Xuất khẩu nông sản phải chuyển sang chính ngạch và xây dựng các trung tâm kết nối

05/03/2022 06:34 Chiều

Tại Cuộc tọa đàm trực tuyến "Để nông sản không ùn tắc ở cửa khẩu: Đâu là giải pháp căn cơ?" chiều 4/3, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) Lê Minh Hoan chỉ rõ nguyên nhân và đề ra các giải pháp cho vấn đề này.

Tổ chức lại sản xuất, ngành hàng, thị trường

Bàn về nguyên nhân ùn ứ nông sản tại cửa khẩu thời gian vừa qua, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, chất lượng sản phẩm là vấn đề then chốt. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ rất thờ ơ với những thông tin thị trường, trong đó có quy định về từng loại thị trường.

Thị trường Trung Quốc chuyển từ thị trường dễ tính sang khó tính từ lâu rồi, họ đã thông báo cho mình, chứ không phải đột ngột.

Xuất khẩu nông sản Việt đang gặp phải thị trường Trung Quốc khó tính hơn.

Chính doanh nghiệp là người dẫn dắt nông dân sản xuất, bởi vì doanh nghiệp mua như thế nào thì người dân sản xuất như thế. Hiện doanh nghiệp đang dễ dãi với mình.

Bởi vậy, các hiệp hội ngành hàng cần giúp cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương tổ chức lại sản xuất, tổ chức lại ngành hàng, tổ chức lại thị trường. Đây là giải pháp căn cơ và phải chấp nhận làm lại gần như là từ đầu về một hệ sinh thái, một chuỗi ngành hàng.

“Tôi phát hiện, vấn đề của chúng ta nằm ở 3 chỗ: Nông dân tư duy mùa vụ, mùa nào tính mùa đó, doanh nghiệp tư duy thương vụ, thương vụ nào tính thương vụ đó, còn chính quyền tư duy nhiệm kỳ. Chúng ta nghĩ ngắn quá, cho nên cứ thấp thỏm từng mùa vụ, như đánh bài may rủi, rồi khi gặp vấn đề lại trách thị trường khó tính, để ùn ứ. “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, nhiều khi chính chúng ta phải xem lại mình trước’, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Quảng Ninh sẽ là trung tâm kết nối

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần tách bạch ra các công việc: Việc nào Bộ, ngành Trung ương làm, việc nào địa phương làm, việc nào hiệp hội ngành nghề làm. Phải có cơ chế để hỗ trợ thêm trong quá trình “một bên đang giằng xé, một bên vẫn còn lợi ích xuất khẩu tiểu ngạch hay đường biên lối mở với những khó khăn đối với xuất khẩu chính ngạch”.

“Tôi nghĩ mọi sự thay đổi đều khó khăn, nhưng nếu không thay đổi thì càng khó khăn hơn. Phải tổ chức lại ngành hàng, tổ chức lại từ khâu sản xuất đến thị trường thông qua hệ thống hạ tầng logistics. Bộ NNPTNT đã ký trình Thủ tướng Chính phủ về chủ trương đồng ý cho Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trở thành Trung tâm kết nối nông sản xuất khẩu. Trung tâm này do tỉnh Quảng Ninh quản lý, doanh nghiệp tư nhân xã hội hóa đầu tư”, ông Hoan cho biết.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại tọa đàm.

Lãnh đạo Bộ NNPTNT đã làm việc với Bộ Công Thương, đã trình Thủ tướng Chính phủ, sau Quảng Ninh sẽ là tỉnh Lạng Sơn.

Tại trung tâm này, phía bạn có thể đưa bộ phận thông quan, kiểm dịch sang. Nghĩa là kiểm một lần bên nước ta rồi xe hàng có thể chạy thẳng vào nội địa nước bạn, tùy theo mối quan hệ của thương nhân hai bên.

Nếu có trường hợp ùn ứ, chúng ta đóng gói, sơ chế, tạm trữ được một thời gian để tránh nông sản nằm ở container vì rủi ro rất nhiều. Khi xảy ra dịch bệnh thì đó là một “vùng xanh” để chứng tỏ nông sản của chúng ta bảo đảm tiêu chuẩn quy định phòng dịch của phía bạn.

Cũng theo ông Hoan, Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế đặc thù cho thành phố Cần Thơ trong đó có xây dựng Trung tâm kết nối nông sản ở Cần Thơ cho các vùng lân cận của Đồng bằng sông Cửu Long.

Bộ NNPTNT đã trình Thủ tướng Chính phủ chủ trương hình thành Trung tâm này ở Cần Thơ. Sau này Bộ cũng định hướng xin chủ trương của Chính phủ để xây dựng một Trung tâm như vậy ở khu vực Tây Nguyên. Đây là hai vùng xuất khẩu nông sản chiếm tỷ trọng cao của cả nước và xuất khẩu sang Trung Quốc.

Mặc dù có trung tâm này rồi nhưng quan trọng nhất là phải tổ chức lại sản xuất, tổ chức lại hệ sinh ngành hàng, để đáp ứng nhu cầu chuẩn hóa từng loại thị trường như thị trường Trung Quốc, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản…, thị trường trong nước. Kể cả đến một ngày nào đó, tại thị trường trong nước, người tiêu dùng không còn dễ tính nữa. Vì vậy câu chuyện này phải thay đổi rất nhiều.

“Sắp tới Bộ NNPTNT dự thảo đề án về xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc sau khi tham khảo ý kiến của các cơ quan ngoại giao và thương vụ Việt Nam bên Trung Quốc. Chúng tôi sẽ lấy ý kiến của Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, các Hiệp hội ngành hàng. Chúng tôi cũng xây dựng Đề án riêng cho thị trường EU.

Việc cần làm là liên minh để xuất khẩu vì EU là thị trường tiềm năng rất lớn với 27 quốc gia. Chúng ta phải đi riêng từng nhóm thị trường. Từng nhóm thị trường đó phải củng cố Liên minh hiệp hội xuất khẩu từng thị trường để chia sẻ thông tin”, ông Hoan nói.

Theo Doanhnghiepvn.vn

Cùng chuyên mục

Thái Bình khởi công tuyến đường bộ gần 2.600 tỷ đồng

28/02/2021 09:31 Sáng

Sáng 27/2, UBND tỉnh Thái Bình khởi công dự án đường bộ đi TP Hải Phòng, tổng mức đầu tư gần 2.600 tỷ đồng.

Vì sao nợ xấu ngân hàng tăng?

07/05/2024 11:45 Sáng

Tình trạng nợ xấu đã trở thành một vấn đề đáng lo ngại trong hệ thống ngân hàng. Vậy cần giải pháp gì để giảm thiểu nợ xấu và tăng cường ổn định tài chính của ngân hàng.

Bơm tiền hỗ trợ hệ thống của ngân hàng nhà nước

05/01/2022 08:22 Sáng

Ghi nhận trên thị trường ngày 30/12, Ngân hàng Nhà nước bơm ròng lượng tiền đáng kể thông qua nghiệp vụ thị trường mở (OMO).

Tín dụng xanh là chìa khóa phát triển bền vững

08/03/2024 07:35 Chiều

Đứng trước những thách thức to lớn từ hậu quả của biến đổi khí hậu, có nhiều giải pháp đã được triển khai để giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, đảm bảo môi sinh - môi trường. Giải pháp về tài chính, trong đó, có chính sách tín dụng xanh, được xem là hiệu quả, từ đó góp phần hướng tới phát triển kinh tế bền vững.

Bảo hiểm nhân thọ “chuyển mình” trước nhu cầu của người trẻ

24/07/2024 12:34 Chiều

Khi bệnh tật là biến số khó lường và ngày càng có xu hướng trẻ hoá, người trẻ chọn chủ động ứng phó và bảo vệ bản thân với một sản phẩm bảo hiểm toàn diện, tối ưu quyền lợi.

Đối tác