Lãi suất liên ngân hàng hạ nhiệt
Theo dữ liệu từ SSI, tổng lượng tín phiếu đang lưu hành thông qua kênh OMO là 10,54 nghìn tỉ đồng và sẽ đáo hạn trong tuần này.
“Mặt bằng lãi suất liên ngân hàng đã hạ nhiệt khi kỳ hạn qua đếm kết thúc tuần giảm xuống còn 1,16% (giảm 41 điểm cơ bản). Các kỳ hạn còn lại giảm 12 – 20 điểm cơ bản, dao động trong khoảng 1,55% đến 2,29%.
Diễn biến lãi suất thị trường 2 được dự báo sẽ gặp nhiều biến động khó lường trong tháng 1, khi thị trường bước vào giai đoạn cao điểm trước Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, bên cạnh việc hỗ trợ thông qua hoạt động OMO, NHNN có thể bơm thanh khoản gián tiếp thông qua hoạt động mua ngoại tệ, khi đây là tháng cao điểm kiều hối dồn về tạo cung ngoại tệ lớn”, chuyên gia SSI nhận định.
Dự báo về lãi suất trong thời gian tới, chuyên gia SSI nhận định: “Để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, chúng tôi ước tính NHNN sẽ duy trì quan điểm chính sách tiền tệ phù hợp trong năm 2022, với lãi suất có thể sẽ biến động trong biên độ hẹp nếu không có áp lực lạm phát bất ngờ (CPI năm 2022 là 4%).
Do lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng dưới 4% và lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng dao động trong khoảng 4,4% -5,0% tại ngân hàng thương mại nhà nước (4,5% -5,2% tại ngân hàng thương mại cổ phần), chúng tôi ước tính lãi suất huy động sẽ tăng khoảng 20-25 bps trong năm 2022 tại các ngân hàng lớn. Mức độ tăng lãi suất sẽ cao hơn tại các ngân hàng vốn có bảng cân đối kế toán kém lành mạnh hơn và tệp khách hàng gửi tiền yếu hơn nhiều”.
“Lãi suất năm 2022 sẽ khó giảm thêm so với cuối năm 2021. Lãi suất nhiều khả năng sẽ tăng nhẹ trở lại (quanh mức 0,25-0,5 điểm phần trăm), nhất là trong nửa cuối của năm 2022”, chuyên gia của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định.
Kết quả cuộc điều tra xu hướng tín dụng của các tổ chức tín dụng trong tháng 12.2021 cho thấy các tổ chức tín dụng kỳ vọng nhu cầu tín dụng tiếp tục cải thiện trong quý I/2022 và cả năm 2022, trong đó nhóm ngành chế biến chế tạo, kinh doanh xuất nhập khẩu, mua nhà để ở, sản xuất phân phối điện và xây dựng là 5 lĩnh vực có nhu cầu vay tăng cao nhất trong năm 2022, phù hợp với kỳ vọng nền kinh tế phục hồi.
“Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ ở mức 14% trong năm 2022 – tương đồng với mức mục tiêu mà NHNN đặt ra. NHNN tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ nới lỏng, tập trung vào gói hỗ trợ lãi suất và mục tiêu có thể cắt giảm lãi suất cho vay tối thiểu 0,5%-1% trong 2 năm”, chuyên gia SSI nói.
Lãi suất ngân hàng nào cao nhất hiện nay?
Theo khảo sát tại các ngân hàng thương mại, trong tháng 12.2021, lãi suất tiết kiệm cao nhất kỳ hạn 12 tháng vào khoảng 6,8 -7,4%/năm.
Lãi suất ngân hàng cao nhất trên thị trường hiện nay thuộc về Nam A Bank với mức 7,4% cho kỳ hạn 16 tháng, 24 tháng và 36 tháng đối với tiền gửi tiết kiệm trực tuyến. Lãi suất ngân hàng cao nhất kỳ hạn 12 tháng cũng là Nam A Bank với mức 7,2%.
Xếp thứ hai trong bảng so sánh lãi suất ngân hàng cao nhất là SCB với mức lãi suất 7,15% cho kỳ hạn 18 tháng.
Mức lãi suất ngân hàng cao nhất ở kỳ hạn 6 tháng hiện nay là GPBank với mức lãi suất là 6,5% và lĩnh lãi cuối kỳ.
Ở kỳ hạn 3 tháng, PVcomBank, SCB, GPBank đang niêm yết lãi suất cao nhất hệ thống ngân hàng với mức lãi suất 4%/năm.
Lãi suất cao nhất kỳ hạn 1 tháng là 4% thuộc về PVcomBank, SCB, GPBank.
4 ngân hàng Big4 là Agribank, VietinBank, BIDV, Vietcombank đồng loạt có mức lãi suất cao nhất là 5,5-5,6%/năm cho kỳ hạn 12 tháng trở lên.
Theo Laodong.vn