NHNN có ba lần liên tiếp điều chỉnh giảm các mức lãi suất với tổng mức giảm 1,5-2% một năm với lãi suất điều hành, giảm 0,6-1% một năm lãi suất tối đa của tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng, giảm 1,5% một năm lãi suất tối đa cho khoản vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên. Kết quả, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khoảng 1% trong năm 2020 và khoảng 0,55% trong hơn nửa đầu năm 2021
Đáng chú ý, lãi suất cho vay đã giảm khoảng 0,7% và lãi suất huy động đã giảm 0,4% tính từ đầu năm 2021 tới nay.
Hiện các tổ chức tín dụng đã cho vay với lãi suất thấp hơn thời điểm trước dịch Covid-19 với doanh số lũy kế đạt trên 5,2 triệu tỉ đồng cho 800.000 khách hàng trong giai đoạn từ 23-1-2020 tới hết tháng 9-2021. Ngoài ra, các tổ chức này đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho khoảng 1,7 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ gần 2,5 triệu tỉ đồng.
Về tín dụng, Phó Thống đốc NHNN cho biết tín dụng toàn hệ thống tăng 7,42% trong giai đoạn từ cuối năm 2020 tới ngày 7-10-2021, cao hơn 1,94% so với cùng giai đoạn năm 2020. Còn tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 5,65% so với cuối năm 2020 và tăng 11,56% so với cùng kỳ năm 2020.
Kết quả này, theo ông Tú, là đáng mừng trong bối cảnh nhiều tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng.
“Như vậy, từ nay tới cuối năm còn hơn 4,5% nữa. Tuy nhiên, mục tiêu tăng trưởng 12% này cũng là tuỳ thực tế nền kinh tế, nếu đến cuối năm nhu cầu nền kinh tế cao và kiểm soát được lạm phát thì chúng tôi sẵn sàng mở thêm”, ông Tú nói.
Về đề xuất nới lỏng các điều kiện vay vốn, Phó Thống đốc NHNN cho rằng, việc giảm chất lượng và điều kiện vay vốn sẽ không đảm bảo an toàn hệ thống. Theo đó, NHNN sẽ tạo điều kiện mở rộng tín dụng nếu cần thiết, nhưng không đặt vấn đề giảm điều kiện tiếp cận tín dụng.
“Tạo điều kiện để hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng tín dụng, kiểm soát nợ xấu không chỉ trong trung, dài hạn mà ngay tại nợ xấu trước mắt”, ông Tú cho biết.
PV