‘Bể kèo’ đất đấu giá, thị trường hạ nhiệt

24/05/2022 08:31 Chiều

Sau vụ “bể kèo” 4 lô đất trúng đấu giá tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, không chỉ thị trường khu Đông TP HCM (TP Thủ Đức) bị ảnh hưởng, nhiều khu vực khác cũng bị tác động mạnh. Theo báo cáo của UBND TP HCM gửi Bộ Xây dựng hoạt động kinh doanh BĐS của TP HCM trong năm 2021 giảm 17,32%, doanh thu hoạt động kinh doanh BĐS giảm 25,2%.

Giá nhà, đất chùng xuống

Sau khi TP HCM chính thức công bố kết quả trúng đấu giá 4 lô đất tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, giá nhà đất khu vực này đã tăng lên đáng kể. Đặc biệt là đất nền dự án, có khu vực tăng 20-30% so với trước khi có kết quả phiên đấu giá. Ngoài ra, giá chung cư, đất riêng lẻ trong khu dân cư cũng mặc nhiên xác lập giá mới, giao dịch cũng sôi động hơn trước.

Hiện tại một số dự án thuộc phường An Phú, Bình An… trước đó giao dịch tầm 130-150 triệu đồng/m2, sau phiên đấu giá tăng lên 180-200 triệu đồng/m2. Giá chung cư khu vực này cũng tăng khá cao vào thời điểm đó, nhưng thời điểm hiện tại cả đất nền và chung cư đều trở lại mức giá trước đó.

Không chỉ thị trường khu vực phía Đông thành phố, giá đất nhiều khu vực khác cũng hạ nhiệt theo, như Hóc Môn, Bình Chánh… Chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang nhận định, giá nhà đất tăng theo sau khi đấu giá và hạ nhiệt sau khi các doanh nghiệp trúng giá lần lượt bỏ cọc, đã thể hiện tình trạng tâm lý của cả người mua và người bán.

“Về phía người bán, khi họ thấy giá đất nhà nước đấu giá bán giá quá cao, dĩ nhiên họ sẽ điều chỉnh giá đất của họ lên. Về phía người mua cũng đang trong tình trạng hưng phấn, khi họ kỳ vọng các lô đất doanh nghiệp trúng đấu giá được đưa vào khai thác, kinh doanh tạo niềm tin cho nhà đầu tư, đồng thời họ nghĩ rằng về lâu dài giá đất sẽ còn tăng, nên mạnh dạn đầu tư vào các khu vực lân cận hay tại thị trường TP HCM”, ông Quang phân tích.

anh-minh-hoa-bai-gia-bds-ha-nh-7696-8511

Thị trường BĐS khu vực “nóng” ở TP Thủ Đức bắt đầu hạ nhiệt.

Thị trường BĐS TP HCM hơn 1 tháng trở về trước liên tục được “bơm” các liệu pháp tâm lý, như kết quả đấu giá đất Thủ Thiêm, hội nghị kêu gọi đầu tư vào đô thị Tây Bắc, kế hoạch lên quận, thành phố của một số nơi… đã kích thích tâm lý hưng phấn cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, thực tế vừa qua đã buộc không ít nhà đầu tư phải “co cụm” lại và tỉnh táo hơn. Chính vì vậy thị trường đã chùng xuống sau thời gian “tăng trưởng nóng”.

Cuối tuần qua, đi một vòng trở lại các “điểm nóng” về giao dịch nhà đất cách đây hơn 2 tháng, như phường Phú Hữu (quận 9 cũ), Bình An, Bình Khánh (quận 2 cũ), Bình Chánh, Củ Chi, chúng tôi ghi nhận không còn tình trạng nhộn nhịp chào mời mua bán như trước đó. Ghé vào một sàn giao dịch trên đường liên phường (quận 9 cũ), nhân viên ở đây cho biết mỗi ngày sàn tiếp chừng hơn 10 khách đến tìm hiểu nhà, đất, trong khi giao dịch chỉ bằng 1/3 so với thời kỳ cao điểm, các giao dịch thành công cũng giảm so với trước.

Cần một thị trường phát triển bền vững

Ông Phạm Lâm, Chủ tịch Tập đoàn BĐS DKRA, cho rằng hầu hết  doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh BĐS đều mong muốn thị trường phát triển ổn định, bền vững, ít ai mong thị trường lúc nào cũng sốt “hầm hập”. Theo các doanh nghiệp, việc sốt đất chỉ có lợi cho một số nhà đầu tư ngắn hạn, lướt sóng.

Còn với doanh nghiệp hầu như chẳng lợi lộc gì, có khi còn bị tác động tiêu cực nhiều hơn, như công tác đền bù giải tỏa khó khăn, ảnh hưởng đến người có nhu cầu thực về nhà ở. “Chúng tôi mong muốn thị trường BĐS ổn định, bền vững, pháp lý rõ ràng để nhiều dự án được đưa ra thị trường, các doanh nghiệp cạnh tranh trên uy tín chất lượng và hậu mãi cho khách hàng” – lãnh đạo một doanh nghiệp chia sẻ.

Trong báo cáo mới đây của UBND TP HCM gửi Bộ Xây dựng về thị trường BĐS TP HCM thời gian qua, lãnh đạo thành phố thừa nhận hiện nay hệ thống các quy định pháp luật còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, dẫn đến doanh nghiệp tốn rất nhiều thời gian cho quá trình chuẩn bị hồ sơ đầu tư xây dựng dự án.

Đồng thời, nhiều dự án tại TP HCM đang trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, rà soát lại thủ tục pháp lý, thậm chí bị điều tra. Điều này cũng khiến các sở, ngành có liên quan chậm phối hợp cho ý kiến, hoặc giải quyết thủ tục pháp lý dự án. Đặc biệt, khó khăn là những doanh nghiệp có liên quan đến vốn nhà nước hoặc dự án có nguồn gốc đất công.

Do vướng mắc những khó khăn trên, hoạt động kinh doanh BĐS của TP HCM trong năm 2021 giảm 17,32%, doanh thu hoạt động kinh doanh BĐS giảm 25,2%, số lượng doanh nghiệp kinh doanh BĐS đăng ký thành lập mới giảm 17%. Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho rằng, số liệu thống kê nói trên phản ánh đúng thực trạng thị trường BĐS của thành phố .

Đây là năm thứ 2 liên tiếp hoạt động kinh doanh BĐS của thành phố suy giảm. UBND TP HCM đánh giá cơ cấu sản phẩm mất cân đối khi tỷ lệ phân khúc căn hộ bình dân giảm từ 1% xuống 0%; phân khúc căn hộ trung cấp (giá bán từ 20-40 triệu đồng/m2) giảm từ 56,9% xuống còn 26,02%; phân khúc căn hộ cao cấp (giá bán trên 40 triệu đồng/m2) tăng cao nhất, từ 42,1% lên 73,98%.

Để xây dựng một thị trường BĐS lành mạnh, ổn định cũng như tạo thêm nguồn cung nhà giá rẻ, góp phần điều chỉnh cơ cấu căn hộ phù hợp với nhu cầu thị trường và khắc phục tình trạng lệch pha cung – cầu, UBND TP HCM đã kiến nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá thấp để trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, ban hành.

UBND thành phố cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước theo dõi, chỉ đạo các ngân hàng thương mại các vấn đề, như quản lý chặt chẽ tình hình cấp tín dụng đối với lĩnh vực BĐS, chuyển tiền thu từ BĐS ra nước ngoài, thực hiện chính sách tín dụng linh hoạt đáp ứng nhu cầu thực về nhà ở cho người dân, hạn chế tín dụng cho đầu tư BĐS cao cấp, BĐS du lịch nghỉ dưỡng và đầu cơ BĐS.

Tăng cường theo dõi, kiểm tra việc cấp tín dụng trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh BĐS của hệ thống ngân hàng thương mại đối với các dự án BĐS, nhất là các dự án cao cấp, quy mô lớn và các chủ đầu tư có nhiều dự án vay vốn.

Theo Sài Gòn Đầu Tư Tài Chính

Cùng chuyên mục

TP HCM gỡ nút thắt để phát triển nhà ở xã hội

25/09/2022 10:53 Chiều

Các doanh nghiệp chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội gặp nhiều vướng mắc như chưa được vay ưu đãi nhà ở xã hội, quy trình thủ tục đầu tư dự án của doanh nghiệp tư nhân lại rắc rối hơn nhà ở thương mại. Trong giai đoạn 2011-2020, cả nước đạt 41% kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, riêng TP HCM xây dựng được 15.000 căn nhà ở xã hội giai đoạn 2016-2020, đạt 75% kế hoạch.

Nhà, đất có thực sự tăng giá khi lạm phát lên cao?

14/03/2022 07:38 Sáng

Theo ông Phan Lê Thành Long, Giám đốc CMA Australia, người mua BĐS cần tính đến các yếu tố giá tăng thực sự chứ lạm phát không phải là nguyên nhân khiến giá BĐS tăng. Thị trường BĐS sẽ chịu tác động bởi 4 yếu tố chính gồm tín dụng ngân hàng, hạ tầng, mức thu nhập và tính khan hiếm.

Lâm Đồng: Có hay không việc xây nhà trái phép tại “vựa rau” ở Đà Lạt

11/09/2024 03:01 Chiều

Việc xây dựng nhà tràn lan trên đất nông nghiệp diễn ra ở phường 7, thành phố Đà Lạt nơi được coi là “vựa rau” của thành phố mù sương một thời.

Sốt đất ở Quảng Trị: Kiểm soát nguy cơ xảy ra bong bóng bất động sản

02/03/2022 02:51 Chiều

Quảng Trị - Trước tình trạng sốt đất, thổi giá đất ở một số khu vực dự kiến thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, UBND tỉnh Quảng Trị có chỉ đạo đánh giá, kiểm soát nguy cơ xảy ra bong bóng bất động sản.

Hơn 4000 căn hộ sẽ được chào bán ra thị trường cuối năm

30/09/2022 05:46 Chiều

Theo ước tính của Cushman & Wakefield, sẽ có hơn 4.100 căn hộ mới được chào bán ra thị trường vào cuối năm nay và khu Đông, khu Nam sẽ dẫn đầu thị trường.

Đối tác