Về đường bộ, Bình Định muốn Bộ Giao thông Vận tải hỗ trợ vốn cho các dự án: mở rộng quốc lộ 19B và quốc lộ 19C thành hai làn xe; mở rộng quốc lộ 1 qua phường Bình Định (thị xã An Nhơn), mở rộng mặt đường đoạn từ nút giao thông cầu Gành đến quốc lộ 1; làm tuyến tránh quốc lộ 1 qua thị trấn Bồng Sơn (thị xã Hoài Nhơn) và thị trấn Ngô Mây (huyện Phù Cát) đạt 4 làn xe thay vì hai làn.
Với cao tốc Bắc – Nam qua Bình Định, lãnh đạo tỉnh đề nghị Bộ báo cáo Chính phủ đề làm tuyến đường trong giai đoạn 2021-2025. Dự án được chia làm ba đoạn: Quảng Ngãi – Hoài Nhơn, Hoài Nhơn – Quy Nhơn và Quy Nhơn – Tuy Hòa (Phú Yên). Trong hai phương án Bộ đưa ra trước đó, tỉnh chọn làm cao tốc cách quốc lộ 1 khoảng 3-4 km về phía đông, để thuận lợi cho việc kết nối cảng Quy Nhơn và hầm Cù Mông nối với Phú Yên.
Với Cảng Quy Nhơn, Bình Định đề xuất đưa vào kế hoạch trung hạn 2021-2025, để đầu tư nâng cấp, mở rộng, vét luồng cảng từ âm 11 m xuống âm 13 m, để đáp ứng cho tàu 50.000 DWT. Dự án dự kiến tốn 400 tỷ đồng.
Ngoài ra, tỉnh đã bố trí gần 85 ha dọc quốc lộ 19 xây cảng cạn để phục vụ cảng Quy Nhơn. Chủ tịch Nguyễn Phi Long đề nghị Bộ trình Chính phủ cập nhật diện tích quy hoạch cảng cạn vào quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng cạn cả nước.
Với sân bay Phù Cát, lãnh đạo tỉnh miền Trung này cho biết lượng hành khách và hàng hóa về cảng tăng trưởng hơn 25% một năm trong giai đoạn 2016-2019, nên muốn điều chỉnh thành cảng hàng không quốc tế.
Về tuyến đường sắt Diêu Trì – Quy Nhơn dài hơn 10 km, tỉnh cho biết đoạn này không có tàu chạy đã ba tháng nay. Trước đó, tuyến này cũng chỉ có một chuyến mỗi ngày do chỉ là nhánh rẽ, khách đến Bình Định thường xuống thẳng ga Diêu Trì.
Trong khi đó, đoạn đường sắt này đang cắt đôi TP Quy Nhơn, xe từ tây sang đông buộc phải đi vòng. Do đó, tỉnh xin chuyển đường này thành đường sắt đô thị hoặc phương án khác để thuận lợi cho địa phương đấu nối vào hạ tầng giao thông.
Trả lời kiến nghị của lãnh đạo Bình Định, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng tỉnh cần báo cáo Thủ tướng theo hướng cho chủ trương Bộ sẽ đầu tư nâng cấp quốc lộ 19. Với các tuyến tránh quốc lộ 1, tỉnh cần nghiên cứu đề án tổng thể và xây dựng kế hoạch nâng cấp các đường này sau khi tập trung vốn cho cao tốc Bắc – Nam. Riêng những điểm đen trên quốc lộ, Tổng cục Đường bộ sẽ phối hợp để khắc phục.
Còn nâng cấp luồng lạch cảng Quy Nhơn, Bộ trưởng gợi ý ba phương án: Phối hợp với Bộ nghiên cứu, cân đối một số nguồn vốn các dự án đầu tư lớn về giao thông để ưu tiên cho công tác nạo vét; dùng ngân sách tỉnh; và xã hội hóa. Với cảng cạn, Bộ sẽ đề nghị Cục Hàng hải đưa vào quy hoạch.
Bộ trưởng cũng đề nghị Cục Hàng không định hướng sân bay Phù Cát thành cảng hàng không quốc tế; việc nâng cấp có thể làm sau năm 2030 khi sân bay đã đáp ứng các điều kiện hàng không dân dụng quốc tế và tiêu chí riêng do Bộ đề xuất.
Đối với tuyến đường sắt Quy Nhơn – Diêu Trì, Cục Đường sắt sẽ phối hợp cùng địa phương nghiên cứu có nên duy trì hay không. Nếu tiếp tục hoạt động thì cần đề xuất cho mở nút giao thông để kết nối đông – tây của Quy Nhơn không bị cản trở.
Theo báo cáo UBND Bình Định gửi Bộ Giao thông Vận tải, giai đoạn 2021-2025, Bình Định sẽ tập trung đầu tư vào các dự án giao thông trọng điểm.
Trong đó, dự án nâng cấp mở rộng các tuyến đường tỉnh, đường quốc lộ 19B và quốc lộ 19C và các đường địa phương nối với quốc lộ 1 cần 1.450 tỷ đồng…
Đường phía tây đầm Thị Nại, kết nối quốc lộ 19B đến quốc lộ 19 mới dài 13,5 km, rộng 20,5 m, cần vốn 2.500 tỷ đồng. Tuyến quốc lộ 19C nối dài, nối quốc lộ 1 đến cảng Quy Nhơn dài 8,3 km, tổng đầu tư 1.500 tỷ đồng.
Các dự án đường ven biển 2 – 4 làn xe, với tổng chiều dài 80 km cần 4.000 tỷ đồng. Đường ven biển Mỹ Thành – cầu Lại Giang dài 39 km tổng vốn 1.180 tỷ đồng. Các tuyến đường nối quốc lộ 1 nối với đường ven biển qua huyện Phù Mỹ, thị xã Hoài Nhơn và thị xã An Nhơn dài 35,6 km, tổng vốn 2.696 tỷ đồng.