Lập kịch bản thích ứng an toàn ở nơi đã tiêm 2 mũi vaccine

08/09/2021 06:12 Sáng

Với mục tiêu sớm kiểm soát COVID-19, Thủ tướng lưu ý chuẩn bị các kịch bản thích ứng an toàn với dịch khi có nhiều vaccine hơn trong 1-2 tháng tới, nhất là ở nơi đã tiêm đủ. Theo ông, thời gian giãn cách, tăng cường kéo dài nên rất vất vả, nhưng các địa phương vẫn nỗ lực, quyết tâm thực hiện để kiểm soát dịch.

Chủ trì cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chiều 5/9 với 63 tỉnh, thành phố và kết nối đến hơn 9.000 phường, xã, thị trấn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao nỗ lực của các địa phương trong việc thực hiện giãn cách xã hội.

Dứt khoát không để giãn cách xã hội kéo dài

Để kiểm soát dịch bệnh, trở lại trạng thái bình thường mới trên toàn quốc, Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh tinh thần “chống dịch như chống giặc”; lấy xã, phường là pháo đài, người dân là chiến sĩ, vừa là trung tâm phục vụ, vừa là chủ thể thực hiện phòng, chống dịch.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu những nơi thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội phải thần tốc xét nghiệm diện rộng cho toàn bộ người dân một cách hiệu quả và bảo an toàn.

Trong những nhiệm vụ, giải pháp đưa ra, ông lưu ý trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp. Thủ tướng chỉ đạo các địa phương thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách phải xác định mục tiêu cụ thể cần đạt được là gì.

“Trong thời gian giãn cách xã hội phải kiểm soát được dịch bệnh theo tiêu chí của Bộ Y tế, dứt khoát không để tình trạng giãn cách không triệt để, kéo dài mà không đạt được mục tiêu, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân, gây rất nhiều hệ lụy mà chúng ta chưa tưởng tượng được”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

Bên cạnh việc kịp thời khen thưởng tập thể, cá nhân làm tốt, Thủ tướng chỉ đạo kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm nếu buông lỏng quản lý, lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trong chống dịch.

Các địa phương, nhất là các xã, phường, thị trấn đang thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội phải thực hiện nghiêm ngặt quy định về giãn cách, cách ly, “ai ở đâu ở đó”; bảo đảm an sinh xã hội, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc; bảo đảm mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế từ sớm, từ xa.

Đặc biệt, những nơi thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội phải thần tốc xét nghiệm diện rộng cho toàn bộ người dân một cách hiệu quả và bảo an toàn.

“Cố gắng đến 15/9 tại các khu vực nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, lấy mẫu xét nghiệm tất cả người dân ít nhất ba lần (2-3 ngày/lần); các khu vực khác lấy mẫu xét nghiệm tất cả người dân ít nhất một lần (từ 5-7 ngày/lần) theo hướng dẫn của Bộ Y tế”, Thủ tướng nêu rõ mục tiêu.

Ông cũng yêu cầu mở rộng, nâng cao năng lực điều trị và đảm bảo đủ máy thở, oxy y tế và thuốc điều trị, nhất là ở tầng 2 để giảm số bệnh nhân chuyển nguy kịch, tử vong. Cùng với đó, thiết lập và vận hành hiệu quả các trạm y tế lưu động; khẩn trương tổ chức tiêm vaccine ngay khi được phân bổ.

Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý cần chủ động nghiên cứu, chuẩn bị các kịch bản thích ứng an toàn với dịch bệnh khi có nhiều vaccine hơn trong 1-2 tháng tới, nhất là ở những nơi đã tiêm đủ vaccine.

“Khi tăng cường đề phòng, cộng với vaccine, chúng ta có thể đảm bảo thích ứng an toàn với dịch COVID-19, thực hiện 2 mục tiêu vừa phòng chống dịch có hiệu quả vừa phát triển kinh tế xã hội”, ông nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng yêu cầu xét nghiệm diện rộng, thần tốc với tất cả người dân, nhất là các địa bàn đỏ cần xét nghiệm 100% dân số theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nhanh chóng phát hiện F0.

“Giãn cách xã hội phải làm triệt để trong thời gian ngắn, làm chập chờn thì mất cả hai, vừa không không kiểm soát được dịch, vừa thiệt hại kinh tế, đời sống nhân dân bị ảnh hưởng”, Thủ tướng lưu ý.

Thủ tướng đề nghị ở nơi đã tiêm đủ 2 mũi vaccine có thể thiết lập kịch bản thích ứng an toàn, như giao thông an toàn, đi lại an toàn, sản xuất an toàn, dịch vụ an toàn và ý thức an toàn để tự bảo vệ mình và gia đình, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Kết quả chống dịch “chưa như mong muốn”

Trong lúc nguồn lực vaccine còn khó khăn, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh phòng dịch rất quan trọng. “Thực hiện giãn cách, tăng cường giãn cách xã hội để ngăn chặn nguồn lây, tìm kiếm F0, phát hiện F1, có chăm sóc, điều trị phù hợp”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng một lần nữa lưu ý trong phòng, chống dịch phải chống 2 khuynh hướng. Một là khi dịch bệnh đi qua và chưa đến thì lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Hai là khi dịch đến thì lo sợ, thậm chí hốt hoảng, mất bình tĩnh, thiếu sáng suốt để đưa ra giải pháp phù hợp.

Nhìn lại kết quả đã đạt được, lãnh đạo Chính phủ nhận định công tác phòng chống dịch đang đi đúng hướng, phù hợp với tình hình thực tiễn dịch ở nước ta, song ông cũng thẳng thắn cho rằng “kết quả chưa được như mong muốn, chưa cao”. Nguyên nhân của việc này là công tác tổ chức thực hiện ở các cấp, vì vậy, mỗi cấp cần thấy rõ nguyên nhân để tự soi, tự sửa, tự điều chỉnh, tự bổ sung cho hoàn thiện.

Nhận định tình hình còn phức tạp, khó lường, Thủ tướng đồng thời chia sẻ việc đời sống của nhân dân ngày càng khó khăn nếu tiếp tục giãn cách xã hội, doanh nghiệp cũng rất khó khăn nếu đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất.

“Chúng ta thấu hiểu và chia sẻ khó khăn của người dân, doanh nghiệp để rồi có quyết tâm cao hơn, động lực lớn hơn, cố gắng nhiều hơn, phấn đấu quyết liệt hơn để đạt mục tiêu đề ra, nhất là mục tiêu kiểm soát dịch bệnh, nhanh chóng đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường mới”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Ông cũng nêu việc vẫn còn một số địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ ban hành quyết định chống dịch chưa tính toán kỹ lưỡng một số mặt hay đánh giá tác động, chuẩn bị công tác truyền thông còn bất cập. Chia sẻ đây là việc khó, Thủ tướng lưu ý các địa phương trước khi đưa ra cái mới, khác với chủ trương chung cần chuẩn bị kỹ lưỡng, kể cả thời điểm, cách làm, đánh giá tác động và chuẩn bị truyền thông…

Bất cập khác được Thủ tướng chỉ ra là một số xã, phường, thị trấn có nơi, có lúc chưa thực hiện nghiêm về các quy định như kiểm soát giãn cách, tăng cường giãn cách, “chặt ngoài lỏng trong”, điển hình ở phường Thanh Xuân Trung (Hà Nội) hay một số phường ở TP.HCM.

Một hạn chế nữa là khi phong tỏa, thực hiện giãn cách, tăng cường giãn cách thì chưa đưa ra được mục tiêu cụ thể, rõ ràng hay lộ trình thực hiện. “Chúng ta hy sinh phát triển kinh tế – xã hội để giãn cách thì phải đạt mục tiêu kiềm chế, kiểm soát được dịch”, Thủ tướng nhắc lại phải đạt mục tiêu trong lúc thực hiện giãn cách, tăng cường giãn cách.

Bệnh cạnh đó, một bộ phận người dân còn lơ là mất cảnh giác với diễn biến dịch bệnh rất phức tạp, đặc biệt là với biến chủng Delta; chưa ý thức được sự nguy hiểm của dịch bệnh để tham gia phòng, chống dịch tích cực và hiệu quả.

Theo NĐT

Cùng chuyên mục

Nâng tầm kỹ năng lao động, “chìa khóa vàng” cho hội nhập

22/09/2021 11:07 Sáng

Sự phát triển của nền kinh tế đang đặt ra yêu cầu đối với nguồn lao động trong nước nhưng tình trạng thiếu nhân lực chất lượng cao vẫn đang là vấn đề cần giải quyết. Trong những năm qua, việc đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn bị nhân lực có kỹ năng nghề được Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm và đã có nhiều chuyển biến tích cực về nhận thức, quy mô tuyển sinh, chất lượng và hiệu quả đào tạo, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Chính quyền địa phương Trung Quốc đang nợ tới 52% GDP

01/10/2021 07:01 Sáng

Bloomberg đưa tin theo báo cáo của Goldman Sachs, tổng số nợ của LGFV (các công ty tài chính của chính quyền địa phương Trung Quốc) tăng từ 16.000 tỷ NDT năm 2013 lên khoảng 53.000 tỷ NDT (8.200 tỷ USD) trong năm 2020. Con số đó bằng khoảng 52% GDP và lớn hơn dư nợ chính thức của chính phủ.

Khánh Hòa: Xử lý kiến nghị của các doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời mái nhà

26/10/2021 07:52 Sáng

Với lý do bởi ảnh hưởng của dịch bệnh covid-19, sản xuất ngừng trệ, nên việc sử dụng điện bị giảm thiểu nghiêm trọng, Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) đã có văn bản Thông báo cho các doanh nghiệp sản xuất điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) sẽ cắt giảm sản lượng điện 4 tháng cuối năm lên đến 70%. Trước thông tin này, các doanh nghiệp ĐMTMN ở các tỉnh miền Trung đã phản ứng mạnh mẽ.

Bộ Y tế cấp phép khẩn cấp thêm một vắc xin Covid-19 của Trung Quốc

11/09/2021 06:47 Sáng

Ngày 10.9, Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện vắc xin Hayat - Vax của Trung Quốc cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

VNVC tiếp tục ký hợp đồng đặt mua hơn 25 triệu liều vắc xin Covid-19

04/11/2021 07:54 Sáng

“Vắc xin là mắt xích quan trọng trong công tác phòng chống dịch và mong muốn AstraZeneca sẽ sớm bàn giao đủ số vắc xin trong Hợp đồng đặt mua vắc xin mà VNVC đã ký với AstraZeneca từ tháng 11-2020, đồng thời sớm tiếp tục dành cho Việt Nam thêm vắc xin trong thời gian tới”, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định.

Đối tác