Cần thiết nhưng phải phù hợp trong tăng giờ làm thêm

15/01/2022 02:46 Chiều

Theo đó, số giờ làm thêm tối đa trong tháng được đề xuất tăng lên 72 thay vì 40 như hiện nay; mức trần 300 giờ làm thêm trong năm được áp dụng cho tất cả ngành nghề, do người sử dụng lao động và người lao động (NLĐ) thỏa thuận.

Giải pháp tình thế

Lý giải về đề xuất này, đại diện Bộ LĐ-TB-XH cho rằng cần thiết phải tăng giờ làm thêm bởi đại dịch Covid-19 kéo dài 2 năm, đặc biệt là đợt dịch bùng phát lần thứ 4, làm đứt gãy sản xuất, doanh nghiệp (DN) thiếu hụt lao động, nhất là vào cuối năm. Nhiều công ty vừa chống dịch vừa sản xuất và phải chịu nhiều chi phí. Đây chỉ là đề xuất mang tính cấp bách và chỉ thực hiện trong thời gian ngắn (đến hết năm 2022).

Việc tăng giờ làm thêm phải tính toán hợp lý để bảo đảm sức khỏe lâu dài cho người lao động. Ảnh: Châu Loan.

Qua khảo sát của Bộ LĐ-TB-XH, dịch bệnh khiến DN dệt may, da giày giảm 30%-50% lao động trong khi vẫn cần bảo đảm đơn hàng. Nếu không có chính sách để DN phục hồi thì dễ dẫn đến nguy cơ làm chậm đà phát triển kinh tế, kém hấp dẫn trong thu hút đầu tư và có thể DN chuyển dịch đầu tư sang nước khác có cơ chế tốt hơn. Nhiều DN lẫn NLĐ mong muốn được thỏa thuận làm thêm giờ để phục hồi sản xuất, bù cho khoảng thời gian ngừng việc, với nhu cầu làm thêm hơn 40 giờ/tháng và từ hơn 200 – 300 giờ/năm, không bị giới hạn ở một số ngành nghề, công việc.

Đề xuất của Bộ LĐ-TB-XH nhận được sự đồng thuận từ nhiều DN. Bà Phạm Thị Duyên, chủ quản cao cấp Công ty TNHH Apparel Far Eastern Việt Nam (Bình Dương), cho biết theo khảo sát ý kiến của NLĐ trong công ty thì có đến 95% mong muốn được tăng ca, số còn lại do có con nhỏ nên không đăng ký.

“Nếu 1 tháng công nhân (CN) không được tăng ca nhiều thì thu nhập rất thấp. Vì thế, công ty luôn bố trí hợp lý đơn hàng để CN được tăng ca, chứ không nhất thiết phải tăng ca cho kịp đơn hàng” – bà Duyên nói. Theo bà, việc tăng giờ làm thêm giúp DN bảo đảm được tiến độ các đơn hàng, xuất hàng nhanh hơn, đồng thời kết nối thêm được nhiều mối hàng mới, từ đó sẽ tăng doanh thu, bảo đảm tốt hơn thu nhập cho NLĐ.

Theo ông Võ Văn Hùng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Hansae Việt Nam (KCN Tây Bắc Củ Chi, huyện Củ Chi, TP HCM), với đặc thù của ngành may mặc, giờ làm thêm 200 giờ/năm như luật quy định thời gian qua đã quá lạc hậu. Để kịp đơn hàng, hầu hết DN đều bố trí cho CN tăng ca bình quân 30 giờ/tháng. Do vậy, trong tình hình hiện nay, đề xuất tăng giờ làm thêm là hợp lý.

Thực tế, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, nhiều NLĐ về quê đã không trở lại TP HCM, dẫn đến thiếu hụt lao động tại các DN. Song song đó, Quốc hội đang lấy ý kiến sửa đổi Luật BHXH theo hướng NLĐ làm việc 10 năm, 15 năm vẫn có thể hưởng được lương hưu. Một số CN làm việc từ 15 – 19 năm “tranh thủ” nghỉ trước khi luật có hiệu lực. Vì thế, lao động đã thiếu lại càng thiếu.

“Thiếu lao động trong khi phải bảo đảm tiến độ đơn hàng khiến DN gặp khó khăn. Hai năm qua, lương tối thiểu (LTT) không tăng khiến đời sống NLĐ hết sức chật vật, do vậy họ rất muốn tăng ca để cải thiện thu nhập. Tôi cho rằng tăng giờ làm thêm là nhu cầu của cả DN lẫn NLĐ” – ông Hùng bày tỏ.

Nhu cầu thực tế

Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, phần lớn NLĐ đều muốn làm thêm giờ để cải thiện thu nhập. Khi nộp đơn xin việc, vấn đề đầu tiên mà NLĐ quan tâm là DN có thường xuyên tăng ca không, nếu ít thì họ sẽ không nộp. Đây cũng là áp lực tuyển dụng cho DN. Phần lớn NLĐ khi được hỏi có muốn tăng ca không đều trả lời: “Không tăng ca thì lấy gì mà sống?”.

Trong suốt 4 tháng dịch bệnh, do không có việc làm nên vợ chồng chị Lê Thị Chi, CN Công ty TNHH Sprinta (KCX Linh Trung II, TP Thủ Đức, TP.HCM), buộc phải gửi 2 con nhỏ (11 tuổi và 4 tuổi) về quê nhờ người thân trông giúp. Khi nhà máy mở cửa trở lại, chị và chồng (CN thời vụ ở một DN) đều đi làm và đăng ký tăng ca liên tục. Gần 8 năm làm CN may nhưng mức lương cơ bản của chị Chi chỉ hơn 5 triệu đồng/tháng. Nếu tăng ca, tổng thu nhập của chị được khoảng 7-8 triệu đồng/tháng. Ngoài tiền thuê nhà trọ, ăn uống, dè sẻn lắm chị mới gửi được 1-2 triệu đồng về quê cho con.

“CN không ai muốn làm tối tăm mặt mũi nhưng nếu không tăng ca thì khó trụ lại thành phố với lương cơ bản 5 triệu đồng/tháng. Không chỉ tôi, rất nhiều CN cũng mong được tăng ca nhưng thời gian tăng ca phải hợp lý để NLĐ có thể nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động” – chị Chi nói.

Anh Nguyễn Trường An, CN Công ty TNHH Giày D.H (TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương), cho biết sau khi dịch được kiểm soát đến giờ, gần như ngày nào anh cũng tăng ca, chỉ khi có việc quan trọng mới xin về trước 17 giờ. Theo anh, việc tăng ca cũng lợi đủ đường, vừa có thêm thu nhập vừa đỡ được bữa cơm tối, nhất là trong bối cảnh vừa trải qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh. “Nhưng DN cũng không nên ép CN phải tăng ca quá sức mà cần bố trí thời gian nghỉ ngơi hợp lý để tái tạo sức lao động, giải trí sau những giờ làm việc mệt nhọc” – anh An nêu.

Theo ông Nguyễn Tràng Huy, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV May mặc Việt Pacific (TP. Hà Nội), lao động ngành dệt may chủ yếu là nữ. Lực lượng lao động trực tiếp trong các dây chuyền sản xuất của DN dệt may thường thiếu hụt 20%-30%, do lao động nữ được nghỉ thời gian mang thai, hưởng chế độ thai sản hoặc nuôi con nhỏ. Do đó, để đáp ứng đơn hàng, nhiều DN phải bố trí thời gian làm thêm giờ vượt mức 300 giờ/năm và phải làm giải trình với đối tác, khách hàng.

Thời gian qua, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã tác động nghiêm trọng đến nguồn lực lao động của ngành, nhiều lao động phải nghỉ việc do là F0, F1; DN phải giãn ca, thu hẹp quy mô sản xuất để phòng dịch khiến áp lực hoàn thành đơn hàng rất lớn. Nếu không tăng giờ làm thêm để bù đắp việc thiếu hụt nhân lực cũng như thời gian lao động thì sẽ không đáp ứng được đơn hàng. Về phía NLĐ, do 2 năm qua Chính phủ không tăng LTT nên đời sống rất bấp bênh.

“Tại công ty chúng tôi, dù LTT vùng vẫn được thực hiện đúng quy định song do dịch bệnh, NLĐ bị giảm giờ làm, dẫn đến thu nhập giảm, chi phí lại tăng thêm. Vì vậy, khi phục hồi sản xuất, họ mong muốn được làm thêm để có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống. Tôi đồng tình với đề xuất tăng giờ làm thêm nhưng cần có giới hạn phù hợp để bảo đảm sức khỏe và sự an toàn cho NLĐ. Tổ chức Công đoàn phải làm tốt việc giám sát thực hiện việc chi trả chế độ làm thêm giờ cho NLĐ tại DN” – ông Huy đề xuất.

Theo NLĐ

Cùng chuyên mục

Apple trở lại ngôi đầu thị trường smartphone

21/01/2022 02:45 Chiều

Doanh số vượt trội của iPhone 13 dịp cuối năm giúp Apple vươn lên giành lại "ngôi vương" trên thị trường smartphone toàn cầu quý IV/2021.

Nam A Bank Vietnam Masters 2024 chính thức khởi tranh

10/05/2024 03:50 Chiều

Ngày 9 tháng 5 năm 2024, Hiệp hội Golf Việt Nam (VGA) chính thức công bố khởi tranh giải Nam A Bank Vietnam Masters 2024.

Khai mạc triển lãm quốc tế ngành Lương thực, thực phẩm TPHCM lần 2 năm 2023

28/06/2023 09:17 Chiều

Sáng 28/6, Triển lãm quốc tế ngành lương thực, thực phẩm TPHCM lần 2 năm 2023 (HCMC FOODEX 2023) do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) phối hợp với Hội Lương thực Thực phẩm TP (FFA) và các đơn vị liên quan tổ chức đã khai mạc tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn - SECC, Quận 7.

Nhiều điểm sáng mới trong – Triển lãm VIETNAM MEDI-PHARM EXPO 2024 Tại TP. Hà Nội

05/12/2024 09:53 Chiều

Sự tương tác giữa công nghệ tiên tiến và ngành y tế đang mở ra những kỷ nguyên mới cho cải tiến y dược. Trong bối cảnh này, triển lãm quốc tế chuyên ngành Y Dược lần thứ 30 - VIETNAM MEDI-PHARM EXPO 2024, một sự kiện đáng mong đợi sẽ được tổ chức tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế I.C.E Hà Nội từ ngày 5 đến 7 tháng 12 năm 2024.

Phấn đấu năm 2030, Việt Nam có ít nhất 5 đô thị đạt tầm cỡ quốc tế

14/11/2022 06:48 Chiều

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 11/11/2022 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đối tác