường hợp hết dịch COVID-19, nền kinh tế cần khôi phục nhanh, các lĩnh vực sản xuất kinh doanh có nhu cầu tín dụng nhiều hơn nữa thì Ngân hàng Nhà nước sẽ chủ động mở rộng tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế phục hồi. Ngược lại, khi nền kinh tế có dấu hiệu cần kiểm soát chặt chẽ nhằm đảm bảo hài hòa với mục tiêu lạm phát thì con số tăng trưởng tín dụng sẽ thấp hơn 12%.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết thêm, việc hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau COVID-19 được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành ngân hàng trong năm 2021. Hiện Ngân hàng Nhà nước đang trình Thủ tướng Chính phủ nội dung sửa đổi Thông tư 01/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của Ngân hàng Nhà nước quy định về tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 theo hướng hỗ trợ cho doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi dựa vào nguồn lực của các ngân hàng thương mại.

Trong năm 2020, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động điều hành hợp lý tốc độ tăng trưởng tín dụng phù hợp với mức độ mức hấp thụ của nền kinh tế, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất – kinh doanh, tiêu dùng, lĩnh vực ưu tiên, theo chủ trương của Chính phủ, góp phần quan trọng khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, duy trì tăng trưởng kinh tế sau dịch. Tín dụng đối với lĩnh vực rủi ro được kiểm soát chặt chẽ. Các tổ chức tín dụng đã triển khai nhiều chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi.

Tuy vậy, do cầu tín dụng suy yếu bởi tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 nên tín dụng tăng thấp hơn các năm trước. Đến ngày 31/12/2020, dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt gần 9,2 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 12,13% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ năm 2019 tăng 13,65%).

H.Chung (TTXVN)

Cùng chuyên mục

NHNN tăng lãi suất trên thị trường mở (OMO) lần 2 trong tháng

25/05/2024 01:30 Chiều

Đây là lần thứ hai trong vòng một tháng qua, Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất OMO. Trước đó, trong phiên ngày 23/4, lãi suất cho vay cầm cố giấy tờ có giá đã được tăng từ 4% lên 4,25%/năm.

Lãi suất ngân hàng năm 2022 sẽ ra sao?

10/01/2022 08:02 Chiều

Sau hai tuần thanh khoản liên tục gặp căng thẳng, tuần qua thanh khoản trên hệ thống đã ổn định trở lại. Lãi suất liên ngân hàng hạ nhiệt. Các chuyên gia dự báo gì về kịch bản lãi suất năm 2022? Lãi suất ngân hàng nào cao nhất hiện nay?

NHNN tiếp tục giảm giá bán, thị trường vàng đã hạ nhiệt

06/06/2024 04:16 Chiều

Theo thông báo của NHNN vào sáng nay, căn cứ phương án bán vàng miếng SJC trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty TNHH MTV vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đã được Thống đốc NHNN phê duyệt, giá bán vàng miếng trực tiếp là 75,98 triệu đồng/lượng.

Ngành ngân hàng nhìn lại năm 2021

31/12/2021 08:35 Chiều

Những cuộc đổi chủ đầy bất ngờ, sự lên ngôi của lớp lãnh đạo trẻ, công nghệ và định hướng mới trong mảng bán lẻ có thể coi là những điểm nhấn trong bức tranh ngân hàng năm 2021.

Ngân hàng KBank vượt mốc hơn 1,14 triệu người dùng trên ứng dụng K PLUS Vietnam chỉ sau 2 năm ra mắt

28/02/2024 12:23 Chiều

Kết thúc 2023, ngân hàng KBank Việt Nam ghi nhận đã đạt cột mốc 1,14 triệu người dùng trên ứng dụng ngân hàng điện tử K PLUS Vietnam chỉ sau 2 năm ra mắt như một khởi đầu mới. Ngân hàng đã phải đối mặt với hoàn cảnh khó khăn về nền kinh tế thế giới, bao gồm cả những bất ngờ lớn về địa chính trị quốc tế, đại dịch Covid-19 cũng như biến động của tình hình kinh tế trong nước.

Đối tác