Việc đầu tư nâng cấp sân bay Điện Biên sẽ giúp tỉnh Điện Biên thu hút đầu tư, phát triển du lịch và đảm bảo an ninh quốc phòng.
Hôm nay (27/3), Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 470/QĐ – TTg chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên.
Theo đó, Thủ tướng giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP (ACV) là nhà đầu tư Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên. Dự án có mục tiêu đầu tư mở rộng Cảng hàng không Điện Biên đạt công suất 0,5 triệu hành khách/năm, đảm bảo khai thác tàu bay A320/321 và tương đương cùng các công trình hạ tầng kỹ thuật đồng bộ.
Tổng mức đầu tư Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên là 1.547 tỷ đồng, trong đó sử dụng 100% vốn chủ sở hữu của ACV. Thời hạn hoạt động Dự án là 50 năm; tiến độ thực hiện là 34 tháng kể từ khi chấp thuận chủ trương đầu tư.
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định chủ trương đầu tư Dự án và thực hiện giám sát, đánh giá hoạt động đầu tư, quản lý và phối hợp quản lý hoạt động đầu tư theo đúng quy định của pháp luật. UBND tỉnh Điện Biên chịu trách nhiệm thực hiện đầy đủ các thủ tục và bố trí đủ vốn bảo đảm đủ điều kiện thực hiện giải phóng mặt bằng Dự án đáp ứng tiến độ triển khai các hạng mục Dự án, bảo đảm hiệu quả việc sử dụng đất sau khi thực hiện giải phóng mặt bằng, tránh việc lãng phí tài nguyên và chủ trì, phối hợp với các Bộ: GTVT, Quốc phòng, Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan có liên quan thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất và thu hồi, bàn giao đất xây dựng Dự án theo quy định của pháp luật về đất đai và quy định pháp luật hiện hành có liên quan theo tiến độ triển khai Dự án.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Điện Biên còn có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài chính và chỉ đạo các đơn vị liên quan và hướng dẫn ACV thực hiện ưu đãi về thuế và các chính sách liên quan theo quy định của pháp luật hiện hành; phối hợp giải quyết kịp thời các khó khăn trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Dự án.
Với tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành, Bộ GTVT có trách nhiệm phối hợp và hướng dẫn ACV trong việc rà soát, hoàn thiện hồ sơ Dự án trong bước lập Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án, bảo đảm phương thức bay an toàn, phát huy tối đa vai trò, hiệu quả đầu tư Dự án và phù hợp Đề án giao, quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư, quản lý và các văn bản pháp luật có liên quan, các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng cũng giao Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo ACV tiếp tục thực hiện đánh giá chi tiết hiệu quả tài chính tổng thể các cảng hàng không (trong đó có Cảng hàng không Điện Biên) được giao quản lý, khai thác bảo đảm hiệu quả đầu tư và nhiệm vụ được giao; tổ chức thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư Dự án theo quy định của pháp luật và báo cáo kịp thời về các sai phạm (nếu có) và thực hiện đầy đủ theo chức năng nhiệm vụ đối với quá trình thực hiện đầu tư Dự án.
Sân bay Mường Thanh hay còn gọi là sân bay Điện Biên nay thuộc phường Thanh Trường, TP. Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên). Đây vốn là sân bay dã chiến hồi năm 1954, một căn cứ tiếp vận rất quan trọng của Pháp và cũng là sân bay trung tâm của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Năm 1958, vận tải hàng không dân dụng chính thức được mở tại sân bay Điện Biên và do quân đội đảm nhiệm, nhưng các chuyến bay còn rất ít.
Đến năm 1984, kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, tuyến bay Hà Nội – Điện Biên bằng máy bay AN24, AK40… được khôi phục. Sau 10 tháng khai thác, do các điều kiện kỹ thuật không cho phép, ngày 30/1/1995, đường bay đã bị cắt để sửa chữa đường cất hạ cánh. Sau khi sửa chữa, sân bay Điện Biên đã hoạt động trở lại và máy bay là loại ATR72.
Năm 2004, Cảng hàng không Điện Biên được đầu tư mở rộng sân đỗ máy bay diện tích 12.000 m2 đảm bảo cho 4 vị trí máy bay đỗ. Nhà ga hành khách với diện tích sử dụng 2.500 m2, đủ năng lực phục vụ hai chuyến bay ATR72, tương đương 300 hành khách/giờ cao điểm.
Theo Quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết của Bộ GTVT, sân bay Điện Biên sẽ trở thành cảng hàng không quốc tế. Giai đoạn đến năm 2020, Cảng có công suất 300.000 lượt hành khách/năm và 500 tấn hàng hóa/năm, với 3 vị trí đỗ phục vụ các loại máy bay A320, A321 và tương đương. Định hướng đến năm 2030, Cảng có công suất 2 triệu lượt hành khách/năm, 10.000 tấn hàng hóa/năm, với 6 vị trí đỗ tàu bay, gồm 3 vị trí cho tàu bay ATR72 và 3 vị trí cho tàu bay A320.