Giá chung cư tăng tới 30%: Bài toán hạ nhiệt không chỉ của một bộ, ngành

25/05/2022 08:59 Chiều

Trong năm 2021 và đầu năm 2022, nguồn cung bất động sản tại các địa phương trên cả nước đều hạn chế và có xu hướng giảm, dẫn đến giá nhà tăng cao. Bài toán hạ nhiệt nhà ở, đặc biệt là phân khúc chung cư được người dân đặc biệt quan tâm.

Giá bất động sản tăng mạnh, nhiều phân khúc tăng bất thường

Chia sẻ tại hội thảo truyền thông số thúc đẩy phục hồi kinh tế, ông Nguyễn Mạnh Khởi – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây Dựng) cho biết, 2 năm vừa qua thị trường có hiện tượng tăng giá trên tất cả các phân khúc.

Giá phân khúc chung cư tăng mạnh trong thời gian qua. Ảnh minh họa: Phan Anh
Giá phân khúc chung cư tăng mạnh trong thời gian qua. Ảnh minh họa: Phan Anh

Theo thống kê, trong năm 2021 cũng như quý I/2022, giá bất động sản tại nhiều địa phương tăng với mức độ khác nhau tuỳ từng phân khúc. Với chung cư tăng bình quân 3-7%, có địa phương tăng đến 30%.

Đặc biệt với đất nền ở nhiều khu vực, nhất là ở những khu vực có dự báo tách nhập, nâng lên quận huyện, phát triển hạ tầng… giá bất động sản tăng rất cao, có nơi tăng 30%, 50%, thậm chí có những nơi tăng trưởng nóng vượt qua lý luận thông thường hơn 100%.

Báo cáo của VNDirect dẫn số liệu của CBRE cũng cho thấy trong quý I vừa qua, nguồn cung căn hộ mới tại TP.HCM giảm 48% so với cùng kỳ.

Trong khi đó tại Hà Nội, nguồn cung mới nhà xây sẵn quý I cũng sụt giảm 24,7% so với cùng kỳ còn 296 căn. Giá trung bình căn hộ sơ cấp trong quý tăng mạnh 13,3% so với cùng kỳ lên 1.655 USD/m2.

Nguồn cung nhà ở xã hội hiện còn hạn hẹp. Ảnh minh họa: Phan Anh
Nguồn cung nhà ở xã hội hiện còn hạn hẹp. Ảnh minh họa: Phan Anh

VNDirect Research nhận định, ngành bất động sản đang đối mặt với nhiều thách thức. Trong bối cảnh thắt chặt tín dụng vào lĩnh vực bất động sản và giám sát chặt chẽ hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp, VNDirect Research cho rằng các chủ đầu tư có thể sẽ gặp thách thức trong việc huy động vốn trong vài quý tới.

Bài toán giảm giá nhà ở

Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), thị trường bất động sản đang rất thiếu nguồn cung nhà ở, nhất là loại nhà ở thương mại bình dân (nhà ở giá vừa túi tiền) và nhà ở xã hội. Đây là hai loại hình đáp ứng nhu cầu thực của đông đảo người thu nhập trung bình và người thu nhập thấp đô thị nhưng do thiếu nguồn cung trong khi lực cầu rất lớn dẫn đến tình trạng giá nhà đất tăng liên tục trong hơn 5 năm qua.

Theo HoREA, biểu hiện qua chỉ số giá nhà ở của Việt Nam cao gấp hơn 20 lần so với thu nhập trung bình của xã hội làm cho nhiều hộ gia đình và cá nhân khó tạo lập được nhà ở (so với các nước công nghiệp phát triển thì chỉ số giá nhà chỉ cao gấp 6 – 7 lần thu nhập).

HoREA cho rằng, để kéo giảm giá nhà ở trên thị trường bất động sản thì phải có giải pháp hiệu quả làm tăng nguồn cung nhà ở. Muốn vậy, trước hết phải tháo gỡ một số vướng mắc, bất cập của một số quy định pháp luật làm tăng nguồn cung dự án, đáp ứng nhu cầu nhà ở từ bình dân đến cao cấp cho mọi tầng lớp dân cư trong xã hội…

Ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây Dựng).
Ông Nguyễn Mạnh Khởi – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng).

Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết nguồn cung nhà ở xã hội đang thiếu. Dù có nhiều chính sách thúc đẩy nhưng số lượng dự án trong 2 năm qua không nhiều.

“Cần phải tăng nguồn cung các loại nhà cho đối tượng có thu nhập thấp. Để thực hiện thì cần có nhiều giải pháp, đầu tiên là đề xuất sửa đổi chính sách để khuyến khích, thúc đẩy nhà ở xã hội, đặc biệt tại các đô thị lớn.

Ngoài ra cần tháo gỡ thủ tục pháp lý. Ví dụ ở TPHCM, sau khi được tháo gỡ chỉ trong 1 tháng thì có tới 4 dự án nhà ở xã hội được khởi công.

Cũng cần tăng cường công tác thông tin. Qua theo dõi, chúng tôi thấy rằng giá nhà tăng cao có một phần do chúng ta chưa nắm được hết thông tin, dẫn đến tâm lý ngại rủi ro khi đầu tư, khiến giá tăng cao.

Việc hạ giá nhà ở không chỉ có Bộ Xây dựng, cần có sự vào cuộc của các bộ, ngành vì bất động sản là ngành kinh tế tổng hợp. Ví dụ như Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước… để tập trung vào các dự án có thể triển khai nhanh, ra hàng nhanh. Cần đặc biệt ưu tiên cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho đối tượng có mức thu nhập trung bình”, ông Nguyễn Mạnh Khởi nói.

Theo Phan Anh (Lao động)

Cùng chuyên mục

Lâm Đồng: Có hay không việc xây nhà trái phép tại “vựa rau” ở Đà Lạt

11/09/2024 03:01 Chiều

Việc xây dựng nhà tràn lan trên đất nông nghiệp diễn ra ở phường 7, thành phố Đà Lạt nơi được coi là “vựa rau” của thành phố mù sương một thời.

Siết tín dụng bất động sản, người mua nhà bị vạ lây

15/04/2022 01:42 Chiều

Việc ngân hàng mạnh tay "siết" cho vay bất động sản (BĐS) khiến nhiều người có nhu cầu ở thực lo ngại vì không thể tiếp cận vốn để mua nhà.

Indochina Kajima ký kết hợp đồng quản lý vận hành với tập đoàn Mandarin Oriental

02/12/2022 05:35 Sáng

Công Ty TNHH Indochina Kajima Development (Indochina Kajima), liên doanh giữa Indochina Capital, nhà phát triển bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và Tập Đoàn Kajima, một trong những nhà thầu xây dựng và nhà phát triển bất động sản tại nước ngoài lớn nhất của Nhật Bản, tổ chức lễ ký kết Hợp đồng quản lý vận hành với Tập đoàn Mandarin Oriental cho dự án Mandarin Oriental, Bãi Nồm, khu nghỉ dưỡng cao cấp và sang trọng tại tỉnh Phú Yên.

Bất động sản Việt Nam năm 2022 sẽ khá khắc nghiệt

23/03/2022 11:35 Sáng

Trong dài hạn, thị trường vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều khủng hoảng như lạm phát đẩy giá bất động sản tăng, nên thị trường năm 2022 sẽ khá khắc nghiệt.

Chuyên gia lo ngại thị trường bất động sản năm 2022 sẽ khắc nghiệt

17/03/2022 07:34 Sáng

Ngay từ đầu năm 2022, mặc dù diễn biến dịch vẫn phức tạp nhưng thị trường hừng hực khí thế ở mọi vùng miền, các giao dịch bất động sản vẫn khá sôi động, các doanh nghiệp cũng rất hưng phấn. Tuy nhiên, trong dài hạn, chúng ta vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều khủng hoảng, lạm phát đẩy giá bất động sản tăng lên nên bất động sản năm 2022 sẽ khá khắc nghiệt.

Đối tác