Tốc độ truy cập internet Việt Nam dần trở lại trạng thái bình thường

14/03/2023 04:08 Chiều

Với nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp viễn thông và cơ quan quản lý, chất lượng dịch vụ internet được đánh giá là đang trở về trạng thái bình thường.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Trưởng phòng Phát triển hạ tầng (Cục Viễn thông) Nguyễn Tiến Sơn cho biết, sau khi các nhà mạng mua thêm nhiều dung lượng cáp quang đất liền kết nối đi quốc tế thì chất lượng dịch vụ internet đang trở về trạng thái bình thường.

Ông Nguyễn Tiến Sơn cho biết thêm, ngay khi sự cố về 5 tuyến cáp quang biển xảy ra, Bộ TT&TT đã họp với các doanh nghiệp viễn thông có sở hữu dung lượng tuyến cáp kết nối quốc tế bàn biện pháp xử lý, bảo đảm chất lượng dịch vụ viễn thông và internet kết nối quốc tế. Hỗ trợ ứng cứu khẩn cấp ngay khi chưa hoàn tất thủ tục bổ sung dung lượng, các doanh nghiệp đã chia sẻ dung lượng kết nối đi quốc tế cho nhau, đồng thời khẩn trương mua thêm dung lượng cáp quang quốc tế trên đất liền.

Bộ TT&TT cũng yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông phải có đảm bảo dự phòng tối thiểu 10% dung lượng nhằm giữ ổn định chất lượng dịch vụ viễn thông và internet đi quốc tế cung cấp cho khách hàng, nhanh chóng phối hợp với đối tác quốc tế để khôi phục cáp quang biển.

Hiện nước ta có khoảng 70.000 doanh nghiệp công nghệ số, hơn 1 triệu công ty ứng dụng công nghệ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Việc internet đi quốc tế bị tắc nghẽn ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của doanh nghiệp. Theo Cục Viễn thông, Bộ TT-TT, sự cố cáp quang biển lần này khiến 75% dung lượng internet Việt Nam đi quốc tế qua cáp quang biển bị ảnh hưởng. Không chỉ Việt Nam mà các quốc gia trong khu vực châu Á đều bị ảnh hưởng khi sự cố xảy ra. Trong bối cảnh đó, Bộ TT-TT quyết liệt chỉ đạo các doanh nghiệp mở ứng cứu hỗ trợ nhau về băng thông đất liền, đặt lợi ích của người dùng internet Việt Nam lên trên hết.

Chỉ tính riêng VNPT đã mở bổ sung thêm 800Gbps cáp đất liền và tiếp tục mở trong thời gian tới.

“Việc phải mua thêm dung lượng lớn trong thời gian gấp sẽ chịu chi phí rất cao, nhưng đây là vấn đề bắt buộc phải xử lý để đảm bảo chất lượng dịch vụ viễn thông và Internet Việt Nam”, ông Nguyễn Tiến Sơn nói.

Đại diện VNPT cho biết, nhằm khắc phục sự cố cáp quang biển liên tục đứt, VNPT đã bổ sung kênh cáp đất liền và tiến hành nhiều giải pháp san tải lưu lượng giữa các hướng kết nối và các dịch vụ, phối hợp với đối tác cung cấp dịch vụ/ứng dụng quốc tế,tối ưu chất lượng streaming, ưu tiên lưu lượng theo khung giờ và dịch vụ.

Đại diện Viettel cho hay, họ đã áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật và mở thêm dung lượng đi quốc tế nên đảm bảo chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách hàng.

Theo đánh giá của các nhà mạng, nâng dung lượng kết nối đi quốc tế trên đất liền giúp cải thiện chất lượng dịch vụ Internet khi tuyến cáp quang biển gặp sự cố. Việc các doanh nghiệp viễn thông tăng cường mua thêm dung lượng tuyến cáp trên đất liền sẽ giải được bài toán chất lượng Internet của Việt Nam đi quốc tế. Đây là nỗ lực rất lớn nhằm xử lý sự cố cáp quang biển vì các doanh nghiệp phải mua dung lượng cáp trên đất liền với giá rất cao để đảm bảo chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách hàng. Kết quả là giảm nhiều sự than phiền của người dùng về chất lượng dịch vụ Internet.

Hiện 4/5 tuyến cáp quang biển đã có lịch sửa chữa. Cụ thể, sự cố trên nhánh S6 của tuyến cáp APG sẽ được khắc phục vào khoảng thời gian từ ngày 22/3/2023 đến 27/3/2023; lỗi trên nhánh S9 hướng kết nối đi Singapore và Nhật Bản của tuyến cáp này được sửa chữa từ ngày 5/4/2023 đến 9/4/2023.

Các sự cố xảy ra trên tuyến cáp biển AAG vào tháng 2/2022 và tháng 6/2022 sẽ được khắc phục trong khoảng thời gian 26/2/2023 đến ngày 15/4/2023.

Sự cố trên tuyến IA hướng Singapore dự kiến được sửa từ 5/4 đến 13/4/2023. Theo đó, đến khoảng giữa tháng 4, đầu tháng 5 dung lượng Internet đi quốc tế sẽ được khôi phục hoàn toàn.

Thời gian qua, trước tình hình chất lượng internet bị ảnh hưởng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã giao Cục Viễn thông làm việc với các doanh nghiệp viễn thông để xây dựng quy hoạch tuyến cáp quang biển Việt Nam, thúc đẩy nhanh thêm một số tuyến cáp quang biển kết nối đi quốc tế nhằm bảo đảm vai trò dẫn dắt, làm chủ của Việt Nam. Trong bất kỳ phương án nào (có hoặc không có sự tham gia của đối tác nước ngoài), doanh nghiệp Việt phải giữ vị trí đứng đầu, đại diện nhóm đầu tư, liên doanh tiến hành xây dựng tuyến mới. Dự kiến, đến năm 2025 Việt Nam sẽ có tối thiểu 10 tuyến cáp quang biển đi quốc tế.

Theo Doanhnghiephoinhap.vn

Cùng chuyên mục

Bộ TT&TT hướng dẫn 6 giải pháp phục hồi nhanh sau sự cố tấn công mạng

04/07/2024 08:10 Sáng

Bộ TT&TT vừa hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp 6 giải pháp trọng tâm để tăng cường hiệu quả, đảm bảo an toàn hệ thống thông tin và phục hồi nhanh hoạt động sau sự cố tấn công mạng.

Tắt ngay tính năng này trên Telegram nếu không muốn bị malware lấy hết tiền trong ví điện tử

05/01/2022 08:05 Sáng

Lợi dụng tính năng tự động tải xuống của Telegram, một malware độc hại đang xuất hiện trên internet để lấy trộm tiền trong ví điện tử phi tập trung của người dùng.

Quy chế hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số

04/03/2022 02:49 Chiều

Ngày 3/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định 24/QĐ-UBQGCĐS ban hành Quy chế hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số.

Windows 11 bổ sung nhiều tính năng mới

21/02/2022 03:24 Sáng

Microsoft phát hành bản cập nhật lớn đầu tiên cho Windows 11 với nhiều tính năng mới.

“An toàn thông tin về Trí tuệ nhân tạo – AI” với cuộc sống con người

28/05/2022 09:05 Chiều

Ngày 27/5/2022, tại TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội thảo “An toàn thông tin về Trí tuệ nhân tạo - AI”. Chương trình do Chi Hội An toàn Thông tin Phía Nam (VNISA) phối hợp cùng Công ty Cổ phần Dịch vụ Di động trực tuyến M_Service (Momo) cùng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TP.HCM tổ chức.

Đối tác