Đây là tín hiệu đáng mừng cho nhà vườn ở Sóc Trăng bởi mặt hàng nông sản của địa phương đã dần khẳng định được thương hiệu của mình trên thị trường quốc tế.
Theo ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng, nhằm phát triển diện tích cây ăn trái đặc sản của tỉnh bền vững, gắn thị trường tiêu thụ, tỉnh Sóc Trăng đang thực hiện quy hoạch các vùng sản xuất cây ăn trái chuyên canh tập trung dựa trên thế mạnh đất đai và khí hậu của từng địa phương; xây dựng và phát triển mạng lưới cung cấp giống cây ăn trái có chất lượng cao. Xây dựng chuỗi liên kết giá trị sản phẩm, tạo mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ hàng nông sản ở địa phương, nhất là xây dựng mã Code cho vùng trồng vú sữa tím…
Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh Sóc Trăng có trên 28.500 ha cây ăn trái, trong đó, tập trung nhiều nhất tại huyện Kế Sách, với diện tích hơn 18.000 ha. Sóc Trăng đã quy hoạch được 20 vùng trồng đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP. Để đảm bảo tiêu thụ và chế biến sản phẩm trái cây ổn định, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục phối hợp đơn vị liên quan quảng bá sản phẩm của tỉnh đến nhiều doanh nghiệp, công ty với mục tiêu mở rộng thị trường trong và ngoài nước. Tổ chức liên kết sản xuất và xây dựng mã số vùng trồng đáp ứng nhu cầu xuất khẩu vào các thị trường có yêu cầu cao như: Mỹ, châu Âu..
Theo baodansinh.vn