Thiếu vốn, thiếu đơn hàng, thu hẹp sản xuất
Trong quí I/2023, cả nước có đến 60.241 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, cùng thời gian trên số doanh nghiệp thành lập chỉ hơn 33.900 doanh nghiệp. Số doanh nghiệp rời thị trường nhiều gần gấp đôi số doanh nghiệp mới thành lập cho thấy doanh nghiệp đang rất khó khăn.
Tổng Giám đốc Việt Thắng Jeans Phạm Văn Việt cho biết, ngành dệt may đang giảm 19% lượng đơn hàng xuất khẩu so với cùng kỳ, trong đó thị trường Mỹ và EU giảm khoảng 40%, thị trường Nhật giảm 17%. Do đó, những khoản nợ cũ đã đến hạn hoặc chuẩn bị đáo hạn đang là một áp lực rất lớn đối với doanh nghiệp dệt may.
Phó Chủ tịch Hội Da giày Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Khánh cũng cho biết, nhiều doanh nghiệp phải giãn, giảm giờ làm, thậm chí phải đóng cửa tạm thời do các thị trường truyền thống đều giảm mạnh nhu cầu, đơn hàng giảm.
“Chúng tôi đang gặp khó ở nhiều phía. Sức mua nội địa èo uột, các đơn hàng xuất khẩu ở các thị trường chính là Anh, Mỹ ngày càng teo tóp. Trong khi đó, đối tác nhập khẩu của công ty tại Anh liên tục gặp khó và đã phá sản trong quý I năm nay. Trong khi đó, các doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu đầu vào cho công ty lại cạn vốn nên họ ưu tiên thu hồi công nợ. Từ đầu năm đến nay có lúc chúng tôi cũng phải dừng hoạt động 7-10 ngày vì các công đoạn sản xuất không đủ nguyên liệu đầu vào hoặc thiếu đơn hàng” – Tổng Giám đốc Công ty CP gỗ Việt Âu Mỹ Nguyễn Thanh Tuấn bộc bạch.
Với ngành xây dựng, Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội SACA (Hiệp hội xây dựng và Vật liệu xây dựng) Đinh Hồng Kỳ cho biết, qua khảo sát của hiệp hội có đến 40% doanh nghiệp trong ngành xây dựng, vật liệu xây dựng, trang trí nội ngoại thất hoạt động “thoi thóp”, thậm chí tê liệt hoặc ngừng hoạt động.
Báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, có 8 ngành nghề kinh doanh đang trong vòng vây khó khăn. Ngoài bị thua lỗ, giảm đơn hàng, nhiều đơn vị đang đứng trước nguy cơ phá sản. Không chỉ xuất khẩu gặp khó mà nhu cầu tiêu thụ nội địa cũng giảm mạnh khiến hàng loạt doanh nghiệp rơi vào tình cảnh khó khăn, thiếu đơn hàng nên phải thu hẹp sản xuất, thậm chí đóng cửa, hàng ngàn lao động mất việc.
Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn, đánh giá cộng đồng doanh nghiệp đang đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức liên quan đến thủ tục đất đai, tiếp cận vốn tín dụng. Cụ thể, liên quan đến vấn đề tiếp cận đất đai, ông Tuấn cho biết, có đến 42,9% doanh nghiệp cho biết không mở rộng sản xuất, kinh doanh do gặp khó khăn về tiếp cận đất đai và hy vọng điều này sẽ được “hóa giải” khi Luật Đất đai (sửa đổi) được ban hành.
Liên quan đến vấn đề tiếp cận vốn tín dụng, theo ông Tuấn, đây là khó khăn hàng đầu mà cộng đồng doanh nghiệp đang phải trải qua. Dù thời gian qua Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách tiếp cận vốn, nhưng tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận được vốn ngân hàng là rất ít và đang có xu hướng giảm. Đáng chú ý là tình hình tiếp cận vốn vay và lãi suất hiện nay cần phải cải thiện hơn nữa. Theo TS Lê Đăng Doanh, một số ngân hàng đã giảm lãi suất huy động xuống dưới mức 9%, nhưng có doanh nghiệp phản ánh họ đang phải vay vốn với mức lãi suất từ 10 – 12%, cao hơn chỉ số giá cả đến 2,5 lần.
Ngoài ra, doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng và giữ chân người lao động. Doanh nghiệp cũng gặp trở ngại không ít trong việc chấp hành pháp luật kinh doanh. Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương). Các điểm chưa được như kỳ vọng là tình trạng phiền hà, nhũng nhiễu vẫn phổ biến với một số lĩnh vực thủ tục hành chính. Các lĩnh vực thủ tục hành chính phiền hà nhất theo cảm nhận của doanh nghiệp là thuế/phí, giải phóng mặt bằng, phòng cháy chữa cháy và xây dựng.
Dự báo trong thời gian tới, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp vẫn đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức do tác động của xung đột Nga – Ukraine và khủng hoảng năng lượng, vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng, giá nguyên vật liệu tăng cao, thị trường chưa phục hồi…
Gấp rút giảm thuế, giữ nguyên nhóm nợ cho doanh nghiệp
Công điện số 238/CĐ-TTg ngày 10/4/2023 về thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tập trung chỉ đạo quyết liệt, hướng dẫn xử lý, tháo gỡ khó khăn vướng mắc theo thẩm quyền về pháp lý, về thủ tục hành chính, về tiếp cận vốn, về điều kiện kinh doanh, về thanh khoản ngân hàng, về nợ và thuế, phí, lệ phí… để hỗ trợ doanh nghiệp.
Nghị định 12/2023/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành quy định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất năm 2023, có hiệu lực từ ngày 14/4. Thời gian gia hạn 3 – 6 tháng tùy theo khoản tiền thuế. Theo đó, các doanh nghiệp đánh giá đây là giải pháp hỗ trợ kịp thời trong bối cảnh kinh doanh đang hết sức khó khăn. Bộ Tài chính ước tính tổng số tiền và tiền thuê đất dự kiến được gia hạn trong năm nay là 110.000 tỷ đồng, sẽ góp phần giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh.
Để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện nay, việc giãn, hoãn và giữ nguyên nhóm nợ là cấp bách. Ảnh minh họa
Trong bối cảnh sức mua giảm, giải pháp cần tăng cường kịp thời là kích cầu, hỗ trợ cho người tiêu dùng. Vụ Chính sách Thuế – Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) trong năm 2023 với hai phương án. Phương án 1 là giảm 2% mức thuế giá trị gia tăng đối với nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng mức thuế suất 10% còn 8%. Phương án 2 là giảm 2% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ như đã áp dụng trong năm 2022. Theo Bộ Tài chính, tổng số thuế miễn, giảm trong năm 2022 ước khoảng 50.200 tỷ đồng đã hỗ trợ đáng kể cho doanh nghiệp và người dân.
“Việc tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng sẽ mang lại kết quả tích cực, hiệu quả, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tái sản xuất. Bởi lẽ thuế giá trị gia tăng nằm trong giá, khi giảm 2% thuế giá trị gia tăng sẽ giảm giá bán hàng hóa dịch vụ, kích thích tiêu dùng, giúp doanh nghiệp bán được nhiều hàng hơn. Đối với doanh nghiệp sản xuất sử dụng nguyên vật liệu đầu vào được giảm thuế giá trị gia tăng sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào, kích thích sản xuất”- bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam bình luận.
Ngoài ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước xem xét giải quyết theo thẩm quyền về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; các biện pháp cụ thể nhằm tháo gỡ kịp thời các vướng mắc hiện tại về pháp lý cho các dự án bất động sản.
Chính sách cần được thực thi hiệu quả
Đã có rất nhiều giải pháp được ban hành, yêu cầu đặt ra hiện nay là cần có những hành động cụ thể, quyết liệt và sớm triển khai các giải pháp đó. Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần được thực thi hiệu quả.
Theo cộng đồng doanh nghiệp, việc giảm 2% mức thuế suất giá trị gia tăng là rất nên làm trong bối cảnh hiện tại khi mà sức mua giảm sút, từ đó sẽ kích cầu mua sắm, giải phóng hàng tồn… Do đó, đề nghị cần giảm 2% thuế giá trị gia tăng cho toàn bộ các mặt hàng, dịch vụ có thuế suất từ 10% xuống 8%. Mục đích là tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện. Mặt khác, thời điểm đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng năm 2023 là ngắn hơn năm 2022 nên việc giảm toàn bộ cho các mặt hàng đang áp dụng thuế suất 10% xuống 8%, ngoài việc tạo thuận lợi còn là cú hích cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Chính sách cần đơn giản nhất có thể, trên thực tế văn bản hướng dẫn của cơ quan thuế chỉ chung chung, do vậy việc phân biệt sản phẩm nào được giảm thuế, sản phẩm nào không là cả một vấn đề. Từ đó dẫn đến việc áp dụng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% của năm 2022 rối như tơ vò.
Với chính sách giữ nguyên nhóm nợ, theo các chuyên gia, đây là tin vui cho những người vay đang gặp khó khăn về dòng tiền vì sẽ không bị chuyển nhóm nợ.
Nếu không, không chỉ doanh nghiệp mà cả các ngân hàng cũng gặp khó vì một khi doanh nghiệp đã vướng nợ xấu ở một ngân hàng, tất cả dư nợ ở các ngân hàng khác của doanh nghiệp này cũng bị chuyển nhóm nợ theo. Các ngân hàng này phải trích lập dự phòng, trong khi doanh nghiệp càng thêm khó khăn do không còn cơ hội vay vốn, quay trở lại kinh doanh khi tình hình tốt lên. Gia hạn nợ là điều kiện để hỗ trợ việc giải ngân tiếp theo cho các doanh nghiệp.
Ngoài giữ nguyên nhóm nợ, doanh nghiệp cũng đồng loạt xin giãn, hoãn nợ, mở rộng điều kiện cho vay và giảm thêm lãi suất.
“Nếu Nhà nước tung ra chính sách giãn nợ sẽ “cứu” doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có đồng vốn giữ lại để chi trả lương cho người lao động, cầm cự trong giai đoạn khó và phục hồi khi kinh tế ấm lên”- đại diện một doanh nghiệp kinh doanh vận tải kiến nghị.
Ngoài ra, lãi suất cho vay cần giảm về mức hợp lý, nằm trong mức chịu đựng của doanh nghiệp, nền kinh tế. Vì với mức lãi vay trên 10%/năm thì các doanh nghiệp, đặc biệt ở ngành sản xuất, không gồng nổi, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay. “Các điều kiện về tài sản đảm bảo, điều kiện cho vay cũng cần linh hoạt hơn. Còn nếu vẫn giữ điều kiện như trong bối cảnh bình thường, doanh nghiệp vẫn gặp khó trong tiếp cận vốn”, vị giám đốc bày tỏ.
Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi, Bộ Tài chính đề xuất sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp từ đó đề nghị miễn thuế thu nhập doanh nghiệp với nhiều khoản thu nhập của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo bà Nguyễn Thị Ngân, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, các doanh nghiệp rất mong muốn đề xuất giảm Thuế thu nhập doanh nghiệp được chấp nhận để có nguồn lực đầu tư sản xuất kinh doanh.
“Tuy nhiên, ngành nghề và tiêu chí miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cần công khai, minh bạch, tránh miễn giảm theo kiểu xin – cho. Doanh nghiệp phản ánh, chính sách đưa ra thoáng nhưng khi thực hiện lại trở thành việc xin cho phức tạp”- Tiến sỹ Lê Đăng Doanh nhận xét.
Một số ngân hàng đã giảm lãi suất huy động xuống dưới mức 9%, trong khi chỉ số lạm phát năm 2022 chỉ khoảng 3,5%, nên chúng ta vẫn có thể giảm tiếp lãi suất huy động và lãi suất cho vay xuống thấp hơn nữa. Lãi suất được xem như chìa khoá giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực bước vào thị trường, hỗ trợ đà tăng trưởng của đất nước. (Tiến sỹ Lê Đăng Doanh)
Trong bối cảnh sức mua yếu như hiện nay, Chính phủ cần nghiên cứu các chính sách để giảm thuế VAT để kích cầu tiêu dùng, đồng thời nghiên cứu chính sách giảm thuế thu nhập DN có thời hạn và gia hạn thời gian đóng thuế cho các DN. (Giám đốc Công ty TNHH xây dựng – thương mại Lê Thành Lê Hữu Nghĩa) |
Theo https://tieudung.kinhtedothi.vn