Với chủ đề “Smart-Ecommerce”, sự kiện năm nay thu hút hơn 2.000 cá nhân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam và quốc tế tham gia.
Tiếp nối thành công của Diễn đàn toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam năm 2022, năm nay, VOBF 2023 lựa chọn chủ đề “Smart-Ecommerce” là chủ đề chính của diễn đàn. Trong đó, Smart Tech và Smart Solutions là hai khía cạnh quan trọng nhất.
Đặt trong bối cảnh của nền kinh tế sau dịch và chịu sự ảnh hưởng của làn sóng khủng hoảng kinh tế thế giới, ngành thương mại điện tử đã và đang là một trong những ngành có những biến đổi nhanh chóng và mạnh mẽ nhất để thích nghi với tình hình mới tại Việt Nam. Khai thác góc nhìn “thông minh” (smart) trong thương mại điện tử, diễn đàn tập trung sâu về các xu hướng thương mại điện tử hiện nay và tương lai, các mô hình kinh doanh, giải pháp cho thương mại điện tử trong thời gian tới.
Toàn cảnh Diễn đàn
Phát biểu tại diễn đàn năm nay, ông Nguyễn Ngọc Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam – cho biết: “Thương mại điện tử thông minh sẽ là xu hướng nổi bật trong năm 2023 khi AI được xem là một xu hướng phát triển tất yếu. Ứng dụng AI sẽ làm thay đổi toàn diện ngành thương mại điện tử không chỉ ở Việt Nam. Vì vậy, “Smart-Ecommerce sẽ là câu chuyện dài mà rất nhiều các chuyên gia và các thương hiệu lớn trong lĩnh vực thương mại điện tử… sẽ chia sẻ tại Diễn đàn toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam năm nay”.
Theo đó, tại chương trình Diễn đàn toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam, các chuyên gia đã chia sẻ hành vi của người tiêu dùng có sự chuyển động trong thời gian qua. Đặc biệt, trong năm 2023, người tiêu dùng đang dần lựa chọn sống cẩn trọng trong mua sắm, vì vậy các doanh nghiệp cần nắm bắt đặc điểm riêng biệt của từng nhóm người tiêu dùng điều này sẽ giúp doanh nghiệp phát triển trong tương lai.
Bên cạnh đó, một số chủ đề như xu hướng thương mại điện tử và mô hình kinh doanh thương mại điện tử thông minh; mô hình phân phối mới và phương pháp sử dụng hiệu quả KOC/KOL; AI ứng dụng trong thương mại điện tử; ứng dụng công nghệ thông minh để tăng trưởng đột phá trên thương mại điện tử; giải pháp tài chính thông minh cho thương mại điện tử,… cũng được các chuyên gia phân tích tại diễn đàn.
Tại chương trình, bà Lê Hoàng Oanh – Cục trưởng Cục thương mại điện tử và kinh tế số – cho biết trong những năm gần đây, thương mại điện tử được định hướng là lĩnh vực tiên phong của kinh tế số, nơi công nghệ tiên tiến của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 được ứng dụng rộng rãi để tăng cường hiệu quả hoạt động kinh doanh, góp phần hiện đại hóa hệ thống phân phối và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và thúc đẩy xuất khẩu.
“Thương mại điện tử Việt Nam đã có những bước phát triển đáng khích lệ trong thời gian vừa qua, theo kết quả điều tra của Cục thương mại điện tử và kinh tế số năm 2022, trong bối cảnh kinh tế phục hồi sau đại dịch và sức mua dần trở lại, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ (B2C) ở Việt Nam tăng 20% đạt 16,4 đô la Mỹ, chiếm khoảng 7,5% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng quốc gia. Ngay trong cả những năm bị ảnh hưởng nặng nề của Covid-19, quy mô thương mại điện tử Việt Nam vẫn tăng trưởng ở mức 2 con số 15% trong mỗi năm”, Cục trưởng Cục thương mại điện tử và kinh tế số chia sẻ.
Tuy nhiên, đầu năm 2023, thương mại điện tử đứng trước bối cảnh đầy khó khăn và thách thức khi kinh tế thế giới, khu vực và Việt Nam tăng trưởng chậm lại, đặc biệt TP.HCM – đầu tàu kinh tế cả nước nhưng chỉ tăng trưởng 0,7% trong quý I năm 2023, tốc độ tăng thấp nhất trong nhiều năm qua, kể cả sau những năm đại dịch.
Bên cạnh đó, nền kinh tế đang đứng trước sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ của công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, mô hình kinh doanh mới và xu hướng thương mại điện tử thông minh, hành vi của người tiêu dùng đang có xu hướng thay đổi, dự kiến sẽ có sự tác động lớn đến ngành thương mại điện tử.