PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh – Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế – Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM cho rằng, Thành phố đã có định hướng trở thành một trung tâm tài chính nhưng chưa có cơ chế đề nghị rõ ràng trong Nghị quyết 54. Do đó, ông cho rằng, nếu theo hướng trung tâm tài chính truyền thống sẽ tốn thời gian khá dài vì còn phải phụ thuộc vào khả năng chuyển đổi của đồng tiền Việt Nam.
“Vấn đề này không thuộc phạm vi của TP.HCM. Trong khi đó, với hiện trạng đang có, hướng phát triển để trở thành trung tâm công nghệ tài chính (Fintech hub) của TP.HCM sẽ thuận lợi hơn nhiều, rút ngắn được thời gian”, ông Khánh chia sẻ.
Theo PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh, Thành phố có thể lồng nội dung liên quan đến khung pháp lý thử nghiệm Fintech vào Nghị quyết 54 để có một số cơ chế thực hiện. Bởi việc thử nghiệm Fintech giúp TP.HCM vốn đã phát triển sẽ có đà thúc đẩy phát triển nhanh hơn.
Cùng quan điểm trên, TS.Trương Minh Huy Vũ – Giám đốc Khu công nghệ phần mềm, Đại học Quốc gia TP.HCM cho rằng, trung tâm tài chính Thành phố không nên làm tổng thể, mà cần tập trung vào lĩnh vực công nghệ là chủ yếu, đồng thời phát triển theo hướng trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo .
“Trong khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, có 3 nội dung quan trọng cần được quan tâm. Thứ nhất, tăng tỉ lệ điều tiết từ 18 – 21% và những phần trăm tăng thêm sẽ đề xuất đầu tư vào dự án đổi mới sáng tạo. Thứ hai, cho phép Thành phố được hưởng cơ chế nghị định của Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia. Thứ ba, cần đẩy mạnh cơ chế hợp tác công tư, đặc biệt trong đầu tư văn hóa, thể thao, các chương trình xã hội”, TS.Trương Minh Huy Vũ góp ý.
Trước đó, tại Hội nghị góp ý cho Đề án Phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính quốc tế hồi đầu năm, ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam, một trong những tác giả của Đề án cho rằng, căn cứ vào tiềm năng và hiện trạng trong mô hình trung tâm tài chính, có thể thấy sự hội tụ rất lớn của các doanh nghiệp fintech.
Tuy nhiên, theo ông Thành, đây mới chỉ là các doanh nghiệp fintech với giai đoạn đầu phát triển tốc độ nhanh chứ chưa phải là cấu phần quan trọng của hệ thống tài chính, bởi mới chỉ cung cấp những dịch vụ mang tính chất hỗ trợ cho hệ thống tài chính (lớn nhất thì cũng chỉ là các ví điện tử được kinh doanh dưới mô hình là trung gian thanh toán); một số tổ chức khác thì chỉ được phép hoạt động như một công ty cung cấp giải pháp và nền tảng công nghệ.
Giai đoạn từ năm 2031 trở đi sẽ phát triển khu tài chính quận 1, Thủ Thiêm trở thành chuẩn tài chính gắn về ngân hàng, fintech với thị trường vốn, thị trường giao dịch hàng hóa phái sinh xuyên biên giới và mang tính toàn cầu.
“Nếu như chúng ta đặt trong mô hình trung tâm tài chính TP.HCM một cấu phần quan trọng, đó là fintech và ngân hàng số thì chúng ta sẽ tạo được đột phá trong chính sách, có một lộ trình để cấp phép, hình thành và đi vào hoạt động các ngân hàng số 100%”, ông Thành nhấn mạnh.
Còn theo TS.Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, cần tập trung vào cả mô hình truyền thống lẫn phi truyền thống; thị trường tiền tệ, các hoạt động liên quan đến thị trường vốn ngắn hạn. Ông cho rằng, phải làm sao để tập trung chính sách thu hút các quỹ đầu tư, các định chế tài chính quốc tế tầm cỡ. Đặc biệt, trong lĩnh này, cần lưu ý đưa vào công nghệ số, fintech và các sản phẩm khác, kể cả đồng tiền số, ngân hàng số.
Đề án đặt mục tiêu đến năm 2030 TP.HCM sẽ trở thành trung tâm tài chính toàn cầu, với 3 giai đoạn. Theo đó, trong giai đoạn từ nay đến 2025, TP.HCM triển khai thực hiện chương trình hành động, cùng các cơ chế chính sách đặc thù nhằm mục tiêu củng cố vị thế Trung tâm tài chính quốc gia của Thành phố. Nâng hạng trung tâm tài chính Thành phố từ trung tâm tài chính thứ cấp thành một trung tâm tài chính quốc tế trong xếp hạng chỉ số các trung tâm tài chính toàn cầu trước năm 2025. Bước đầu hình thành Trung tâm tài chính thương mại phức hợp tại Thủ Thiêm.
Giai đoạn từ năm 2026-2030, phát triển Trung tâm tài chính TP.HCM với mục tiêu: Thứ nhất, Thành phố có vị thế vững chắc là một trung tâm tài chính quốc tế thứ hạng cao trong số các trung tâm tài chính ở khu vực châu Á. Thứ hai, trung tâm tài chính thương mại phức hợp tại Thủ Thiêm trở thành cụm ngành tài chính, fintech gắn với hệ thống ngân hàng, dịch vụ quản lý đầu tư tài sản gắn với thị trường vốn và thị trường giao dịch chứng khoán hàng hóa phái sinh, tất cả đều có trong giao dịch tài chính xuyên biên giới mang tính khu vực và toàn cầu.
Giai đoạn dài hạn từ 2031 trở đi, phát triển TP.HCM trở thành một trung tâm tài chính toàn cầu với mục tiêu, TP.HCM có thứ hạng cao trong số các trung tâm tài chính toàn cầu. Tiếp tục lộ trình hội nhập tài chính trên cơ sở tự do hóa đồng Việt Nam và tự do hóa khoản vốn. Tiếp tục phát triển khu tài chính quận 1, Thủ Thiêm trở thành chuẩn tài chính về ngân hàng, fintech với thị trường vốn, thị trường giao dịch hàng hóa phái sinh xuyên biên giới và mang tính toàn cầu.