Nhiều thí sinh chủ quan
Theo thông tin từ Bộ GD&ĐT, tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển năm nay là 938.000 em, trong đó, tính đến ngày 5/8, mới có gần 40% số thí sinh đăng ký nguyện vọng lên hệ thống (xấp xỉ 375.000 em). Như vậy, 60% thí sinh chưa đăng ký hoặc chưa hoàn chỉnh quy trình đăng ký nguyện vọng lên hệ thống chính thức của Bộ.
Ban tuyển sinh- ĐH Việt Nhật (ĐHQGHN) tư vấn chọn ngành, nghề cho thí sinh
Thí sinh Nguyễn Hải Đăng, trú tại quận Thanh Xuân chia sẻ, em chọn đăng ký xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT. Với 21 điểm ở tổ hợp A00, em đủ điểm sàn vào một số trường ĐH, trong đó có nhiều khả năng đỗ vào các trường tốp giữa nên khá thoải mái tư tưởng. Từ hôm biết điểm thi đến giờ, em liên tiếp tham gia các chuyến du lịch, dã ngoại, do đó chưa nghiên cứu kỹ xem đặt nguyện vọng như thế nào; thậm chí em mới biết địa chỉ đăng ký xét tuyển chứ chưa thử truy cập vào bao giờ. “Còn hơn chục ngày nữa để đăng ký nên em không vội vàng gì. Trước mắt, em vừa đi chơi với gia đình, vừa nghiên cứu các trường và để sát ngày em mới đăng ký xét tuyển lên hệ thống”- Hải Đăng cho biết.
Chưa đăng ký nguyện vọng, đã đăng ký nhưng chưa ghi hết nguyện vọng, chưa biết đặt nguyện vọng thế nào hay chưa biết chọn ngành gì… là tâm lý không hiếm gặp của thí sinh tính đến thời điểm hiện tại. Thấu hiểu điều đó, PGS.TS Lê Đình Tùng – Trưởng phòng Quản lý đào tạo đại học- ĐH Y Hà Nội từng nhấn mạnh: Do số lượng thí sinh sử dụng kết quả thi THPT để xét tuyển đại học năm nay cao hơn năm 2021 nên để tránh quá tải hệ thống, sau khi tìm hiểu, các em hãy cân nhắc và đăng kí nguyện vọng sớm, không nên để dồn vào những ngày cuối cùng mới đăng ký”.
Còn PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho rằng, thí sinh không nên đợi đến cuối thời hạn mới đăng ký mà nên thực hiện trong 10 ngày đầu tháng 8, sau đó nếu điều chỉnh gì vẫn còn 10 ngày nữa để xem xét.
Tuy nhiên, theo GS.TS Trần Thị Vân Hoa, Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân thì thí sinh chỉ cần lưu ý đăng ký nguyện vọng đúng thời hạn theo quy định và cần chắc chắn các nguyện vọng đăng ký phù hợp với sở trường, khả năng, mong muốn, đặc biệt đảm bảo trên mức điểm sàn đã công bố của từng cơ sở đào tạo; tránh việc quên đăng ký, chưa hoàn thiện các bước đăng ký hoặc hết thời gian đăng ký rồi lại muốn thay đổi thứ tự nguyện vọng.
Nắm chắc nguyên tắc xét tuyển
Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Thu Thủy cho biết quy chế tuyển sinh và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT quy định không giới hạn số lần đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng là để tạo cơ hội tốt nhất cho thí sinh trúng tuyển. Việc đăng ký số lượng nguyện vọng và sắp xếp thứ tự các nguyện vọng trên hệ thống chung hoàn toàn do thí sinh quyết định. Các nguyện vọng của thí sinh đăng ký xét tuyển vào các ngành, các phương thức tuyển sinh ở tất cả các trường được xếp thứ tự từ 1 đến hết, trong đó nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất, ưu tiên nhất của thí sinh.
Thí sinh cần cân nhắc, tìm hiểu kỹ thông tin về các trường ĐH mình quan tâm trước khi đăng ký xét tuyển
PGS. TS Nguyễn Thu Thủy phân tích: Mỗi phương thức xét tuyển có một tỉ lệ chỉ tiêu tuyển nhất định. Nếu thí sinh đã đủ điều kiện trúng tuyển vào ngành mình yêu thích bằng phương thức xét tuyển sớm, nên đăng ký đó là nguyện vọng 1. Đồng thời không nên tập trung tất cả các nguyện vọng vào trường top đầu, những trường có mức độ cạnh tranh quá cao vì không cẩn thận sẽ có nguy cơ không đỗ trường nào. Năm nay, mỗi thí sinh chỉ được trúng tuyển một nguyện vọng và không xảy ra tình trạng thí sinh trúng tuyển nhiều ngành, nhiều trường khác nhau như trước.
Với các thí sinh biết mình đủ điều kiện trúng tuyển bằng xét học bạ, đánh giá năng lực… nhưng nếu không xác nhận bằng cách đăng ký lại nguyện vọng trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung thì xem như thí sinh đó không trúng tuyển. Ngoài ra, nếu thí sinh đã được thông báo trúng tuyển 1 nguyện vọng trên hệ thống thì các nguyện vọng sau đó đều không còn giá trị.
“Thí sinh cần cân nhắc kỹ khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển và phải thực hiện đúng, đủ, hết quy trình đăng ký xét tuyển. Nếu bỏ dở quy trình, hệ thống sẽ không cập nhật và không nhận thông tin đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng của thí sinh” PGS.TS Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh.
Khi thí sinh chưa xác nhận số lượng, thứ tự nguyện vọng hoặc chưa nộp lệ phí xét tuyển, hệ thống chưa chấp nhận việc đăng ký nguyện vọng của thí sinh. Để có đủ thông tin xét tuyển, thí sinh cần tìm hiểu kỹ đề án tuyển sinh của các trường ĐH mình quan tâm nhằm đảm bảo không bị nhầm lẫn khi đăng ký nguyện vọng.
Thêm một điều cần nhắc lại, đó là trong thông báo của các trường đều lưu ý thí sinh phân biệt điểm sàn và điểm chuẩn. Thí sinh bắt buộc nắm rõ các bước và các nguyên tắc xét tuyển. Khi đã tìm hiểu, cân nhắc kỹ thì cần kiên định với suy nghĩ, nguyện vọng của mình, tránh việc thay đổi liên tục dễ gây bất ổn tâm lý, mất phương hướng, mất chính kiến dẫn đến việc chọn sai trường, sai ngành, sai nghề khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT: Từ ngày 22/7 đến 17 giờ ngày 20/8, thí sinh thực hiện các quy trình đăng ký nguyện vọng lên hệ thống của Bộ GD&ĐT. Từ ngày 21 đến 17 giờ ngày 28/8, thí sinh phải vào hệ thống của Bộ để xác nhận số lượng, thứ tự nguyện vọng và nộp lệ phí xét tuyển theo số lượng nguyện vọng đã đăng ký. Khi chưa xác nhận số lượng, thứ tự nguyện vọng hoặc chưa nộp lệ phí xét tuyển thì hệ thống chưa chấp nhận việc đăng ký nguyện vọng của thí sinh.
Theo Tieudung.vn