Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Tín dụng bất động sản tiềm ẩn rủi ro

04/11/2022 05:59 Chiều

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, tín dụng bất động sản tiềm ẩn rủi ro vì yêu cầu về tín dụng đối với lĩnh vực này thường dài hạn và với số tiền lớn.

Theo Thống đốc, có thể nói rằng thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh có một vai trò rất quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế – xã hội, góp phần phát triển và thay đổi diện mạo đô thị, góp phần phát triển nhà ở xã hội để đảm bảo an sinh xã hội.

Thị trường bất động sản phát triển cần huy động nhiều nguồn lực từ các kênh, như nguồn vốn từ đầu tư trực tiếp, nguồn vốn từ thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, từ ngân sách nhà nước, vốn tự có của doanh nghiệp và người dân. Vốn tín dụng chỉ là một trong các kênh vốn để phát triển thị trường bất động sản.

Ảnh minh họa
Bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giải trình tại phiên chất vấn. Ảnh: Phạm Thắng. 

Cũng theo Thống đốc, việc điều hành tín dụng của Ngân hàng nhà nước phải lấy mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, đó là góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống, cũng như đảm bảo ổn định được thị trường tiền tệ và ngoại hối.

“Trong điều kiện ưu tiên kiểm soát lạm phát, ưu tiên đảm bảo an toàn hệ thống thì việc mở rộng tín dụng cho thị trường bất động sản sẽ gây khó khăn cho Ngân hàng Nhà nước trong việc đạt được mục tiêu chính sách tiền tệ, chưa nói đến là sẽ đi ngược lại mục tiêu của chính sách tiền tệ. Chính vì vậy, điều hành tín dụng cũng cần phải cân nhắc hết sức thận trọng”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chia sẻ.

Bà Hồng cũng nhấn mạnh, sự an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng rất quan trọng. Ngân hàng xét thấy tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản là lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Người đứng đầu ngành Ngân hàng giải thích, rủi ro ở đây không phải là rủi ro tín dụng, không phải rủi ro là dự án đó không trả được nợ, kể cả một dự án hoạt động có hiệu quả, có đủ điều kiện vay vốn, nhưng vì yêu cầu về tín dụng đối với bất động sản thường dài hạn và với số tiền lớn. Với đặc tính huy động vốn của các tổ chức tín dụng thường là ngắn hạn, cho nên khi cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, các tổ chức tín dụng nếu không kiểm soát tốt thì sẽ đối mặt với những rủi ro về thanh khoản, khi người dân đến thì các tổ chức tín dụng sẽ khó khăn về chi trả.

Chính vì vậy, trong quá trình kiểm soát thì Ngân hàng Nhà nước đã không kiểm soát bằng các biện pháp trực tiếp mà kiểm soát bằng các biện pháp gián tiếp. Các văn bản quy định của Ngân hàng Nhà nước thì quy định theo hướng kiểm soát rủi ro, ví dụ những khoản cho vay đối với kinh doanh bất động sản áp dụng hệ số điều chỉnh rủi ro là 200% và đối với những khoản cho vay mua nhà nếu như với giá trị trên 4 tỷ đồng sẽ áp dụng một hệ số rủi ro là 150%. Trong khi đó, đối với những khoản cho vay nhà ở xã hội nếu khoản vay dưới 1,5 tỷ đồng áp dụng hệ số rủi ro dưới 50%. Như vậy, chính sách của Ngân hàng Nhà nước hướng đến ưu tiên đối với cấp tín dụng những khoản cho vay đối với các nhà ở phân khúc thấp.

Đối với tín dụng cho nhà ở xã hội, bà Hồng cũng cho biết, hiện nay Chính phủ cũng quan tâm và đã có Nghị định 100 ban hành năm 2015 và năm 2021 sửa bằng Nghị định 49, trong đó có giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay nhà ở xã hội và giao cho các tổ chức tín dụng được chỉ định. Đối với Ngân hàng Chính sách xã hội là đơn vị được thực hiện theo Nghị định đến nay đã giải ngân với doanh số là 10.584 tỷ đồng và dư nợ đến 30/9 là 9.147 tỷ đồng. Đối với các tổ chức tín dụng được chỉ định trong Nghị định này, hiện nay chưa giải ngân được là bởi vì tiền cấp bù lãi suất cũng chưa được bố trí cho các tổ chức tín dụng, cho nên các tổ chức tín dụng cũng chưa thực hiện cho vay đối với chương trình theo Nghị định 100 này.

“Trong thời gian tới, có thể nói chính sách điều hành tín dụng của Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ nằm trong khuôn khổ điều hành chính sách tiền tệ để kiên định đối với mục tiêu góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội cũng như đảm bảo an toàn hệ thống. Đối với các công cụ, giải pháp của tín dụng chúng tôi sẽ cân nhắc vào trong tổng thể các công cụ, giải pháp khác để làm sao đạt được mục tiêu của chính sách tiền tệ”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.

Nguồn: doanhnghiephoinhap.vn

Cùng chuyên mục

Tín dụng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh tăng đột biến

27/04/2022 09:19 Chiều

Tăng trưởng tín dụng 4 tháng đầu năm trên địa bàn TP Hồ Chí Minh ước đạt 7%, tốc độ tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ nhiều năm trước đây.

Tỷ giá USD bất ngờ đảo chiều giảm mạnh

25/09/2021 07:01 Sáng

Tỷ giá USD hôm nay 24/9 bất ngờ giảm do Fed có những động thái duy trì sự hồi phục của nền kinh tế Mỹ và những dòng tiền mạnh mẽ đổ vào thị trường chứng khoán.

Ứng phó khi lãi suất, tỉ giá tăng

29/10/2022 12:00 Sáng

Trong bối cảnh lãi suất không còn rẻ, các doanh nghiệp cần cân nhắc chiến lược kinh doanh sắp tới...

Kịch bản nào cho chính sách tiền tệ của Mỹ trong thời gian tới

18/10/2021 07:01 Sáng

Tại Mỹ, cuộc tranh luận bàn về các mục tiêu và các yếu tố nên được xem xét để ra quyết định chính sách tiền tệ nào nên được sử dụng đang thu hút sự chú ý của nhiều người. Sự quan tâm còn bao gồm đến câu hỏi rằng liệu sự thịnh vượng ở Mỹ có thể duy trì bền vững hay không; ai sẽ là người lãnh đạo Fed vào năm 2022 và các giai đoạn sau này.

TP HCM: Ngân hàng giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường

07/04/2022 09:25 Chiều

Các ngân hàng xem xét giảm lãi suất cho vay để tiết giảm chi phí tài chính sản xuất kinh doanh và cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho những khoản vay bị ảnh hưởng Covid-19. Các ngân hàng nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát nợ xấu đảm bảo an toàn hệ thống giao dịch thông suốt.

Đối tác