Cần có kiến thức
Vừa qua, Chương trình Vì tầm vóc Việt có tuyến bài phản ánh về vấn đề trẻ béo phì. Các số liệu nghiên cứu cũng chỉ ra tỷ lệ thừa cân béo phì đang có xu hướng tăng nhanh ở khu vực thành thị (26,8%), nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%.
Tỷ lệ người trẻ mắc các căn bệnh như béo phì, mỡ máu, tiểu đường ngày càng tăng.
Theo báo cáo của WHO, 60% trẻ em Việt Nam tự học và sử dụng internet thay vì chơi thể thao. Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia lười vận động nhất thế giới. Sức khỏe, thể lực của thanh niên Việt Nam được xếp vào mức kém.
Bác sĩ Bùi Thị Nhung, Chuyên gia dinh dưỡng học đường – Viện Dinh dưỡng quốc gia chia sẻ: “Nhiều khảo sát ở Việt Nam cho thấy phụ huynh cho rằng trẻ béo mới khỏe và ngộ nhận về tình trạng cân nặng. Trẻ có cân nặng hợp lý thì cho rằng gầy còm, trẻ thừa cân cho rằng bình thường. Chỉ khi trẻ béo phì mới cho rằng thừa cân”.
Chính vì ngộ nhận này, bác sĩ Nhung cũng đã có cảnh báo: “Hiện nay, các bệnh không lây nhiễm như béo phì, thừa cân, tiểu đường, mỡ máu cao đã “trẻ hóa”. Tỷ lệ người trẻ mắc các căn bệnh này ngày càng tăng. Vừa rồi, tôi tư vấn cho các bạn dưới 10 tuổi, có bạn đã có mức Cholesterol trong máu cao đến 7,2 luôn”.
Béo phì thường đi kèm với hội chứng chuyển hóa và rối loạn mỡ máu.
Trong số các trẻ béo phì, 10% trẻ có hội chứng chuyển hóa. Khoảng 30% -50% số trẻ béo phì bị rối loạn mỡ máu. Để phòng ngừa cao huyết áp, rối loạn đường máu, rối loạn lipid máu,… thì chỉ có con đường là nâng cao nhận thức, ý thức bằng việc đưa giáo dục dinh dưỡng vào trường học, đưa kiến thức dinh dưỡng vào bài giảng. Nói như bác sĩ Nhung thì không phải béo là tốt mà trẻ ít bệnh mới tốt. Muốn làm được điều đó phải có kiến thức.
Chuyện ông bố đến trường xin thực đơn
Ngày 26/12/2019, Bộ Giáo dục – Đào tạo và Tập đoàn TH (đơn vị đồng hành) hợp tác triển khai Mô hình điểm “Bữa ăn học đường đảm bảo dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên Việt Nam” với cách tiếp cận tương tự các nước phát triển: kết hợp ăn uống – vận động và có hệ thống vận hành hợp lý.
Mô hình được thông qua Hội đồng khoa học, bao gồm các chuyên gia đại diện Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học Công nghệ, Ban điều phối Đề án 641 (Đề án Tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 – 2030), Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Hội Dinh dưỡng Việt Nam, Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Tp Hồ Chí Minh. Năm học 2020-2021, mô hình đã được triển khai ở 10 tỉnh thành.
Mô hình tiến hành khảo sát và xây dựng 4 Bộ thực đơn cân bằng dinh dưỡng phù hợp với hai nhóm tuổi mầm non, tiểu học: Bộ thực đơn Thu – Ðông gồm 20 thực đơn/mỗi trường, Bộ thực đơn Xuân – Hè gồm 20 thực đơn/mỗi trường. Trong đó hạn chế đồ ăn có hại cho sức khỏe, tăng cường rau xanh và các thực phẩm tự nhiên ở vùng miền. Bữa xế có bổ sung sữa tươi phù hợp với khuyến nghị về nhu cầu dinh dưỡng, có tính toán khoa học.
Mô hình cũng công phu xây dựng những bài tập với dụng cụ cũng như một số động tác tư thế Yoga cơ bản và trò chơi vận động đơn giản tích hợp với chương trình giáo dục thể chất ngoại khoá, giúp học sinh tăng cường vận động nâng cao sức khoẻ, phát triển chiều cao, thể lực, phòng bệnh tật.
Triển khai trong năm học 2020-2021, dù cuối năm học dịch bệnh bùng phát nhưng trong cả năm, các bữa ăn – bài tập tại trường đã được các chuyên gia “nắn chỉnh” từng tuần. Các thực đơn và bài tập được nhà trường đưa lên các nhóm phụ huynh thông qua mạng xã hội để phụ huynh phối hợp thực hiện tại nhà.
“Đã có những ông bố tới tận trường để xin thực đơn về nấu ăn cho con tại nhà. Đó là cách tác động rất hiệu quả”- đại diện Sở GD- ĐT Quảng Nam chia sẻ.
Kết quả thực chứng cho thấy, qua 1 năm triển khai bữa ăn lành mạnh kết hợp với rèn luyện thể lực, tỷ lệ trẻ thừa cân béo phì đã giảm mạnh. Tại Lễ tổng kết mô hình điểm diễn ra ngày 8.10, các chuyên gia thông tin: Tỷ lệ trẻ béo phì trong các trường thực hiện nghiên cứu mô hình điểm rất cao: trường can thiệp ở Lâm Đồng là 40,6%, An Giang 50,9%, Thừa Thiên Huế 48,2%… Sau can thiệp, tỷ lệ thừa cân béo phì giảm trung bình 2,68%. Kết quả này cho thấy đây là mô hình cần được nhân rộng.
Ở các tỉnh thành triển khai mô hình điểm đã tổ chức Hội thảo với phụ huynh, hội thi dinh dưỡng, phụ huynh đi thăm bữa ăn học đường và một số hoạt động truyền thông nhằm giúp phụ huynh học sinh hiểu được vai trò của dinh dưỡng, mô hình của đề án để có sự đồng thuận, phối hợp phù hợp về thực đơn và các món ăn ở nhà từ đó giúp trẻ rèn luyện thói quen ăn uống lành mạnh từ tuổi nhỏ tại gia đình. Đây chính là cách làm bền vững để có sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong giáo dục dinh dưỡng, thể chất.
Các nội dung này sẽ tiếp tục được phản ánh trong Chương trình Vì tầm vóc Việt ngày 17.10.2021
Kết quả triển khai từ Mô hình điểm sẽ được sử dụng làm cơ sở khoa học và thực tiễn để nhân rộng, góp phần thực hiện Chương trình “Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025” (theo Quyết định 1660/QĐ-TTg do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký ban hành ngày 2/10/2021) đồng thời đề xuất xây dựng chính sách và luật về Dinh dưỡng học đường.
An Vy