Đồng thời, cơ quan này cũng hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách hiện hành; thực hiện chính sách phù hợp về phí dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, tạo điều kiện cho người sử dụng tiếp cận dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt với chi phí hợp lý…
Ảnh: Báo Đầu tư
Các kế hoạch khác được Ngân hàng Nhà nước chia thành nhóm thực hiện như: nâng cấp, phát triển hạ tầng thanh toán hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả và có khả năng kết nối, tích hợp với các hệ thống khác; phát triển các dịch vụ thanh toán hiện đại, ứng dụng thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đẩy mạnh thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, dịch vụ hành chính công.
Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước cũng tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đảm bảo an ninh, an toàn và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong hoạt động thanh toán; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đào tạo, hướng dẫn và bảo vệ người tiêu dùng trong thanh toán không dùng tiền mặt; tăng cường cơ chế phối hợp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Với những kế hoạch nêu trên, các Vụ, Cục, đơn vị liên quan thuộc Ngân hàng Nhà nước, các đơn vị có trách nhiệm tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức trung gian thanh toán căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chủ động có kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đảm bảo tiến độ các nhiệm vụ được giao; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, đề xuất điều chỉnh kịp thời.
Được biết, kế hoạch trên nhằm mục đích triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp thuộc phạm vi, thẩm quyền, trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước theo Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025.
Song song, xác định nhiệm vụ cụ thể, thời hạn hoàn thành và trách nhiệm của đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước và ngành ngân hàng, đảm bảo triển khai kịp thời, phối hợp chặt chẽ, thông tin báo cáo thông suốt, giám sát, theo dõi tiến độ hoàn thành nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra trong đề án.