Ngày 25-10, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức tăng trần lãi suất tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng từ 0,5%/năm lên 1%/năm; đồng thời tăng trần lãi suất đối với tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 5%/năm lên 6%/năm theo quyết định công bố vào tối 24-10.
Mức tăng không lớn
Đây là lần thứ 2 liên tiếp trong vòng hơn 1 tháng qua, NHNN điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi tối đa VNĐ cho các kỳ hạn dưới 6 tháng.
Ngoài ra, đợt này NHNN còn tăng các mức lãi suất điều hành thêm 1 điểm % trong bối cảnh lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã 5 lần điều chỉnh tăng lãi suất mục tiêu lên 3%-3,25%/năm và dự báo còn tiếp tục tăng trong các tháng cuối năm 2022 và năm 2023. Đồng thời, đồng USD lên giá mạnh, gia tăng áp lực lên mặt bằng lãi suất và tỉ giá trong nước, tạo sức ép lên lạm phát.
Lãi suất huy động kỳ hạn dài ở nhiều ngân hàng đã vượt mốc 8%/năm
Theo ghi nhận của phóng viên, trong ngày 25-10, chỉ một số ít NH thương mại điều chỉnh lãi suất tiền gửi. Cụ thể, VietinBank công bố biểu lãi suất tiền gửi mới với lãi suất 4,4%/năm cho kỳ hạn từ 3 tháng đến dưới 6 tháng và 6,4%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. Lãnh đạo VietinBank cho hay tuy NHNN tăng lãi suất điều hành thêm 1 điểm % nhưng các mức lãi suất mới của NH tăng không đáng kể so với biểu lãi suất cũ.
“Huy động vốn của NH đang rất dồi dào, mức độ cạnh tranh lãi suất trên thị trường không gay gắt nhưng chúng tôi vẫn luôn theo dõi sát diễn biến của thị trường để điều chỉnh lãi suất tiền gửi phù hợp nhằm duy trì mối quan hệ lâu dài với khách hàng” – đại diện NH này cho hay.
Sacombank cũng thông báo nâng lãi suất kỳ hạn tiền gửi online 1 tháng lên 5,6%/năm, kỳ hạn 5 tháng đụng mức trần 6%/năm, kỳ hạn 6 tháng 7%/năm, kỳ hạn 12 tháng 7,3%/năm. Một số NH khác công bố biểu lãi suất mới vào cuối ngày và áp dụng từ ngày 26-10.
Trong khi đó, tỉ giá USD/VNĐ ngày 25-10 đã biến động chậm lại so với những ngày trước. Theo đó, tỉ giá trung tâm được NHNN niêm yết ở mức 23.703 đồng/USD, chỉ tăng 3 đồng/USD so với hôm trước. Giá USD ở các NH thương mại cũng ghi nhận mức tăng tương tự được niêm yết quanh 24.750 đồng/USD mua vào, 24.888 đồng/USD bán ra. Riêng giá USD tại các điểm thu đổi vẫn bị đẩy lên khá cao, với 25.180 đồng/USD mua vào và 25.280 đồng/USD bán ra, tăng 140 đồng/USD so với hôm trước.
Nhận định về việc tăng lãi suất đầu vào, TS Nguyễn Văn Thuận (Trường ĐH Tài chính – Marketing) cho rằng động thái này có thể gây áp lực lên chi phí huy động vốn của các NH thương mại, trong khi lãi suất cho vay có thể không tăng tương ứng. Do đó, biên độ lãi ròng (NIM) của ngành NH có thể sẽ suy giảm trong các tháng cuối năm 2022. Chỉ những NH có tỉ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cao sẽ chống chịu tốt hơn trước tác động gia tăng chi phí huy động vốn.
“Riêng tỉ giá VNĐ/USD từ đầu năm 2022 đến nay đã tăng 5%-7% nhưng vẫn ngang bằng và có thời điểm thấp hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm nên yếu tố này có thể kích thích người dân gửi tiết kiệm, tạo điều kiện cho NHNN ổn định tỉ giá hối đoái trong thời gian tới nhằm hạn chế đà tăng của lạm phát” – ông Thuận nói.
Có thể ảnh hưởng lãi vay
Tuy vậy, sức ép lãi suất, tỉ giá đang gây tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất – kinh doanh, đầu tư của các doanh nghiệp (DN) và nền kinh tế. TS Lê Quang Minh, Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, cho biết ông có quan điểm thận trọng đối với việc tăng lãi suất điều hành. Trước dịch COVID-19, việc huy động vốn khá dễ dàng thông qua phát hành trái phiếu và cổ phiếu đã giúp nhiều DN có được nguồn vốn dồi dào với chi phí vốn tương đối rẻ.
Nhờ nguồn vốn rẻ này mà hoạt động sản xuất – kinh doanh có vẻ tích cực, trong đó có lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, khi nguồn vốn không còn rẻ nữa, kèm với việc huy động trở nên khó khăn thì một phần của “tảng băng chìm” bắt đầu xuất hiện. Do đó, việc tăng lãi suất lần này sẽ không dễ dàng với các DN khi chi phí đầu vào tăng trong bối cảnh nhiều DN bắt đầu đuối sức về dòng tiền hoạt động, dòng tiền tài chính.
Theo TS Lê Quang Minh, việc FED 5 lần tăng lãi suất cơ bản từ đầu năm đến nay đã tác động tới sức ép tăng lãi suất của Việt Nam. “Việc tăng giá của đồng USD thời gian qua cũng gây sức ép lên kinh tế trong nước trong ngắn hạn. Bởi Việt Nam có một nền kinh tế mở; khi USD lên giá, chi phí nhập khẩu nguyên liệu sẽ tăng nhanh tương ứng, nếu NHNN không kịp thời điều chỉnh tỉ giá, nhu cầu ngoại tệ sẽ tăng lên nhanh chóng để nhập khẩu nguyên phụ liệu với kỳ vọng nhập khẩu đủ số lượng trước khi NHNN tăng tỉ giá. Trong ngắn hạn, nhu cầu USD tăng đột biến trong khi nguồn cung gần như không đổi nên dự trữ ngoại tệ của Việt Nam cũng vơi đáng kể” – TS Lê Quang Minh phân tích.
TS Nguyễn Hữu Huân, Trường ĐH Kinh tế TP HCM, nhìn nhận việc lãi suất huy động tăng sẽ góp phần khiến lãi suất cho vay tăng theo bởi chi phí đầu vào của các NH thương mại nhích lên nhưng hạn mức (room) tín dụng lại không còn nhiều. Một rủi ro đối với các NH thương mại trong bối cảnh này là nợ xấu sẽ tăng.
Theo chuyên gia này, trong bối cảnh lãi suất không còn rẻ thì cả DN và người dân đều phải thích nghi với tình hình mới. Cụ thể, các DN cần cân nhắc chiến lược kinh doanh sắp tới – đa dạng hóa nguồn thu nhập, cắt giảm các chi phí chưa thật sự cần thiết đồng thời đánh giá chi phí sử dụng vốn sẽ gia tăng để có phương án lựa chọn cho hoạt động kinh doanh, sản xuất phù hợp.
“Những phương án trước đây khả thi, nay có thể không còn phù hợp nên phải tính toán lại. Trong bối cảnh hiện tại, bài toán vừa ổn định vĩ mô vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là rất khó, buộc phải có sự đánh đổi nên tăng lãi suất và tỉ giá là biện pháp bắt buộc của NHNN. Tuy nhiên, NHNN vẫn có thể tung ra các gói hỗ trợ lãi suất cho DN xuất khẩu, du lịch quốc tế…
Các DN này sẽ tăng cường xuất khẩu, thu hút du khách nước ngoài để thu được nguồn ngoại tệ về bù đắp việc thiếu hụt ngoại tệ hiện tại. Đây là biện pháp “một mũi tên trúng 2 đích”. Khi đó, xuất khẩu và thu hút khách du lịch quốc tế sẽ thu được ngoại tệ để ổn định tỉ giá và có thể “xuất khẩu” lạm phát” – TS Nguyễn Hữu Huân phân tích.
Mong lãi suất ổn định
Giám đốc một DN chế biến thực phẩm tại TP HCM cho biết ngay sau khi biết thông tin NHNN tăng trần lãi suất 1 điểm %, đã lập tức rà soát các khoản vay của công ty, đồng thời tìm đọc các thông tin liên quan chính sách tiền tệ của Việt Nam, diễn biến đồng USD, dự báo điều hành lãi suất của FED nhằm chủ động tính toán giải pháp ứng phó. “100% nguồn tiền ngắn hạn lẫn trung hạn của DN là vốn vay nên lãi suất càng tăng DN càng “mệt” vì đang trong lúc khó khăn bủa vây, chi phí vốn cho sản xuất tăng lên đồng nghĩa với áp lực duy trì hiệu quả hoạt động càng lớn” – giám đốc này than thở.
Trong khi đó, ông Nguyễn Khoa Luân, Giám đốc Công ty Ảnh Việt Hop On – Hop Off Việt Nam (chủ đầu tư xe buýt 2 tầng), cho biết ông vừa nộp hồ sơ để hưởng gói hỗ trợ lãi suất 2% tại NH thương mại, chưa biết có tiếp cận được hay không thì nay lại nghe tăng lãi suất nên rất lo lắng. Bởi du lịch chỉ mới phục hồi thị trường nội địa, trong khi khách quốc tế chưa trở lại nhiều. Nếu lãi suất cho vay và tỉ giá cùng tăng sẽ khiến chi phí đầu vào của DN đội lên, nguy cơ kém cạnh tranh so với các nước trong khu vực. “Tôi đang rất kỳ vọng được hưởng lãi suất cho vay 2% từ gói hỗ trợ của ngân sách, nếu nay mặt bằng lãi vay nhích lên thì cuối cùng DN không được lợi nhiều. Do đó, ngành du lịch rất cần chính sách hỗ trợ để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay trong giai đoạn này” – ông Luân nói.
Ông Trần Văn Trường, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Quốc tế Hải sản Hoàng Gia (TP HCM), cho biết DN chuyên nhập khẩu và phân phối hải sản cao cấp, mấy ngày nay cũng rất “đau đầu” về chuyện tỉ giá USD tăng, nay lại thêm thông tin tăng trần lãi suất huy động có thể kéo lãi suất vay tăng theo. “DN nào cũng phải vay vốn và chúng tôi là đơn vị nhập khẩu, thanh toán bằng USD nên bị tác động càng lớn. Hiện tại, DN tiếp tục “chịu đựng” để theo dõi thị trường chứ chưa có kế hoạch tăng giá vì lo doanh thu giảm. Ngành hải sản, dịch vụ ăn uống đang hồi phục sau dịch nên DN cố gắng giữ giá để duy trì sức mua. Chúng tôi kỳ vọng lãi suất và mức tỉ giá này sẽ được duy trì lâu dài để ổn định kinh doanh, nếu tiếp tục đà tăng sẽ vượt ngưỡng chịu đựng của nhiều DN” – ông Trường bày tỏ.
|
THÁI PHƯƠNG (theo NLĐ)