Doanh nghiệp Nhà nước đang nắm 1/4 vốn sản xuất toàn xã hội

25/03/2022 11:13 Sáng

Trong năm 2020, các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước ghi nhận hơn 1,55 triệu tỷ đồng doanh thu. Các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước nắm giữ khoảng 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu toàn bộ doanh nghiệp trên thị trường. Nắm giữ nguồn lực lớn nhưng năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Nhà nước vẫn còn hạn chế.

Chỉ chiếm 0,08% số doanh nghiệp hoạt động, nhưng nhóm doanh nghiệp Nhà nước lại nắm giữ nguồn lực rất lớn của nền kinh tế với hơn 1/4 tổng vốn sản xuất kinh doanh toàn xã hội. Đây là số liệu được Bộ Kế hoạch & Đầu tư ghi nhận trong báo cáo về vị trí, vai trò, kết quả tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2016-2020 trình Thủ tướng tại hội nghị với doanh nghiệp Nhà nước sáng 24/3.

Theo cơ quan quản lý doanh nghiệp, đến hết năm 2020, cả nước còn gần 500 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn và gần 200 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối.

Trong đó, doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước chủ yếu tập trung hoạt động trong một số ngành, lĩnh vực như nông, lâm nghiệp, công trình thủy lợi (40%); quốc phòng an ninh (17%); công ích đô thị, chiếu sáng, cấp thoát nước (14%); hoạt động xổ số (13%)…

Với nhóm doanh nghiệp do Nhà nước nắm trên 50% vốn, lĩnh vực kinh doanh chủ yếu là nông lâm, kết cấu hạ tầng cảng biển, giao thông và bất động sản, du lịch, vật liệu xây dựng…

Nắm giữ nguồn lực lớn của xã hội

Nếu loại trừ các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh và nông lâm nghiệp, hiện còn 94 doanh nghiệp Nhà nước quy mô lớn, gồm 9 tập đoàn kinh tế; 67 tổng công ty Nhà nước; 18 công ty hoạt động theo mô hình nhóm công ty mẹ – con.

Tuy chỉ chiếm hơn 10% về số lượng doanh nghiệp Nhà nước nhưng khối công ty mẹ – tập đoàn – tổng công ty lại nắm giữ 90% tổng tài sản, 88% doanh thu và 86% lợi nhuận trước thuế của toàn bộ nhóm doanh nghiệp này.

Cũng theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, dù các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước chỉ chiếm khoảng 0,08% số doanh nghiệp đang hoạt động, nhưng lại nắm giữ nguồn lực lớn của nền kinh tế với khoảng 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu toàn bộ doanh nghiệp trên thị trường.

picture1-1648112860-6119-1648113656.jpg

Dù chỉ chiếm số lượng rất nhỏ trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, nhóm doanh nghiệp Nhà nước lại nắm giữ nguồn lực rất lớn của xã hội. Ảnh: Hoàng Hà.

Ngoài ra, nhóm doanh nghiệp này cũng chiếm khoảng 25,78% tổng vốn sản xuất, kinh doanh và 23,4% giá trị tài sản cố định, đầu tư tài chính dài hạn của các doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất, kinh doanh.

Hiện tại, quy mô tài sản bình quân của một doanh nghiệp Nhà nước cũng là 4.100 tỷ đồng, cao gấp 10 lần doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và gấp 109 lần doanh nghiệp dân doanh.

Nếu xét về hiệu quả kinh doanh, trong năm 2020, các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước ghi nhận hơn 1,55 triệu tỷ đồng doanh thu, tăng 18% so với năm 2016. Lợi nhuận trước thuế toàn nhóm đạt 122.347 tỷ, tăng 5%.

Trong đó, một số công ty mẹ có tổng doanh thu năm 2020 cao hơn nhiều so với năm 2016 như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) với doanh thu tăng gấp 2,08 lần; Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) doanh thu tăng 2,68 lần; Tổng công ty Đông Bắc tăng 2,35 lần doanh thu giai đoạn này…

Tương tự, mức đóng góp ngân sách Nhà nước của nhóm doanh nghiệp này cũng dẫn đầu toàn thị trường với khoảng 28% tổng số thuế và các khoản phải nộp ngân sách hàng năm. Như năm 2020, các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước đã nộp tổng cộng 241.728 tỷ đồng tiền thuế và các khoản phát sinh nộp ngân sách.

Hiệu quả chưa tương xứng

Tuy nhiên, cũng tại báo cáo này, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết hoạt động sản xuất kinh doanh của nhóm doanh nghiệp Nhà nước vẫn chưa tương xứng với nguồn lực được nắm giữ.

Theo đó, kết quả hoạt động của nhóm doanh nghiệp này đạt được chủ yếu dựa trên nguồn lực sẵn có (lĩnh vực, vốn, thị trường..), trong khi chất lượng và hiệu quả hoạt động thấp hơn tốc độ tăng trưởng nguồn vốn kinh doanh.

Một số doanh nghiệp Nhà nước quy mô lớn có kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh thấp, nợ nần, thua lỗ, thất thoát lớn. Như năm 2020, có 11/73 tập đoàn kinh tế, tổng công ty lỗ lũy kế hơn 11.464 tỷ đồng. Đối với hệ thống ngân hàng thương mại Nhà nước, hạn chế chủ yếu là quy mô vốn và tỷ lệ an toàn vốn còn thấp so với các ngân hàng thương mại trong khu vực và trên thế giới.

picture2-1648112942-3488-1648113656.jpg

Nắm giữ nguồn lực lớn nhưng năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Nhà nước vẫn còn hạn chế. Ảnh: Minh Hoàng.

Cơ quan quản lý cũng đánh giá khả năng cạnh tranh, đặc biệt là cạnh tranh quốc tế của nhóm doanh nghiệp Nhà nước còn thấp.

Trong lĩnh vực trọng yếu như thương mại với số thu cân đối ngân sách Nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu chiếm 13,81% tổng thu ngân sách, trong đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 9,36 điểm %, còn doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp khu vực tư nhân trong nước chỉ chiếm khoảng 2,2 điểm %.

Như vậy, nếu sử dụng xuất khẩu là tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh, có thể thấy khả năng cạnh tranh và vươn ra thị trường quốc tế của doanh nghiệp Nhà nước còn hạn chế.

Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng cho biết hiện nhiều doanh nghiệp Nhà nước chiếm thị phần lớn hoặc chi phối ở một số lĩnh vực nhưng lại chưa quan tâm đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có ảnh hưởng quyết định đến việc tạo động lực, hỗ trợ nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và doanh nghiệp Việt như cơ khí chính xác, sản xuất chế tạo linh kiện, máy móc và thiết bị hoàn chỉnh…

Ngoài ra, việc thực hiện các dự án đầu tư mới của doanh nghiệp Nhà nước trong thời gian qua không được thúc đẩy. Trong đó, 5 năm gần nhất, có rất ít dự án, công trình mới của nhóm doanh nghiệp này được khởi công, hầu như các doanh nghiệp chỉ tiếp tục thực hiện các dự án dở dang hoặc xử lý các dự án còn tồn đọng từ giai đoạn trước.

Trong giai đoạn 2016 – 2020, 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước & Tập đoàn Viettel chỉ triển khai 4 dự án đầu tư nhóm A, trong đó có 3 dự án chuyển tiếp từ năm 2015 trở về trước và 1 dự án khởi công mới năm 2016.

Việc phải xử lý các dự án thua lỗ, kém hiệu quả do quản lý không hiệu quả trong quá khứ cũng khiến một số doanh nghiệp có tâm lý e ngại rủi ro nên không muốn thực hiện các dự án đầu tư mới.

Theo Zing

 

Cùng chuyên mục

Chống hàng giả, hàng nhái trên thương mại điện tử: Cần cơ chế, chính sách đồng bộ

19/06/2024 01:55 Chiều

Mua sắm trực tuyến đang trở thành xu hướng trong thời đại mới. Tuy nhiên, trước tình trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan trên các kênh thương mại điện tử, đòi hỏi cơ quan chức năng phải có những cơ chế, chính sách mạnh mẽ để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Thị trường phục hồi, cơ hội mới cho các doanh nghiệp

27/09/2023 11:55 Chiều

Ngày 27/9, tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE), Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam đã tổ chức tọa đàm “Thị trường hồi phục - Cơ hội mới cho các doanh nghiệp”.

Giải Golf Hào Khí Đông A tranh cúp Hoa Linh năm 2022

02/11/2022 04:46 Sáng

Vào lúc 11 giờ 30 ngày 16/11/2022 tại Sân Golf Tân Sơn Nhất (số 06 Tân Sơn, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM) sẽ diễn ra Giải Golf Hào Khí Đông A tranh cúp Hoa Linh năm 2022. Giải do CLB Golf họ Tần Việt Nam và CLB Golf họ Trần miền Bắc tổ chức và nhận được sự tài trợ chính của Công ty Dược Phẩm Hoa Linh.

Doanh nghiệp ngoại muốn TP HCM gỡ vướng đất đai, phí ‘lót tay’

25/03/2021 10:01 Sáng

Các hội doanh nghiệp kỳ vọng TP HCM sẽ đẩy mạnh giải quyết các vướng mắc về đất đai, cấp phép lao động và chi phí không chính thức. Bên cạnh đó, nhiều vấn đề như cải thiện cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và thời gian cấp phép đầu tư cũng được nhiều hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị.

Doanh nghiệp xuất khẩu gạo nhỏ gặp khó, VCCI trình loạt kiến nghị

04/08/2023 08:00 Chiều

Nhằm thúc đẩy hiệu quả của ngành nông nghiệp xuất khẩu gạo, các đề xuất của VCCI đã nêu lên những vấn đề cần được xem xét một cách nghiêm túc.

Đối tác