Tới tháng 10/2022, XK tôm đạt gần 3,8 tỷ USD, tăng 19%. XK tôm năm 2022 dự kiến đạt trên 4,4 tỷ USD, tăng 14% so với năm 2021. Sản phẩm tôm XK chính là tôm chân trắng, chiếm 75% với khoảng trên 3,2 tỷ USD, tôm sú chiếm khoảng 13% với gần 1,5 tỷ USD.
Năm 2022, lạm phát và xung đột Nga – Ukraine đã giúp cho loài cá thịt trắng có giá vừa phải như cá tra tăng mạnh doanh số XK đi các thị trường. Đa số các thị trường đều tăng từ 40 – 200% NK cá tra của Việt Nam.
XK cá tra tính đến cuối tháng 10/2022 đạt gần 2,2 tỷ USD, tăng 80% so với cùng kỳ năm 2021. Dự kiến cả năm 2022, XK cá tra sẽ đạt trên 2,5 tỷ USD, tăng 58% so với năm 2021.
XK cá ngừ tính đến hết tháng 10 ước đạt 890 triệu USD, tăng 50% so với cùng kỳ. Năm 2022, lần đầu tiên cá ngừ trở thành ngành hàng XK trên 1 tỷ USD.
Tận dụng nguồn nguyên liệu trong nước và NK, các doanh nghiệp cá ngừ chế biến đa dạng sản phẩm và đẩy mạnh XK cá ngừ loin/phile đông lạnh và cá hộp sang các thị trường và linh hoạt theo xu hướng thị trường trong giai đoạn Covid cũng như lạm phát…
Tính tới tháng 10/2022, các sản phẩm mực – bạch tuộc XK đã đạt doanh số 625 triệu USD, tăng 32%. Ước tính cả năm 2022, XK sản phẩm này sẽ đạt 734 triệu USD, tăng 22% so với năm 2021.
Theo kết quả trên, ước tính đến cuối tháng 11, XK thuỷ sản Việt Nam sẽ đạt hơn 10 tỷ USD – mốc kỷ lục lịch sử ngành thuỷ sản Việt Nam sau hơn 20 năm tham gia vào thị trường thế giới.
Năm 2022, ước tính ngành thuỷ sản chiếm 3% tổng XK hàng hoá của Việt Nam. So với tổng kim ngạch XK khu vực kinh tế trong nước, ngành thuỷ sản đóng góp gần 12% giá trị. Trong khi tỷ trọng của nhóm hàng nông lâm thuỷ sản nói chung đang bị giảm 0,6% điểm thì ngành hàng thuỷ sản tăng 0,4% điểm, cho thấy sự bứt phá và vai trò ngày càng quan trọng của ngành thuỷ sản trong chỉ số GDP của cả nước, đặc biệt trong ngành hàng nông lâm thuỷ sản XK.
Theo Tapchicongthuong