Sức bật mới từ RCEP giúp doanh nghiệp Việt tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu

07/11/2021 07:36 Sáng

Được xây dựng trên nền tảng các FTA riêng lẻ đã có giữa ASEAN và từng đối tác, RCEP trở thành FTA bao trùm, thiết lập các tiêu chuẩn và cơ chế thống nhất tạo thuận lợi thương mại và đầu tư giữa các quốc gia thành viên qua thiết lập một khu vực thương mại tự do đầy tiềm năng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

‘Siêu hợp định’ quy tụ nguồn cung nhập khẩu hàng hóa lớn nhất Việt Nam

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực hay RCEP được ví là một “siêu hiệp định”, bởi có sự tham gia của 15 nền kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương ký kết vào năm ngoái . Các quốc gia này là 10 thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và 5 đối tác thương mại lớn nhất của họ là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Ngoài ra, RCEP cũng bao gồm thị trường 2,2 tỷ người và 26,2 nghìn tỷ USD sản lượng toàn cầu. Sự hợp tác này sẽ tạo ra một nhóm thương mại bao gồm khoảng 30% dân số thế giới, cũng như nền kinh tế toàn cầu.

Australia cho biết trong một tuyên bố mới đây rằng sự phê chuẩn của họ – cùng với sự phê chuẩn của New Zealand – đã mở đường cho thỏa thuận có hiệu lực vào ngày 1 tháng 1 năm 2022 và cho phép RCEP đạt được một “cột mốc quan trọng”.

RCEP sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ khi có tối thiểu sáu thành viên ASEAN và ba nước ký kết ngoài ASEAN phê chuẩn hiệp định. Các nước ASEAN đã phê chuẩn thỏa thuận cho đến nay là Brunei, Campuchia, Lào, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Ngoài Australia và New Zealand, các quốc gia khác ngoài ASEAN cũng đã phê chuẩn RCEP là Trung Quốc và Nhật Bản.

Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
Ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Ảnh: VCCI.

Ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đánh giá rằng: “Từ một năm trở lại đây, chúng ta có hy vọng vào các FTA thế hệ mới, FTA có quy mô lớn nhất toàn cầu với các đối tác thương mại đầu tư hàng đầu thế giới. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) mở ra cho nền kinh tế Việt Nam, cho các doanh nghiệp của chúng ta những cơ hội lớn đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 khó khăn này. Việc Hiệp định RCEP được ký kết và hy vọng sẽ đi vào thực thi ngay trong những năm tới đây càng có ý nghĩa hơn trong việc tạo động lực giúp cho các doanh nghiệp và nền kinh tế của chúng ta phục hồi và tăng trưởng”.

Được xây dựng trên nền tảng các FTA riêng lẻ đã có giữa ASEAN và từng đối tác, RCEP trở thành FTA bao trùm, thiết lập các tiêu chuẩn và cơ chế thống nhất tạo thuận lợi thương mại và đầu tư giữa các quốc gia thành viên qua thiết lập một khu vực thương mại tự do đầy tiềm năng. Tương ứng với mục tiêu tham vọng này là một văn kiện RCEP đồ sộ và phức tạp với những đặc thù riêng so với những FTA mà Việt Nam đã có.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập – VCCI.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập – VCCI, RCEP gần như qui tụ tất cả các nguồn cung nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam, chiếm 70% tổng kim ngạch nhập khẩu; qui tụ tất cả các đối tác FDI hàng đầu của Việt Nam, kỳ vọng mang lại cú hích lớn gia tăng chuỗi sản xuất, cung ứng trong nội khối; là khu vực hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu năng động, khu vực này hiện chiếm tỷ trọng 50-55% tổng kim ngạch XNK của Việt Nam.

Doanh nghiệp có thêm sự lựa chọn

Được xây dựng trên nền tảng các FTA riêng lẻ đã có giữa ASEAN với từng đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand (còn gọi là các FTA ASEAN+), RCEP là một FTA bao trùm gồm 20 Chương và 4 Phụ lục, với nhiều cam kết cao hơn các FTA ASEAN+, và bổ sung thêm nhiều lĩnh vực mới mà các FTA này chưa có hoặc có quy định không đáng kể (như Thương mại điện tử, Mua sắm công, Cạnh tranh, Sở hữu trí tuệ …).

RCEP hứa hẹn sẽ giúp mở cửa để nhập khẩu hàng hóa rẻ hơn, đặc biệt là các nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất. Chỉ tính riêng ASEAN, hằng năm, nhập khẩu nguyên liệu, thiết bị sản xuất của Việt Nam vượt 30 tỷ USD. Ngoài ra, Việt Nam vẫn nhập siêu vài chục tỷ USD mỗi năm từ các thị trường lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc.

Nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ các nước RCEP sẽ được xem là nguồn nguyên liệu sản xuất tại Việt Nam khi xuất khẩu sản phẩm sang các nước thành viên RCEP. Đây cũng là những quốc gia cung cấp lượng nguyên phụ liệu rất lớn cho các ngành hàng xuất khẩu trị giá tỷ USD của Việt Nam như điện tử, linh kiện, dệt may, da giày…

Do đó, Việt Nam được hưởng nhiều lợi ích từ RCEP, khi có các mặt hàng thế mạnh như nông, thủy sản đáp ứng nhu cầu của hầu hết thành viên RCEP. Nhờ việc hài hòa quy tắc xuất xứ nội khối RCEP, hàng hóa của Việt Nam có thể tăng khả năng đáp ứng điều kiện để hưởng ưu đãi thuế quan, gia tăng xuất khẩu trong khu vực, đặc biệt là tại các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand.

Cùng với 14 FTA đã có hiệu lực, khi RCEP đi vào thực thi, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có thêm lựa chọn sử dụng mẫu C/O theo FTA nào có lợi cho ngành hàng của mình để có ưu đãi thuế quan tốt nhất.

Chẳng hạn, trong hoạt động thương mại với Trung Quốc, doanh nghiệp có thể chọn cả RCEP, ACFTA (FTA ASEAN – Trung Quốc). ACFTA là FTA được các doanh nghiệp Việt khai thác hàng đầu trong những năm qua, với trị giá hơn 15,5 tỷ USD, bằng khoảng 31,7% tổng kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc trong năm 2020.

Với hoạt động xuất khẩu sang ASEAN, ngoài RCEP, doanh nghiệp có thể vận dụng Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Hiện hầu hết hàng hóa xuất khẩu sang ASEAN đều được hưởng mức thuế ưu đãi 0% theo ATIGA. Những năm qua, tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi mẫu D theo ATIGA luôn cao thứ hai, chỉ sau ACFTA, với trị giá năm 2020 đạt 8,98 tỷ USD, bằng khoảng 39% tổng kim ngạch xuất khẩu sang ASEAN.

Trong khi đó, với thị trường Nhật Bản, doanh nghiệp Việt Nam có thể chọn mẫu C/O AJ theo FTA song phương giữa hai nước, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN – Nhật Bản (AJCEP) hoặc tới đây là RCEP.

Nhìn chung, theo các chuyên gia, với việc thiết lập nên các tiêu chuẩn và cơ chế thống nhất cho toàn bộ khu vực, Hiệp định RCEP sẽ mở thêm nhiều cơ hội kết nối thương mại và đầu tư của Việt Nam với các nền kinh tế thành viên. Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của Việt Nam tham gia sâu hơn, rộng hơn vào các chuỗi giá trị trong khu vực này.

Chuẩn bị hành trang kỹ càng để hiện thực hóa các cơ hội từ RCEP

Chính vì RCEP được đánh giá là một Hiệp định đồ sộ và phức tạp với những đặc thù riêng so với những FTA mà Việt Nam đã có, cho nên việc hiểu được nội dung cam kết của Việt Nam và từng nước đối tác trong RCEP là không đơn giản đối với các doanh nghiệp Việt hiện nay. Trong khi đó, hiểu về cam kết, nhận diện được các ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực từ các cam kết lại là bước đầu tiên không thể thiếu để các doanh nghiệp có thể tận dụng được các cơ hội từ Hiệp định cũng như chuẩn bị sẵn sàng cho những thách thức nếu có. Kinh nghiệm của chúng ta từ quá trinh hội nhập từ WTO và 14 FTA trước đó cho thấy mức độ tận dụng các FTA phụ thuộc rất nhiều vào mức độ hiểu biết, cam kết của mỗi doanh nghiệp Việt.

Bà Trang nhận định: “Không chỉ là hiệp định có nhiều đối tác nhất mà quan trọng là các đối tác có trình độ phát triển khác nhau. Điều này dẫn đến những đặc điểm riêng của RCEP so với các hiệp định khác, và cũng dẫn đến việc tìm hiểu của doanh nghiệp có thể sẽ phức tạp hơn”.

Theo chuyên gia này, RCEP có nhiều lựa chọn trong cam kết. Thay vì 1 biểu cam kết, trong hiệp định này có 5 – 7 biểu cam kết cho những đối tác khác nhau. Hoặc thay vì có cùng một phương pháp mở cửa thị trường thì lại song song có 2 phương pháp để mở cửa thị trường dịch vụ.

Những đặc điểm này của RCEP khiến việc hiểu về cam kết đối với doanh nghiệp sẽ phức tạp hơn. Ngoài ra, do FTA này có cách tiếp cận tiệm tiến bộ hơn trong nhiều vấn đề và tập hợp những đối tác với trình độ khác nhau nên việc đạt được đồng thuận trong một vấn đề không phải đơn giản.

Thực tế, quá trình thực hiện 14 FTA đã có hiệu lực của Việt Nam cho thấy một trong những lý do mà nhiều cơ hội FTA đã bị bỏ lỡ là do các doanh nghiệp chưa biết đến hoặc chưa hiểu rõ về các cam kết FTA. Theo một Khảo sát của VCCI năm 2020, tỷ lệ hiểu biết ở mức tương đối về các cam kết FTA của các doanh nghiệp Việt Nam trung bình chỉ đạt 23%. Các cam kết FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới như RCEP thường không dễ tìm hiểu do số lượng các cam kết đồ sộ, nội dung phức tạp.

Cũng theo bà Trang, RCEP có nhiều cam kết cao hơn các FTA ASEAN+, và bổ sung thêm nhiều lĩnh vực mới mà các FTA này chưa có hoặc có quy định không đáng kể. Cụ thể, RCEP bao gồm cam kết về các hàng rào phi thuế (hàng rào kỹ thuật, vệ sinh dịch tễ, phòng vệ thương mại…); cam kết về dịch vụ và đầu tư, cách thức và mức mở cửa; cam kết về thương mại điện tử; cam kết về các vấn đề quy tắc (sở hữu trí tuệ, mua sắm công, cạnh tranh…). Do đó, cần phải nắm được những cam kết cốt lõi của RCEP có ảnh hưởng trực tiếp tới doanh nghiệp.

Đánh giá về các tác động dự kiến của RCEP với nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết RCEP cũng kéo theo một số thách thức về thương mại như nhập siêu, mức độ tự chủ trong chuỗi cung ứng, khả năng thích ứng với những quy định ở thị trường RCEP. Yêu cầu cao hơn đối với sản phẩm nông, thủy sản nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc.

Mặt khác, thế giới ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào thương mại với Trung Quốc nên việc ứng phó với các rào cản, quy định mới là không dễ. Do đó, các doanh nghiệp khó có thể tận dụng nếu không chủ động nâng cao nhận thức, thói quen tìm hiểu thị hiếu và quy định của thị trường Trung Quốc. Đặc biệt ông Dương lưu ý là nếu chỉ duy trì cách làm tiểu ngạch, thiếu gắn kết thì sẽ rất khó phát triển nếu không điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp, gắn với đề xuất hỗ trợ (không trái cam kết) từ các Bộ, ngành và cơ quan địa phương. Bên cạnh đó, sẽ rất khó phát huy các ưu thế nếu doanh nghiệp không chủ động kiến nghị, tháo gỡ những bất cập chính sách bởi cơ quan nhà nước khó tự rà soát hết được).

muốn khai thác tốt cơ hội từ RCEP, doanh nghiệp Việt Nam phải nắm chắc được các nội dung cam kết để xây dựng kế hoạch kinh doanh
Muốn khai thác tốt cơ hội từ RCEP, doanh nghiệp Việt Nam phải nắm chắc được các nội dung cam kết để xây dựng kế hoạch kinh doanh. Ảnh: Internet.

Để có thể tận dụng được các cơ hội kỳ vọng từ RCEP, trước hết doanh nghiệp cần hiểu về Hiệp định, tiến trình, các cam kết cụ thể cũng như các tác động dự kiến của các cam kết.

Trong thời gian tới, bà Trang chia sẻ rằng, VCCI sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động thông tin về cam kết của Hiệp định RCEP và hướng dẫn tận dụng Hiệp định này cho các ngành, lĩnh vực cụ thể với mức độ sâu hơn, chi tiết hơn, đầy đủ hơn để từng ngành, từng doanh nghiệp đều được chuẩn bị hành trang kỹ càng cho việc hiện thực hóa các cơ hội của FTA đầy tiềm năng này

Từ phía viện nghiên cứu, ông Dương đưa ra một số khuyến nghị để thực hiện hiệu quả RCEP như không tách rời với các FTA đã có, lấy CPTPP và EVFTA là tiêu chuẩn chơi định hướng. Đồng thời, cần tránh rơi vào tình trạng tiếp cận linh hoạt với FTA tiêu chuẩn cao và tiếp cận cứng nhắc với RCEP; Hài hòa bộ ba chính sách công nghiệp – chính sách đầu tư – chính sách thương mại; ứng xử với dòng vốn đầu tư nước ngoài nên dựa vào tiêu chuẩn chứ không dựa vào tên đối tác.

Khi đi vào hiệu lực, những cơ hội từ RCEP khá rộng mở. Vấn đề lúc này chính là tổ chức thực thi và khai thác cơ hội như thế nào. Các cơ hội khó có thể hiện thực hóa nếu thiếu sự chuẩn bị kỹ càng và quyết tâm của các doanh nghiệp Việt. Vì vậy, nếu muốn khai thác tốt cơ hội từ RCEP, doanh nghiệp Việt Nam phải nắm chắc được các nội dung cam kết để xây dựng kế hoạch kinh doanh.

Bảo Bảo theo DNHN

Cùng chuyên mục

Generali quyên góp hỗ trợ 500 trẻ em mồ côi do Covid-19 trước Tết Nguyên đán

27/01/2022 07:01 Sáng

Ngay trước thềm Xuân Nhâm Dần 2022, Generali Việt Nam cùng Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam đã triển khai chương trình thiện nguyện “Ngày mai cho em” với nhiều hoạt động quyên góp, gây quỹ, trao tặng trực tiếp thành công 500 phần quà Tết và tiền mặt cho 500 trẻ mồ côi do Covid-19 có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh: TP. HCM, Long An, An Giang.

Herbalife Việt Nam tài trợ dinh đưỡng tại VnExpress Marathon Marvelous Nha Trang 2022

13/09/2022 06:04 Chiều

Herbalife Việt Nam đồng hành cùng giải chạy VnExpress Marathon Marvelous Nha Trang 2022 vừa tổ chức tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Sự kiện thu hút sự tham gia của khoảng 8.700 vận động viên và hàng chục ngàn khách du lịch.

Công nghệ Số và Công nghệ Xanh trong phát triển Đô thị Thông minh

11/04/2024 02:55 Chiều

Thành phố thông minh đang là xu thế phát triển chung của các đô thị trên thế giới và Việt Nam là một trong những quốc gia đón đầu xu hướng đó. Chính phủ xác định phát triển đô thị bền vững, thông minh là hướng đi có tính đột phá để nâng cao vị thế của Việt Nam.

Du lịch, hàng không kêu khó

03/06/2022 08:48 Chiều

Đường sắt tăng chuyến tàu, giảm giá vé dip lễ 2/9

15/08/2022 04:57 Chiều

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, sẽ tổ chức chạy thêm nhiều chuyến tàu trên các tuyến đường sắt phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 năm nay.

Đối tác