Gọi vốn ngoại còn tùy thuộc ‘khẩu vị’ nhà đầu tư

14/03/2022 07:37 Sáng

Theo các chuyên gia của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), để tăng sức hấp dẫn đối với NĐT, đồng thời mở rộng cơ hội hút vốn ngoại, Việt Nam nên xem xét điều chỉnh tỷ lệ sở hữu vốn nước ngoài tại các ngân hàng. Theo các chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài đều có những lựa chọn dựa trên tiêu chí của họ, ngân hàng nào đáp ứng được kỳ vọng thì họ sẽ lựa chọn.

Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) mới đây đã thông báo thực hiện điều chỉnh tỷ lệ room nhà đầu tư nước ngoài tại SHB từ 10% lên mức tối đa là 30%. Trước đó, tháng 8/2021, ngân hàng này đã khoá tỷ lệ sở hữu nước ngoài ở mức 10% để thực hiện chào bán cổ phiếu được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2021. Ngân hàng khác là VPBank đã chính thức có văn bản điều chỉnh room ngoại tại ngân hàng lên 17,5% vốn điều lệ. Giới chuyên gia cho rằng, đây là tỷ lệ cần để VPBank có thể phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông chiến lược nước ngoài tối đa 15% vốn điều lệ sau khi phát hành. OCB cũng đang đàm phán với đối tác để chốt room ngoại bán nốt 10% room còn lại. Lãnh đạo Sacombank cũng cho biết ngân hàng này dự định bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài sau khi hoàn tất tái cơ cấu trong năm 2022…

Nhiều ngân hàng nới room ngoại để hút vốn nước ngoài. Ảnh minh họa.

Nhiều ngân hàng nới room ngoại để hút vốn nước ngoài. Ảnh minh họa.

Ở khối các ngân hàng lớn, lãnh đạo Vietcombank đề xuất bên cạnh giữ lại lợi nhuận, trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn, cơ quan quản lý cần xem xét cho phép ngân hàng tăng giới hạn sở hữu của NĐTNN lên 35% để họ đáp ứng tốt hơn các quy định về an toàn vốn và có thêm nguồn lực mở rộng tín dụng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Theo các chuyên gia của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), để tăng sức hấp dẫn đối với NĐT, đồng thời mở rộng cơ hội hút vốn ngoại, Việt Nam nên xem xét điều chỉnh tỷ lệ sở hữu vốn nước ngoài tại các ngân hàng. Bởi trên thực tế một số ngân hàng đã có tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài chạm hoặc gần chạm trần 30%.

Chưa kể, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực từ 1/8/2020 có nội dung là trong vòng 5 năm kể từ khi ký kết, Việt Nam cam kết cho phép các tổ chức tín dụng EU được nâng mức nắm giữ lên tối đa 49% vốn điều lệ của hai NHTMCP tại Việt Nam (trừ nhóm Big 4). Khá nhiều nhận định khác nhau xung quanh câu chuyện ngân hàng nào sẽ điền tên vào danh sách hai ngân hàng được nâng room ngoại lên tối đa 49% như cam kết, song hiện chưa ngã ngũ. Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng, ứng viên phù hợp nhất là Sacombank bởi 32,5% cổ phiếu đang lưu hành của Sacombank đang là tài sản thế chấp cho khoản nợ chưa thanh toán được đã chuyển nhượng cho VAMC. Số cổ phần này vượt quá ngưỡng 30% nên việc bán sẽ phải được thực hiện theo một miễn trừ đặc biệt như EVFTA. Còn Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam thì cho hay, HDBank cũng là cái tên đang được xem xét để nới room nước ngoài lên 49% theo EVFTA. Chứng khoán MB (MBS) cũng gợi ý 4 cái tên có thể đáp ứng đủ tiêu chí và hết room ngoại gồm Techcombank, VPBank, ACB và TPBank.

Trao đổi với phóng viên, quan điểm của phần lớn chuyên gia tài chính đều nhìn nhận là mọi sự đồn đoán cũng chỉ là kỳ vọng. Các nhà đầu tư nước ngoài đều có những lựa chọn dựa trên tiêu chí của họ, ngân hàng nào đáp ứng được kỳ vọng thì họ sẽ lựa chọn. “Tất nhiên các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt ở đây là các tổ chức tài chính, tổ chức tín dụng của châu Âu không thể nào xuống tiền đầu tư những ngân hàng có nội tại yếu kém, không có tầm nhìn, chiến lược rõ ràng, không có giá trị cốt lõi. Mà các nhà đầu tư sẽ nhắm tới các ngân hàng có nền tảng tài chính vững, tiềm năng phát triển tốt, mang lại mức sinh lời cao cho họ; cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường có mức độ vốn hoá thế nào, có dễ dàng chuyển nhượng không…”, một chuyên gia nhận định.

Ngân hàng nào cũng mong muốn có thể thu hút thêm vốn đầu tư từ các đối tác nước ngoài, bởi rõ ràng cái lợi mang tới là gia tăng vốn hoá của ngân hàng, nâng cao quản trị, việc đáp ứng các tiêu chuẩn như Basel II, Basel III cũng dễ dàng hơn rất nhiều…

Tuy vậy, theo TS.Châu Đình Linh, đây là quyết sách của cả một tổ chức và phải xem thử là các cổ đông liệu có đồng lòng hay không. Mặt khác khi đã là nhà đầu tư chiến lược thì chắc chắn họ sẽ can thiệp vào hoạt động quản trị, điều hành, pha loãng quyền quyết định của nhóm cổ đông hiện đang chi phối ngân hàng; họ có thể đưa ra những quyết sách khác biệt so với chiến lược mà ngân hàng đang thực hiện, thậm chí lựa chọn một mô hình kinh doanh ngân hàng hoàn toàn khác so với sự hiểu biết của mình.

“Khi có sự va chạm giữa hai hệ tư tưởng, hai triết lý kinh doanh khác nhau thì phải xem xét rất thận trọng, tìm được tiếng nói chung để tránh mâu thuẫn, từ đó tận dụng được nguồn lực cho tái cơ cấu ngân hàng, hoạt động quản trị, mô hình kinh doanh mới, định hướng mục tiêu kinh doanh tốt hơn để có thể chiếm được thị phần rộng hơn trong tương lai. Mùa ĐHĐCĐ sắp tới, đây là một trong những nội dung sẽ được bàn thảo khá sôi nổi tại nhiều ngân hàng”, ông Linh nhìn nhận.

Theo Thời Báo Ngân Hàng

Cùng chuyên mục

Tăng khả năng tiếp cận tín dụng chính thức, hạn chế tín dụng đen

28/03/2023 10:46 Chiều

Ngân hàng Nhà nước đã chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường khả năng cung ứng vốn của tổ chức tín dụng, cũng như khả năng tiếp cận tín dụng chính thức của người dân.

Nhiều cơ sở cho sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế

03/10/2021 08:14 Sáng

Phân tích tốc độ tăng trưởng GDP “âm” của quý III/2021, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng tình thế khó khăn là do có yếu tố “đột biến” mang tính tạm thời. Nền kinh tế vẫn chứa đựng nhiều cơ sở cho sự phục hồi mạnh mẽ.

Tiền được bơm ròng trở lại, lãi suất liên ngân hàng vẫn tăng

22/07/2022 03:12 Chiều

Riêng ngày 20/7, 11.368,2 tỷ đồng được bơm ròng ra thị trường nhưng lãi suất VND vẫn tăng vọt, vượt qua cả lãi suất USD cùng kỳ hạn. Lãi suất liên ngân hàng ngày 21/7 tiếp tục có bước nhảy vọt lên mức 2,13%/năm cho kỳ hạn qua đêm

Yêu cầu NHNN tại tỉnh, thành triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%

31/03/2023 11:35 Chiều

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các đơn vị tiếp tục xác định việc triển khai cho vay hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP là nhiệm vụ trọng tâm.

Giá vàng thế giới chiều 12/10/2021 thấp hơn SJC 7,7 triệu đồng/lượng

13/10/2021 02:38 Chiều

Giá vàng thế giới hôm nay 12/10/2021, tính đến 15 giờ 15 phút (giờ Việt Nam) đang giao dịch quanh ngưỡng 1.757 USD/ounce - tăng 1 USD/ounce.

Đối tác