Trao đổi với VNE, ông Trương Gia Bảo, Phó chủ tịch Hội Quảng cáo TP HCM cho biết, tại cuộc họp sáng 6/7 với Sở Công Thương, các hội cho rằng nếu áp dụng, đề án này có thể triển khai thành 3 giai đoạn. Đầu tiên, để duy trì kết nối giữa người bán và mua, ban quản lý chợ sẽ tập hợp thông tin liên hệ các tiểu thương và công bố trên các kênh truyền thông cho khách hàng có nhu cầu gọi điện thoại đặt hàng.
Giai đoạn tiếp theo, chương trình sẽ hỗ trợ người bán tham gia các sàn thương mại điện tử, nơi có sẵn lưu lượng khách lớn. Các thành viên hội cũng sẽ đào tạo cho tiểu thương cách sử dụng các công cụ hiệu quả, làm quen với cách vận hành (đóng gói, vận chuyển) và thanh toán.
“Các tiểu thương có quyền lựa chọn những yếu tố quan tâm khi tương tác với hệ sinh thái thương mại điện tử. Họ cần gì sẽ được hỗ trợ đó. Chẳng hạn người bán chưa muốn lên sàn nhưng muốn kết nối một đơn vị vận chuyển hay đa dạng hóa cách thanh toán đều được”, ông Bảo cho biết thêm.
Sau 2 bước này, về lâu dài, các tiểu thương có nhu cầu sẽ được hỗ trợ hoàn thiện kênh thương mại điện tử. “Nếu người nào quyết tâm, họ sẽ bán được hàng qua 3 kênh: truyền thống, điện thoại và trên các sàn”, ông Bảo cho biết.
Đại diện Sở Công Thương TP HCM cho rằng đây là một đề xuất rất đáng quan tâm trong bối cảnh tiểu thương các chợ đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. Sở cho biết sẽ có kết luận chính thức sau khi làm việc với các bên liên quan.
Nhiều tiểu thương cũng đánh giá đề xuất này khá thiết thực trong tình thế hiện nay, nhưng băn khoăn câu chuyện chi phí và giao hàng. Chị Hạnh, tiểu thương bán cá tại chợ Xóm Mới (Gò Vấp) cho rằng, mỗi kg cá lời 5.000-10.000 đồng, nếu bán online, ngoài chiết khấu và đóng phí duy trì, hoạt động giao hàng cũng khá phiền phức. Bởi đây là mặt hàng khó bảo quản nên sẽ khá tốn kém khi đóng gói gửi khách.
Chị Hoa, một tiểu thương bán giò chả tại chợ Tân Định chia sẻ, trước đây chị cũng bán hàng qua các kênh online nhưng chiết khấu lên tới 20-30% khiến chị không có lãi đành rút lui sau một tháng thử nghiệm.
“Mỗi kg chả giá 220.000 đồng, tiền lời tầm 40.000 đồng nhưng bị các sàn chiết khấu 40.000-60.000 đồng. Tính ra tôi sẽ bị lỗ vốn”, chị Hoa nói.
Từng kết hợp bán thịt heo qua mạng xã hội hơn năm nay, chị Thành, tiểu thương chợ Phú Thọ (quận 11) cho rằng, nếu được miễn phí hoàn toàn hoặc chỉ đóng một tháng 100.000-200.000 đồng tiền phí, chị và nhiều tiểu thương sẽ tham gia ngay.
Theo ông Trương Gia Bảo, các sàn thương mại điện tử hiện có xu hướng không còn cạnh tranh bằng hỗ trợ giảm giá trên hàng hóa. Cùng với đó, người mua hàng giờ đây cũng sẵn sàng hơn trong việc chi trả phí vận chuyển. Do vậy, chiết khấu bán hàng đến mức nào, phụ thuộc người kinh doanh lựa chọn đối tác. Hơn nữa, đối tác thu phí để chạy quảng cáo, làm gia tăng lượt khách cho nhà bán hàng. “Tôi nghĩ việc này là công bằng cho cả đôi bên”, ông nhận định.
Chia sẻ với VNE, đại diện Sendo cho biết, kinh nghiệm từ mô hình C2C và đặc biệt là phổ cập thương mại điện tử cho nông dân, có thể lưu ý 3 yếu tố để đảm bảo thành công cho chuyển đổi số trong kinh doanh truyền thống.
Thứ nhất, có sự phổ cập từ phía chính quyền cũng như có mô hình thành công để tiểu thương tin tưởng vào thương mại điện tử. Thứ hai, nên tập huấn cho tiểu thương các kỹ thuật bán hàng mới nhất, chứ không dừng lại ở đăng bán sản phẩm. Đơn cử như Sendo có chương trình tập huấn livestream cho nông dân thời gian qua. Thứ ba, để giải quyết bài toán về biên lợi nhuận, các mô hình mua gom đơn, mua nhiều giá kho sẽ là lời giải mà sàn này đang áp dụng thành công thời gian qua cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Phía Lazada cũng cho rằng, để triển khai thành công mô hình thương mại điện tử, điều đầu tiên là sự sẵn sàng và chủ động bước ra khỏi “vùng an toàn” để tiếp nhận phương thức kinh doanh mới của các tiểu thương. Tiếp theo, khi kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử, chất lượng sản phẩm, lượng hàng hóa lưu thông sẵn có và khả năng truy xuất nguồn gốc là rất quan trọng.
“Cụ thể, người bán sẽ phải cung cấp đủ giấy tờ chứng nhận cho các sản phẩm của họ theo đúng quy định của sàn thương mại điện tử và pháp luật hiện hành”, đại diện sàn này lưu ý.
Ngoài ra, khi tiểu thương đã bán online phải có tâm thế liên tục cải tiến dịch vụ. Sự khác biệt giữa kinh doanh trực tiếp (offline) và trực tuyến (online) đến từ việc người bán có thể tiếp cận các công cụ hỗ trợ để ghi nhận số liệu kinh doanh và phản hồi của khách hàng theo thời gian thực. Từ đó, họ có thể nhanh chóng đưa ra quyết định thay đổi, nâng cấp dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng một cách nhanh chóng, thuận tiện và hiệu quả hơn.
Ông Trương Gia Bảo cho biết sẽ tiếp tục trao đổi chi tiết với Sở Công thương về chương trình đề xuất này. Trước mắt, Sở cho hay sẽ liên hệ với ban quản lý các chợ để thông báo về chương trình và có thể cho thí điểm một số chợ.
Theo VNE