Trong khi nhiều ngành hàng xuất khẩu lớn đối mặt với đà giảm sâu cả về lượng đơn hàng lẫn giá xuất khẩu, thì ngành lúa gạo lại đi ngược dòng. 6 tháng đầu năm 2023, ngành gạo đã xuất khẩu gần 4,3 triệu tấn gạo, thu về 2,3 tỷ USD, tăng 22,% về lượng nhưng tăng tới 34,7% về trị giá so với cùng kỳ. Giá gạo xuất khẩu bình quân 6 tháng 2023 ước đạt 539 USD/tấn, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022.
Philippines là thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành gạo, với sản lượng xuất khẩu 5 tháng đạt 1,5 triệu tấn, trị giá 772,4 triệu USD, tăng 21% về lượng và tăng tới 31% về giá trị so với cùng kỳ năm trước, thị phần chiếm đến 40% tổng khối lượng gạo xuất khẩu.
Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai với khối lượng hơn 632.000 tấn, trị giá 364 triệu USD, tăng 63% về lượng, tăng 79% về trị giá, thị phần chiếm 19%.
Indonesia là thị trường lớn thứ ba với sản ượng đạt 369.032 tấn, tăng 16 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Phùng Văn Thành, Thám tán Thương mại Việt Nam tại Philippines cho biết: “Hàng năm, Philipines sản xuất được khoảng 12 -13 triệu tấn gạo, trong khi đó nhu cầu hàng năm của đất nước này là trên 15 triệu tấn, vẫn thiếu hụt từ 2,5 – 3 triệu tấn gạo. Đây chính là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam”.
Hàng loạt thị trường khác cũng tăng mua gạo Việt. Cụ thể, xuất khẩu gạo sang Đài Loan tăng 142%, Senegal tăng 1.147%, Chile tăng 4.120%, Thổ Nhĩ Kỳ tăng 15.972%…
Thương mại gạo toàn cầu năm 2023 giảm 275.000 tấn xuống còn 55,4 triệu tấn, giảm 1% so với năm 2022. Trong số đó, xuất khẩu giảm tại Argentina, Brazil, Myanmar, Trung Quốc, Pakistan và Mỹ được bù đắp bởi các lô hàng tăng từ Australia, Campuchia, Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam.
Cuối năm vẫn nhiều cơ hội
Hiệp hội Lương thực Việt Nam nhận định, triển vọng xuất khẩu mặt hàng gạo nửa cuối năm 2023 tiếp tục tích cực do sản lượng gạo tại nhiều quốc gia sản xuất tại châu Á đứng trước nguy cơ sụt giảm trước tác động của El Nino, cùng đó, các quốc gia tăng cường nhập gạo để phục vụ thị trường trong nước và dự trữ quốc gia như Indonesia, Philippines…
Đơn cử, Indonesia đã quyết định nhập 2 triệu tấn gạo dự trữ quốc gia trong năm 2023 nhằm nâng dự trữ lên 2,4 triệu tấn thay vì khoảng 1,2 triệu tấn, tạo thêm cơ hội cho gạo Việt.
Dự kiến, vài ngày tới, Indonesia tiếp tuc mở thầu 300.000 tấn và dự kiến sẽ liên tục mở thầu, tác động tích cực làm giá gạo có đà tăng. Ngoài ra, theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Việt Nam được cấp hạn ngạch 80.000 tấn, trong đó 30.000 tấn gạo trắng, 30.000 gạo thơm, 20.000 tấn gạo lứt. Do đó, các đơn hàng gạo xuất khẩu nếu nằm trong danh mục trên thì được miễn thuế 175 ER/tấn, là lợi thế rất lớn cho doanh nghiệp nhập khẩu.
Năm ngoái, Việt Nam xuất khẩu gần 7,11 triệu tấn gạo, tương đương trên 3,45 tỷ USD, tăng 13,8% về khối lượng, tăng 5,1% về trị giá so với năm 2021. Trong đó, Indonesia đứng thứ 6 trong top các thị trường nhập khẩu nhiều gạo Việt Nam, với sản lượng 120.000 tấn, trị giá 58,6 triệu USD, tăng mạnh 77,4% về lượng và 78% về trị giá so với năm 2021.
Với động thái các quốc gia lân cận gia tăng nhập khẩu gạo dự trữ, ngành gạo Việt có thêm cơ hội để tăng tốc xuất khẩu sang thị trường này trong năm 2023. Dự kiến, cả năm nay, sản lượng xuất khẩu dự kiến sẽ đạt khoảng 8 triệu tấn, trị giá 4-4,5 tỷ USD.
Tuy nhiên, khó khăn nhất đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo hiện tai là tín dụng. Bà Bùi Thị Thanh Tâm, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét tăng cường nguồn vốn ngắn hạn tại các thời điểm thu hoạch chính vụ, tạo điều kiện để thương nhân tiếp cận nguồn vốn với lãi suất thấp.
Cùng đó, tăng cường chính sách cho vay không có tài sản đảm bảo, có thể chỉ cần áp dụng trong thời điểm thu hoạch, mùa vụ cao điểm và dựa trên kết quả thẩm định, lịch sử kinh doanh của từng doanh nghiệp để có chương trình cho vay vốn phù hợp.
Theo Báo Đầu tư