Gần 1 triệu học sinh TP.HCM chính thức trở lại trường

14/02/2022 06:35 Chiều

Sáng 14-2, gần 1 triệu học sinh TP.HCM đã đồng loạt trở lại trường học. Đây là thành quả nỗ lực “bình thường hoá” dạy và học của TP.HCM.


Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức kiểm tra công tác y tế tại Trường TH Nguyễn Đình Chiểu

Thầy, trò, phụ huynh cùng hào hứng

Tại Trường TH Nguyễn Đình Chiểu (Q.Bình Thạnh), gần 1.000 học sinh khối 1, 2 trở lại trường trong buổi đầu tiên. Sự háo hức, vui mừng hiện diện rõ trên gương mặt của phụ huynh, học sinh và các thầy cô giáo.

Đưa con đến trường từ khá sớm, chị Nguyễn Thu Hường (phụ huynh lớp ¼) bày tỏ, cả tuần trước gia đình đã háo hức chuẩn bị kỹ lưỡng để đưa con đến trường, từ bình nước cá nhân, khẩu trang dự phòng, nước rửa tay…

“Con được đến trường sau thời gian dài phải nghỉ học ở nhà phòng dịch là niềm vui lớn của phụ huynh và các con. Con vô cùng thích thú khi được đến trường, gặp bạn bè, thầy cô. Sáng nay con dậy từ rất sớm, tự chuẩn bị sách cặp. Với các biện pháp phòng dịch của trường, gia đình cũng an tâm hơn”, chị Hường chia sẻ.

Trường TH Nguyễn Đình Chiểu chia theo 2 cổng khi đón trẻ, mỗi cổng lại chia nhiều line phân luồng, bố trí máy rửa tay, đo thân nhiệt, giáo viên, nhân viên hướng dẫn trẻ cách thức đi lên lớp.

Hiệu trưởng Đặng Duy Phước cho hay, tỷ lệ phụ huynh đồng thuận trở lại trường khá cao, gần 100%. Toàn trường chỉ có 22/2.607 học sinh chưa đến trường trong tuần này. Riêng khối 1, 432/444 học sinh trở lại trường.

“Trường đã xây dựng kế hoạch, diễn tập phương án, dự trù mọi tình huống xảy ra khi có ca nhiễm. Phối hợp với trạm y tế phường thường xuyên túc trực chung với nhân viên y tế của trường để theo dõi sức khoẻ học sinh, phối hợp xử lý tình huống”.

Với sĩ số học sinh đông nên trong tuần này, trường tổ chức tập trung theo từng khối, cho học sinh làm quen với trường, lớp. Giáo viên cơ cấu lớp học, tập trung trang bị các em ý thức vệ sinh cá nhân, kỹ năng phòng chống dịch. Từ tuần sau, giáo viên bắt đầu dạy kiến thức.

Đảm bảo phòng dịch, trường chuẩn bị phòng cách ly, y tế, tận dụng 4 phòng tiếng Anh làm phòng dự phòng. Bố trí lệch giờ vào học, chơi, ra về. Đội ngũ giáo viên nhân viên được test sàng lọc trước khi trở lại trường.

“Ngay hôm nay, trường tổ chức bán trú theo hình thức so le giờ, tạo điều kiện cho phụ huynh. Chính sự đồng thuận cao của phụ huynh là thuận lợi để trường thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch. Một mặt trường duy trì kênh trực tuyến cho học sinh chưa tới trường, một mặt giảng dạy trực tiếp thật tốt để phụ huynh an tâm. Với riêng lớp 1 được cân đo, khám sức khỏe để rà soát trẻ dư cân, từ đó có chế độ dinh dưỡng hợp lý, sự quan tâm phù hợp”, Hiệu trưởng Đặng Duy Phước thông tin.

Dù công tác đón trẻ trong mùa dịch gặp nhiều vất vả khi phải vệ sinh phòng ốc, khử khuẩn, chuẩn bị mọi điều kiện đảm bảo an toàn cao nhất cho trẻ song theo thầy Phước, thầy cô rất phấn khởi. “Được nhìn các em đến trường, vui chơi, học tập là niềm vui lớn của nhà trường. Nhà trường sẽ làm mọi điều tốt nhất để việc học tập, vui chơi này được ổn định, an toàn nhất…”.

Tỷ lệ trẻ đến trường trong ngày đầu tiên tại Trường Mầm non Bé Ngoan (Q.1) lên đến gần 70%. Phụ huynh đưa trẻ đến trường phải khai báo y tế, đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn, di chuyển một chiều lên lớp.

Hiệu trưởng Nguyễn Thị Mỹ Phương thông tin, từ hôm nay trường bắt đầu tổ chức bán trú. Giờ ăn được sắp xếp lệch ca, tổ chức ngay sảnh trước mỗi lớp. Khi trẻ ăn, các cô sẽ vệ sinh lớp học.

“Số phụ huynh đồng thuận cho trẻ đến trường ban đầu chỉ hơn 50%. Sau họp phụ huynh, khi được thông tin về biện pháp phòng dịch, phụ huynh đã an tâm hơn, tỷ lệ đồng thuận cao hơn. Trước khi trẻ đến trường, trường gửi đến phụ huynh clip hướng dẫn cách đảm bảo an toàn cho trẻ tại trường. Tuần đầu tiên, trường chỉ tổ chức hoạt động trong lớp và sảnh, hạn chế di chuyển ra ngoài khuôn viên lớp”, cô Phương chia sẻ.

Trong niềm vui đón trẻ, cô Dương Thị Ngọc Yến (giáo viên lớp Chồi 3) bày tỏ, dù biết sẽ “cực” hơn khi trẻ còn nhỏ, ý thức phòng dịch, vệ sinh chưa cao, song các kỹ năng này sẽ được cô lồng ghép hướng dẫn trẻ trong tất cả hoạt động.

“Việc trẻ đến trường là niềm mong mỏi của giáo viên suốt bao lâu nay. Các con đi học, trường lớp mới thực sự thức giấc”, cô Yến xúc động.

Cố gắng để việc dạy học trực tiếp được liên tục, hiệu quả

Kiểm tra công tác đón trẻ tại hai trường, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết ông khá an tâm khi các bộ phận trong nhà trường đều nắm vững các quy trình phòng dịch. Ông vui mừng trước sự đồng tình, ủng hộ của phụ huynh.

Lãnh đạo thành phố cho biết, việc tạo môi trường an toàn để trẻ được đến trường học tập về văn hoá, ửng xử luôn là mong muốn của thành phố. Trong điều kiện hiện nay, với chỉ đạo thích ứng an toàn, linh hoạt của Chính phủ, các nhà trường đã rất nỗ lực thích ứng, tạo mối liên hệ chặt chẽ giữa nhà trường, phụ huynh để xử lý đúng quy trình khi có sự cố, đảm bảo an toàn nhưng không gây ra xáo trộn.

Lãnh đạo thành phố cũng lưu ý các nhà trường cố gắng thực hiện thật tốt trong tuần đầu tiên khi trẻ lần đầu trở lại trường với nhiều bỡ ngỡ.

“Thành phố mong muốn việc dạy học trực tiếp ở tất cả các cấp lớp được ổn định, liên tục, thích ứng linh hoạt trước các tình huống, đảm bảo việc dạy học trực tiếp vẫn được tiếp diễn theo đúng quy định, đảm bảo an toàn cho trẻ. Để làm được, tất cả các bộ phận trong nhà trường, nhất là lãnh đạo nhà trường đều phải quán triệt quy trình, nắm vững kiến thức, luôn cảnh giác, đưa ra những quyết định kịp thời, phù hợp nhất. Vai trò của ngành giáo dục và ngành y tế rất quan trọng, để thành phố có điều kiện học tập tốt nhất”, ông Dương Anh Đức nhấn mạnh.

Đặc biệt, Phó Chủ tịch Dương Anh Đức cho rằng, khi trẻ đến trường vai trò của phụ huynh rất quan trọng, nhất là với khối lớp mầm non, tiểu học và lớp 6. Vì đây là các khối lớp nhỏ, trong nhiều trường hợp các em không thể chủ động mô tả tình trạng của mình, phụ huynh phải theo dõi phối hợp với nhà trường, có quyết định kịp thời.

“Trước khi cho trẻ đến trường, phụ huynh cần theo dõi trẻ có vấn đề gì bất thường hay không. Thông qua trẻ, nắm thêm thông tin trong lớp, phối hợp với nhà trường có bước xử lý, đảm bảo linh hoạt, giúp việc dạy dỗ trẻ được diễn ra liên tục, hiệu quả”, ông nhắn nhủ.

Đối với trẻ chưa có điều kiện học trực tiếp, lãnh đạo thành phố yêu cầu trường phải tiếp tục duy trì dạy trực tuyến. Trong mọi trường hợp phải tạo điều kiện tối đa để học sinh thành phố được học tập trong điều kiện tốt nhất có thể, không để trẻ bị ảnh hưởng về mặt kiến thức, khả năng giao tiếp, kỹ năng xã hội.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Dương Trí Dũng thông tin, tỷ lệ phụ huynh tiuer học đồng thuận cho trẻ đến trường từ ngày 14/2 là 95%. Ở nhiều trường, nhiều lớp, tỷ lệ này đạt đến 100%. Với bậc mầm non, con số phụ huynh đồng thuận có thấp hơn chút song lại có sự biến động tăng lên khi trẻ đi học trực tiếp.


HS Trường TH Nguyễn Đình Chiểu trở lại học trực tiếp sau thời gian dài tạm nghỉ vì dịch covid-19

Với những học sinh chưa đến trường, ngành giáo dục sẽ tiếp tục duy trì kênh học. trực tuyến, học trên truyền hình, giao bài tập, đảm bảo kiến thức cho học sinh.

“Việc đón trẻ đã được các nhà trường thực hiện rất tốt, theo đúng tinh thần của Ban chỉ đạo phòng chống dịch các quận, huyện đã phê duyệt. Công tác tổ chức đi học phải đúng theo phương án nhà trường xây dựng, kịp thời linh động chuyển đổi trạng thái, đảm bảo xử lý nhanh nhất, hẹp nhất ít ảnh hưởng nhất khi có tình huống xảy ra”, ông Dũng nói.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT lưu ý, trong việc xử lý phương án thì trẻ chưa tiêm sẽ có phương án xử lý khác với trẻ đã tiêm. Ban chỉ đạo phòng chống dịch nhà trường phải tính toán làm sao đảm bảo phòng dịch nhưng ít ảnh hưởng nhất đến quá trình học tập của trẻ.

“Việc tổ chức bán trú, căng tin phải căn cứ theo bộ tiêu chí an toàn trường học. Phương án bán trú, thời gian tổ chức tại mỗi trường có thể khác nhau. Mỗi trường phải tiết chế các hoạt động, sao cho đảm bảo để tổ chức an toàn bán trú căng tin, bình thường hoá nhất việc dạy và học…”, Phó Giám đốc Dương Trí Dũng nhấn mạnh.

Theo GDTPO

Cùng chuyên mục

Talkshow “Vòng tay khởi nghiệp trẻ trong bối cảnh chuyển đổi số”

22/03/2023 08:59 Chiều

Ngày 22/3, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Hội Hữu nghị Việt Nam – Đông Nam Á tổ chức Talkshow "Vòng tay khởi nghiệp trẻ trong bối cảnh chuyển đổi số".

Giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi trên không gian mạng

08/03/2022 08:28 Sáng

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa ký Quyết định số 311/QĐ-TTg ngày 5/3/2022 phê duyệt Chương trình “Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trên không gian mạng, giai đoạn 2022 - 2030”.

Ra mắt dự án Câu lạc bộ nữ sinh hoa bản làng

31/05/2022 06:51 Sáng

VinaCapital Foundation (VCF) phối hợp cùng Quỹ học bổng Vừ A Dính do bà Trương Mỹ Hoa – Nguyên Phó Chủ tịch Nước làm Chủ tịch Quỹ, ra mắt chương trình “Nền tảng học tương tác trực tuyến Câu lạc bộ nữ sinh Hoa bản làng” (e-BPGC) dành cho nữ sinh dân tộc thiểu số tại một số trường trung học phổ thông ở hai tỉnh Trà Vinh và Thái Nguyên. Dự án e-BPGC sẽ trang bị cho các em nữ sinh dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn các kiến thức quan trọng về tài chính, xã hội và các kỹ năng sống.

Lễ công bố chuỗi sự kiện thường niên “HO CHI MINH CITY FINTECH ROAD 2025”

07/08/2024 02:58 Chiều

    Ngày 07/8/2024, tại Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG-HCM đã diễn ra Lễ công bố chuỗi sự kiện thường niên “HO CHI MINH CITY FINTECH ROAD 2025”. Sự kiện do Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG-HCM (UEL), Tập đoàn Dữ liệu quốc tế Việt Nam (IDG Việt Nam) và Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM (HIDS) đồng tổ chức kể từ năm 2025.

PGS.TS. Võ Thị Ngọc Thúy: Nỗ lực đưa Hoa Sen trở thành trường đại học chuẩn quốc tế cho người Việt

15/07/2021 12:58 Chiều

Ngày 12.7.2021, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Hoa Sen (HSU) đã công bố quyết định bổ nhiệm PGS.TS. Võ Thị Ngọc Thúy chính thức trở thành Hiệu trưởng HSU sau gần 5 tháng giữ vị trí Quyền Hiệu trưởng. Mục tiêu của HSU là chính thức trở thành trường Đại học quốc tế trong 3 năm tới.

Đối tác