Một con gấu koala được tiêm vắc xin ngừa chlamydia tại Bệnh viện Động vật Hoang dã Úc ở bang Queensland vào ngày 15.10. ĐẠI HỌC SUNSHINE COAST
CNN đưa tin khoảng 400 con gấu koala Úc sẽ được tiêm phòng chlamydia, một bệnh lây truyền qua đường tình dục cũng được ghi nhận ở người, trong một cuộc thử nghiệm. Chlamydia đã liên tục lây lan trong quần thể gấu koala Úc và ảnh hưởng đến một nửa số cá thể koala ở một số khu vực.
“Đây là một căn bệnh nghiêm trọng gây ra viêm kết mạc, nhiễm trùng bàng quang và có khi là vô sinh”, bà Amber Gillett, bác sĩ thú y của Bệnh viện Động vật Hoang dã Úc và điều phối viên nghiên cứu, tuyên bố ngày 15.10 khi thông báo bắt đầu cuộc thử nghiệm. Theo các nhà nghiên cứu, chlamydia do vi khuẩn gây ra và có thể lây từ mẹ sang con. Bệnh này cũng có thể khiến gấu koala bị mù.
Mỗi con gấu koala trong cuộc thử nghiệm sẽ được tiêm một liều vắc xin và sẽ được gắn chip trước khi được thả về tự nhiên.
“Mặc dù việc chủng ngừa sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho từng cá thể, cuộc thử nghiệm cũng sẽ tập trung vào hiệu quả của vắc xin”, ông Peter Timms, giáo sư vi sinh vật học tại Đại học Sunshine Coast và là người đứng đầu cuộc thử nghiệm, cho biết.
Tuy bệnh chlamydia có thể được điều trị bằng thuốc kháng sinh, các nhà nghiên cứu hy vọng việc tiêm vắc xin sẽ giúp cải thiện khả năng sống sót và sinh sản của gấu koala.
Có nhiều thống kê khác nhau về số lượng gấu koala ở Úc vì rất khó ước tính chính xác số lượng loài này trong tự nhiên. Một nghiên cứu năm 2016 của Đại học Queensland ước tính rằng nước Úc còn khoảng 330.000 con gấu koala trong tự nhiên.
Một nghiên cứu khác do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) ủy quyền ước tính hơn 60.000 con gấu koala đã bị giết, bị thương hoặc bị ảnh hưởng theo cách khác trong các trận cháy rừng ở Úc vào năm 2019 và đầu năm 2020.
Theo Đông A/TNO