Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi: Xây dựng bộ tiêu chí trường học an toàn để mở cửa trường

20/10/2021 07:24 Sáng

Ngày 19-10, tại kỳ họp thứ 3 HĐND TP.HCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh: “Xây dựng bộ tiêu chí trường học an toàn là yếu tố quan trọng nhất khi quyết định mở cửa trở lại”.


Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại kỳ họp

Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho biết, TP vừa thống nhất đồng ý để xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ) thí điểm mở cửa dạy học trực tiếp tại 2 trường học ở các lớp 1, 2, 6, 9, 12. Việc thí điểm để hoàn thiện bộ tiêu chí trường học an toàn.

Tuy nhiên, việc mở cửa trường học là vấn đề phức tạp, yêu cầu mở nhưng phải đảm bảo môi trường dạy học an toàn. “Ngoài chuẩn bị lại cơ sở vật chất tại các trường học trước đây trưng dụng làm khu cách ly, còn phải tính toán lại chương trình để việc dạy học phù hợp trong điều kiện giãn cách nhưng vẫn đảm bảo chương trình”.

Bên cạnh đó là công tác tiêm vắc xin cho học sinh. “TP thống nhất thực hiện theo yêu cầu, hướng dẫn của Bộ Y tế nhưng giữ nguyên tắc thử nghiệm vì nhiều phụ huynh quan tâm việc này. TP sẽ tập trung tiêm cho cho trẻ có bệnh nền, bệnh béo phì để giảm rủi ro khi mở cửa trường học, nhưng cũng tôn trọng quyết định của phụ huynh, tức là tổ chức tiêm cho trẻ trên tinh thần tự nguyện”, ông Phan Văn Mãi nói.

Trước đó tại kỳ họp, Giám đốc Sở GD-ĐT TP Nguyễn Văn Hiếu cho biết, sau khi kiểm soát được dịch bệnh thì có thể dạy học trực tiếp trở lại. Để chuẩn bị, Sở GD-ĐT đang phối hợp với Sở Y tế, các sở ngành liên quan tổ chức đánh giá, nhận định tình hình dịch bệnh ở các địa phương.

Đối với xã đảo Thạnh An, qua nhiều lần kiểm tra của Sở Y tế, Sở GD-ĐT, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP, cho thấy trong nhiều tuần qua xã đảo này kiểm soát dịch Covid-19 rất tốt. Không phát sinh ca bệnh mới, người dân thực hiện nghiêm quy định 5K, các trường học đảm bảo vệ sinh môi trường đủ điều kiện để thí điểm mở cửa dạy học trực tiếp.

Toàn bộ hơn 200 học sinh và hơn 60 giáo viên tham gia ở 5 khối lớp thí điểm đều đáp ứng yêu cầu dạy học an toàn. Các giáo viên đã được tiêm 2 mũi vắc xin phòng Covid-19 và học sinh cũng được xét nghiệm PCR.

Sau khi dạy học trực tiếp trở lại, giáo viên sẽ có kế hoạch phụ đạo, kèm cặp học sinh chưa nắm được kiến thức trong quá trình học qua internet và truyền hình.

Chủ động có phương án mở cửa trường học cho các bậc học

Sau một ngày rưỡi làm việc, kỳ họp thứ 3 HĐND TP.HCM khóa X đã thành công tốt đẹp, hoàn thành các nội dung, chương trình đề ra. Tại kỳ họp, HĐND TP đã xem xét các tờ trình của Thường trực HĐND và UBND TP, báo cáo thẩm tra của các ban HĐND TP, tiến hành thảo luận và biểu quyết thông qua 11 nghị quyết; trong đó có 1 nghị quyết về nhân sự; 2 nghị quyết về cơ chế, chính sách; 2 nghị quyết về kế hoạch đầu tư, phân bổ vốn; 2 nghị quyết về chủ trương đầu tư các dự án và 4 nghị quyết về một số nội dung quan trọng khác.

“Đây là những nghị quyết hết sức quan trọng, có tác động lớn đến phát triển kinh tế – xã hội và đời sống của nhân dân trong nhiều năm tới”, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ cho biết.

Dự báo những tháng cuối năm vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, trong đó tình hình dịch bệnh đang âm thầm tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống của Nhân dân, hoạt động sản xuất – kinh doanh. Theo đó, Thường trực HĐND TP đề nghị UBND TP, các cấp, các ngành, các địa phương cùng cả hệ thống chính trị tiếp tục chỉ đạo việc tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi phát triển kinh tế với tinh thần chủ động, sáng tạo, bám sát thực tiễn, phát huy nội lực, tranh thủ có hiệu quả các nguồn lực đầu tư, tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, không chủ quan “khi dịch đi qua”.

Đối với các nghị quyết của HĐND TP đã được thông qua, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, từng tập thể, cá nhân triển khai và phối hợp thực hiện nghiêm, bảo đảm công khai, minh bạch đúng quy định của pháp luật, đạt hiệu quả cao; đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vừa phát triển kinh tế – xã hội, phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu, kế hoạch năm 2021 đã đề ra, với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.

Chủ động có phương án mở cửa trường học cho các bậc học phù hợp với lộ trình tiêm vắc xin theo kế hoạch đề ra. Triển khai một số giải pháp cả trước mắt và lâu dài để chăm sóc trẻ em không may bị mồ côi do dịch bệnh.


Học sinh TP.HCM

Đánh giá công tác dạy học thời gian qua, ông Nguyễn Văn Hiếu cho hay, năm học 2021-2022, dạy học trên internet và truyền là lần đầu tiên trong lịch sử giáo dục của Việt Nam. Nhiều vấn đề cần rà soát, điều chỉnh để giảm áp lực cho học sinh, giáo viên.

Học tập trên môi trường internet, truyền hình và các hình thức học tập gián tiếp khác học sinh rất vất vả, đòi hỏi phải có tinh thần tự chủ, tự học cao, rất khó khăn đối với học sinh lớp nhỏ bậc tiểu học và các lớp đầu cấp, cuối cấp.

Năm nay cũng là năm thứ 2 thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, nối tiếp lớp 1 là lớp 2, lớp 6, yêu cầu phải dạy học 2 buổi/ngày và có các hoạt động giáo dục toàn diện trong nhà trường. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dạy học trực tuyến không làm được các nội dung này.

Đối với giáo viên cũng bị căng thẳng. Việc chuẩn bị bài giảng nhiều hơn so với dạy trực tiếp. Tâm lý khi dạy trên môi trường internet và truyền hình giống như một diễn viên, nhiều người đánh giá, bình luận. Có gia đình không tạo được điều kiện, góc học tập riêng cho học sinh học cũng ảnh hưởng đến giáo viên.

Mặc dù gặp khó khăn nhưng Giám đốc Sở GD-ĐT TP cho rằng kết quả đạt được rất tốt. Số học sinh tham gia học tập trên internet, truyền hình ở bậc tiểu học đạt hơn 98%, bậc THCS, THPT đạt 99%.

Trường hợp học sinh không tham gia do thiếu thiết bị, thiếu môi trường học tập và đường truyền internet. “Thống kê đầu năm học có hơn 70.000 học sinh không có thiết bị, đường truyền học tập. Tuy nhiên, nhờ có các mạnh thường quân, doanh nghiệp hỗ trợ, đến đầu tháng 10 còn khoảng 40.000 học sinh chưa có đủ thiết bị học tập”, ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết. Nhiều học sinh học bằng điện thoại của cha mẹ, hoặc mượn người thân trong đó nhiều thiết bị cũ. Theo đó, Sở GD-ĐT có rà soát lại và phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông vận động hỗ trợ máy tính bảng cho học sinh, trước mắt khoảng 15.000 máy cho các em có điều kiện khó khăn. Đây là thiết bị học tập cơ bản, đáp ứng được việc dạy học trực tuyến hiện nay.

N.Trinh

Cùng chuyên mục

TP.HCM: Diễn biến dịch trong trường học đang có diễn biến phức tạp

22/02/2022 03:09 Chiều

Như dự đoán của Sở GD-ĐT TP.HCM, trong tuần thứ hai dạy học sau Tết Nguyên đán (14-18/2), tình hình dịch bệnh tại các trường học có diễn biến phức tạp.

Đại học Đại Nam hợp tác với Quippy AI trong việc áp dụng công nghệ AI tiên tiến vào giảng dạy tiếng Trung

21/05/2024 06:30 Chiều

Quippy AI, nền tảng giáo dục công nghệ hàng đầu chuyên về học ngoại ngữ, đã thông báo về việc ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) với Đại học Đại Nam tại Hà Nội, Việt Nam. Mối hợp tác chiến lược này đánh dấu bước ngoặt trong việc đổi mới phương pháp học tiếng Trung cho sinh viên đại học, ứng dụng công nghệ nhận diện giọng nói AI tiên tiến của Quippy.

Hướng dẫn các bước xác nhận nhập học trực tuyến

19/09/2022 11:17 Chiều

Ngày 18/9, Bộ Giáo dục và Đào tạo mở hệ thống để thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến. Để tra cứu kết quả xét tuyển của các trường đại học mà thí sinh đã đăng ký nguyện vọng và xác nhận nhập học trực tuyến, thí sinh cần thực hiện 6 bước.

Đối tác