Doanh nghiệp mong có được các giải pháp hỗ trợ quyết liệt để chuẩn bị cho kế hoạch cuối năm và năm tới

21/10/2021 08:05 Sáng

Trước thềm Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, nhiều doanh nghiệp mong có được các giải pháp hỗ trợ quyết liệt để doanh nghiệp chuẩn bị cho kế hoạch cuối năm và năm tới.

Đỉnh “bão Covid-19” đã qua, dù giông gió vẫn còn. Các doanh nghiệp lớn, nhỏ đang bắt tay thu dọn hiện trường. Sẽ có rất nhiều việc phải làm, nhưng có 2 bài toán căn cơ mà doanh nghiệp đang cần hỗ trợ mong sớm có câu trả lời.

Một là, làm sao tiếp cận được vốn rẻ để có tiền trả lương, mua nguyên vật liệu cho kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Có thể có chương trình tín dụng đặc biệt, hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp, các lĩnh vực chịu tác động lớn nhất như vận tải, hàng không, du lịch? Có thể miễn hẳn các khoản thuế, phí đang hoãn nộp để hỗ trợ thanh khoản doanh nghiệp hay không?

 Ảnh minh họa.

Hai là, làm thế nào để các kế hoạch sản xuất, kinh doanh, đầu tư thực hiện thông suốt và nhanh nhất?

Theo đó, có thể cắt giảm những thủ tục hành chính, giấy phép, điều kiện kinh doanh nào?…

Có những câu hỏi đã được Chính phủ trả lời, nhưng nhiều vấn đề còn thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Trên thực tế, bài toán này đã được doanh nghiệp đặt ra ngay từ năm ngoái, khi đợt dịch Covid-19 đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam vào tháng 4/2020.

Song, khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư, khi các doanh nghiệp đã kiệt sức, khi người dân, người lao động, các khu vực, các động lực tăng trưởng, trung tâm kinh tế lớn của cả nước bị bào mòn… thì sẽ khó khăn hơn nếu muốn sớm đưa ra lời giải.

Trong trạng thái bình thường mới, trong thế vừa làm, vừa rút kinh nghiệm… dường như các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã không theo kịp tốc độ gia tăng của những khó khăn, thách thức, cho dù giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng của Covid-19 từ đầu năm 2020 đến nay khá dày đặc.

Có thể kể đến các chính sách gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất cho một số ngành; quyết định giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng; giảm thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay đến hết năm 2021; đưa các khoản hỗ trợ chống dịch vào thu nhập chịu thuế; hỗ trợ tiền điện, nước… và các giải pháp hỗ trợ người dân, người lao động, sử dụng lao động gặp khó khăn.

Tuy nhiên, kết quả từ các giải pháp hỗ trợ mà người dân, doanh nghiệp cảm nhận được thực sự chưa tương xứng với những tác động tiêu cực ngoài sức tưởng tượng do đại dịch Covid-19 gây ra. Gói hỗ trợ tiền mặt đang được tính toán là khoảng 35.800 tỷ đồng, nhưng mới thực hiện được khoảng 36,5%, trong đó, mới thực hiện được khoảng 1,66% cho nhóm hộ kinh doanh.

Gói hỗ trợ doanh nghiệp vay trả lương cho công nhân cũng chưa đạt hiệu quả như mong đợi. Đó là chưa kể các giải pháp tạm dừng, kéo dài thời gian đóng các khoản phải thu của doanh nghiệp dường như còn ngắn, cần phải tiếp tục gia hạn.

Nguyên nhân thấy rõ là các gói hỗ trợ không chỉ nhỏ, phân tán, mà cách thức thực hiện chủ yếu dựa vào hồ sơ, thủ tục hành chính, nên khi doanh nghiệp gặp khó khăn, bị giãn cách xã hội, thì việc tuân thủ càng khó. Đặc biệt, tâm lý sợ bị trục lợi chính sách dẫn đến việc áp dụng chính sách một cách thận trọng, thiếu sự linh hoạt cần thiết càng cản trở hiệu quả của các gói hỗ trợ.

Tất nhiên, để giúp doanh nghiệp có thể hồi phục, thực hiện tái cơ cấu nhanh nhất, phù hợp với đòi hỏi mới của nền kinh tế, thì cần thêm nhiều giải pháp, đặc biệt là các chính sách kích thích và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chính sách kích cầu, hỗ trợ phát triển thị trường trong nước, chuỗi sản phẩm và ngành công nghiệp ưu tiên quốc gia… Nhưng tỷ lệ doanh nghiệp đang cần trợ giúp để tồn tại trước khi tính đến khả năng phục hồi hiện rất lớn, ở diện rộng.

P.V

Cùng chuyên mục

Khởi động chiến dịch “Bước chân gắn kết yêu thương”

23/02/2024 09:33 Chiều

Ngày 23/2/2024 – CapitaLand Development (CLD) phối hợp cùng Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bình Dương khởi động chiến dịch “Bước chân gắn kết yêu thương”.

Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Khu công nghệ Phần mềm ĐHQG-HCM

25/05/2023 08:46 Sáng

Sáng ngày 24/5/2023, Khu công nghệ Phần mềm ĐHQG-HCM (ITP) tổ chức buổi lễ kỷ niệm đánh dấu chặng đường 20 năm xây dựng và phát triển.

Hướng tới khởi nghiệp tạo tác động và phát triển bền vững tại Vietnam Impact-Up Summit 2024

12/07/2024 06:11 Chiều

Trong những năm gần đây, khởi nghiệp tạo tác động đang dần được quan tâm nhiều hơn bởi các quỹ đầu tư bởi sự sáng tạo và những đóng góp tích cực cho xã hội, cộng đồng và môi trường.

VIET NAM GLOBAL BEAUTY CONNECTIONS 2022: mang đến xu thế và kiến thức mới về ngành làm đẹp

27/09/2022 04:15 Sáng

Vừa qua, tại TP.HCM đã diễn ra chương trình VIET NAM GLOBAL BEAUTY CONNECTIONS 2022 với sự tham dự của các cấp lãnh đạo, tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa, chuyên gia hàng đầu trong ngành làm đẹp đến từ Hàn Quốc, Mỹ…  và hơn 500 bệnh viện, thẩm mỹ, spa …

Đối tác