Hiệp hội Lương thực Việt Nam vừa cho biết, tính đến cuối tuần này, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam được chào bán tại mức 628 USD/tấn, giảm 10 USD/tấn so với mức giá ghi nhận cuối tuần trước. Tuy nhiên, giá gạo xuất khẩu cùng phẩm cấp của Thái Lan được chào bán tại mức 618 USD/tấn, giảm tới 33 USD/tấn so với cuối tuần trước. Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Pakistan đạt 588 USD/tấn.
Tương tự, giá gạo xuất khẩu 25% tấm của Việt Nam đạt 618 USD/tấn – không đổi so với cuối tuần trước. Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu cùng phẩm cấp của Thái Lan và Pakistan, lần lượt được chào bán ở mức 561 USD/tấn và 528 USD/tấn, giảm sâu so với mức giá cuối tuần trước.
Như vậy, các loại gạo xuất khẩu phổ biến của Việt Nam đang có mức giá cao nhất trên thị trường quốc tế. Theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam, nhu cầu nhập khẩu gạo hiện vẫn đang ở mức rất cao mặc dù giá gạo hiện ở mức cao kỷ lục kể từ đợt sốt giá gạo lịch sử hồi năm 2008.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Philippines Domingo Panganiban vừa cho biết nước này cần mua thêm gạo từ Việt Nam và Ấn Độ nhằm hạ nhiệt giá trong nước. Hiện Chính phủ Philippines cho biết nước, ngay cả khi không nhập khẩu thêm, Philippines vẫn có đủ gạo dùng trong 52 đến 57 ngày vào cuối năm. Việc nhập khẩu gạo từ Việt Nam và Ấn Độ được kỳ vọng sẽ giúp Philippines tăng cường dự trữ gạo và sẵn sàng đối phó với bất kỳ đợt tăng giá gạo nào trên thị trường nội địa nước này.
Mặc dù Ấn Độ đã cấm xuất khẩu các loại gạo tẻ từ trung tuần tháng 7 vừa qua nhưng Philippines đang đàm phán với Ấn Độ để nhập khẩu gạo dưới hình thức “nhân đạo”. Đáng chú ý, ông Domingo Panganiban cho biết Philippines đã nhận được báo giá thấp hơn từ 30 USD đến 40 USD/tấn từ các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam sau cuộc đàm phán mới nhất.
Philippines hiện là khách hàng nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam (chiếm gần 40% tổng lượng gạo xuất khẩu). Tính chung 6 tháng đầu năm nay, nước này nhập khẩu 1,69 triệu tấn gạo với giá tị 857,7 triệu USD, tăng 4% về lượng nhưng tăng tới 13% về giá trị.
Bên cạnh Philippines, Indonesia cũng cho biết Việt Nam là một trong những nguồn cung ứng chính cho kế hoạch nhập khẩu 2 triệu tấn gạo trong năm nay của nước này.
Giá gạo nội địa tăng vọt, Thái Lan có thể khó tăng cường xuất khẩu gạo
Trong khi đó, tại Thái Lan, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho biết mặc dù giá gạo xuất khẩu nước này đang ở mức cao nhất 11 năm qua nhưng hoạt động xuất khẩu kém sôi động. Nhiều doanh nghiệp không thể đưa ra mức giá chào bán do lo ngại về biến động giá trong thời gian tới và sự không chắc chắn về nguồn cung.
Lo ngại hiện tượng El Nino có thể khiến nguồn cung gạo của Thái Lan suy giảm đáng kể trong vụ thu hoạch tháng 11 tới đây đã thúc đẩy các doanh nghiệp và nông dân nước này tích trữ gạo thay vì bán ra, khiến giá gạo nội địa nước này tăng vọt.
Hiện chưa có ước tính sản lượng chính xác, nhưng Bộ Nông nghiệp Thái Lan chỉ dự báo rằng niên vụ 2023/2024 (kéo dài từ tháng 11/2023 – 10/2024) của Thái Lan sẽ thấp hơn dự kiến. Từ hồi giữa tháng 5/2023, giới chức Thái Lan đã khuyến cáo nông dân nước này chỉ nên canh tác một vụ lúa duy nhất trong năm nay, thay vì hai vụ như thông thường do lo ngại tình trạng khô hạn cục bộ trong những tháng cuối năm.
Trung tâm Nghiên cứu Kasikorn (KRC, Thái Lan), sản lượng lúa gạo của Thái Lan trong vụ canh tác chính năm nay có thể giảm khoảng 6% xuống còn từ 25,1 – 25,6 triệu tấn dưới tác động của hiện tượng thời tiết El Nino. Trung tâm nghiên cứu này nhấn mạnh sản lượng lúa gạo của Thái Lan có thể giảm xuống hơn nữa nếu như tình trạng khô hạn kéo dài. Một số chuyên gia quốc tế cảnh báo Thái Lan khó có thể đáp ứng đủ nhu cầu xuất khẩu gạo trong năm nay.
Một doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại Bangkok (Thái Lan) cho biết giới xuất khẩu gạo Thái Lan đang khá miễn cưỡng khi thực hiện các giao dịch do nếu không đảm bảo được việc giao hàng ở mức giá tương đương giá thu mua thì họ sẽ bị lỗ ngay lập tức.
Do nguồn cung khan hiếm và tích trữ, Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan giữ nguyên mục tiêu xuất khẩu năm 2023 ở mức 8,5 triệu tấn do nước này khó có thể tận dụng lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ.
Nguồn: Tạp chí Công Thương