Thời gian qua, dịch bệnh đã tác động lớn đến kinh tế – xã hội của thành phố và ảnh hưởng trực tiếp các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất. Việc điều chỉnh tăng cục bộ một số khu vực sẽ dẫn đến so bì, khiếu nại của người sử dụng.
Trước đó, quá trình lấy ý kiến, liên sở Tài chính và Tài nguyên – Môi trường đưa ra 2 phương án: giữ nguyên hệ số điều chỉnh giá đất như năm 2021 và tăng 0,5%. Hầu hết đơn vị liên quan đồng tình phương án 1, vì vậy Liên sở Tài chính – Tài nguyên – Môi trường đề nghị thành phố chọn phương án giữ nguyên hệ số điều chỉnh giá đất cho năm tới. Hệ số điều chỉnh giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành, được dùng để tính giá đất. Mỗi năm hệ số này thay đổi phù hợp điều kiện phát triển địa phương. Người được công nhận quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng ngoài hạn mức phải đóng tiền theo hệ số điều chỉnh hàng năm…
TP HCM phân làm 5 khu vực để áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất. Khu vực một là quận 1, 3, 4, 5, 10, 11, Tân Bình, Phú Nhuận. Khu vực hai gồm TP Thủ Đức, quận 6, 7, Gò Vấp, Bình Thạnh, Tân Phú. Khu vực ba là quận 8, 12, Bình Tân. Khu vực bốn gồm huyện Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè, Hóc Môn. Huyện Cần Giờ được xếp vào khu vực năm. Hệ số điều chỉnh giá đất năm 2021 ở TP HCM cao nhất là 2,5 lần so với bảng giá đất UBND thành phố ban hành ở khu vực một. Hệ số thấp nhất là 1,5 lần ở khu vực năm. Đất của hộ gia đình, cá nhân có hệ số 1,5 lần cho tất cả khu vực.
Hệ số điều chỉnh giá đất ở TP HCM được đánh giá thấp hơn nhiều so với thị trường. Đơn cử, theo bảng giá đất giai đoạn 2020-2025 được UBND TP HCM ban hành, giá đất đường Đồng Khởi, Hàm Nghi, Lê Lợi (quận 1) là 162 triệu đồng mỗi m2. Mức này nhân 2,5 lần (hệ số khu vực một), giá đất ở 3 tuyến đường hơn 400 triệu đồng mỗi m2, trong khi giá thị trường hiện khoảng 800 triệu đồng mỗi m2.
Theo DNVN