Nhiều doanh nghiệp địa ốc vẫn đang phải vật lộn vì thiếu hụt dòng tiền

06/12/2023 04:33 Chiều

Giới chuyên gia cho rằng, về cơ bản thị trường địa ốc vẫn đang rất yếu. Các doanh nghiệp bất động sản đa phần vẫn đang vật lộn với việc thiếu hụt dòng tiền và thanh khoản sản phẩm xuống thấp.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn khi tiếp cận vốn

Năm 2023 là giai đoạn vô cùng khó khăn đối với các doanh nghiệp địa ốc, nhất là thời điểm cuối năm. Không ít doanh nghiệp phải chấp nhận đóng cửa hoặc cho toàn bộ nhân viên nghỉ việc không lương.

Trong thời gian qua, thị trường bất động sản đã trải qua nhiều biến động, nguồn vốn tín dụng, trái phiếu bị kiểm soát chặt chẽ khi một số doanh nghiệp địa ốc bị cơ quan chức năng điều tra sai phạm khi phát hành trái phiếu. Hiện tại, thị trường bất động sản giao dịch suy giảm mạnh, thậm chí không có thanh khoản tại một số khu vực khiến thị trường trầm lắng, nhiều doanh nghiệp bất động sản thiếu vốn đang phải tìm cách duy trì hoạt động.

  1. TS. Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, thị trường đang chứng kiến sự “ra đi” của hàng loạt doanh nghiệp bất động sản, trung bình mỗi tháng có khoảng 107 doanh nghiệp rời khỏi thị trường. Hiện có khoảng 20% sàn giao dịch bất động sản đối diện nguy cơ giải thể, phá sản; 40% sàn đang phải nỗ lực chống đỡ, chỉ còn hoạt động cầm chừng với một vài nhân sự nòng cốt…

Nhận định về thị trường trong thời gian tới, ông Đính cho biết, mặc dù Chính phủ và các bộ ban ngành đã liên tục có động thái tháo gỡ khó khăn, nhưng vẫn còn quá nhiều trở ngại và thách thức cho thị trường địa ốc. Tuy vậy, ông Đính kỳ vọng rằng, trong năm 2024, khi nhiều quy định pháp luật mới được thông qua, cùng với đó là nguồn vốn cho vay đổ vào thị trường, sẽ giúp doanh nghiệp bất động sản có cơ hội khởi sắc.

Ảnh minh họa
Doanh nghiệp bất động sản vẫn đang gặp vô số khó khăn về huy động vốn.

Đánh giá về tình hình dòng vốn của các doanh nghiệp địa ốc hiện tại, ông Nguyễn Thế Điệp – Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho rằng, với bối cảnh thị trường đang ảm đạm và các chính sách chưa gỡ vướng xong, việc tiếp cận nguồn vốn đối với các doanh nghiệp bất động sản lại càng khó khăn hơn.

“Có thể thấy, Nghị quyết 33 của Chính phủ đang thực hiện các biện pháp tháo gỡ toàn diện cho thị trường nhưng để có thể đi vào cuộc sống thì cần một khoảng thời gian đáng kể, không thể thực hiện ngay lập tức”, ông Điệp nói.

Trong khi đó, ông Neil MacGregor – Tổng Giám đốc điều hành Savills Việt Nam cho rằng, việc Chính phủ chủ động siết chặt các kênh huy động vốn như trái phiếu, tín dụng sẽ có những tác động ngắn hạn nhất định đến nhiều ngành nghề kinh doanh, sản xuất và dịch vụ trong nước, trong đó có bất động sản. Nhưng đổi lại, thời gian tới sẽ có một thị trường tài chính minh bạch, tăng uy tín trong mắt các nhà đầu tư quốc tế.

“Tuy nhiên, tình trạng này lại được nhận định sẽ gây khó khăn cho ngành bất động sản, bởi các kênh huy động vốn đều bị gián đoạn”, ông Neil MacGregor nói.

Chấp nhận bán tài sản là giải pháp “đường cùng” của doanh nghiệp

Nhìn nhận về nguồn vốn của các doanh nghiệp địa ốc hiện nay, ông Lê Đình Chung, Tổng Giám đốc SGO Homes cho rằng, dòng tiền của các doanh nghiệp chủ yếu đến từ hai nguồn chính. Một là bán các tài sản đang có để tiêu và hai là đi vay tín dụng. Nhưng thực tế cho thấy, không phải doanh nghiệp nào cũng dễ dàng bán tài sản và không phải muốn là có thể vay được tín dụng ngân hàng.

Ảnh minh họa
 Ông Lê Đình Chung, Tổng Giám đốc SGO Homes.

Theo ông Chung, việc chuyển nhượng M&A sẽ chỉ diễn ra ở những dự án có pháp lý rõ ràng, hoặc có vị trí đắc địa tại các đô thị, thành phố lớn. Còn đối với các dự án pháp lý chưa hoàn thiện và ở những thị trường xa trung tâm thì gần như không chuyển nhượng được.

Ông Lê Đình Chung khẳng định, việc chấp nhận bán tài sản để có tiền trang trải hoạt động được xem là giải pháp đường cùng của các doanh nghiệp. Nếu có sự lựa chọn nào khác, không ai muốn bán đi “đứa con” của mình. Vì vậy, các doanh nghiệp phải bán tài sản ở giai đoạn này được xem là bên yếu thế, chấp nhận chịu thiệt, chấp nhận bị ép giá, thậm chí là “cắt lỗ” sâu để thu hút được bên mua.

Ông phân tích, về việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, các doanh nghiệp vẫn đang phải chịu áp lực lãi suất lớn. Mặc dù, Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần điều chỉnh giảm lãi suất nhưng cơ bản, lãi suất cho vay với các doanh nghiệp bất động sản vẫn đang ở mức cao. Đâu đó khoảng 11 – 12%/năm. Nếu doanh nghiệp không đủ khả năng trả lãi suất thì đây cũng là vấn đề khiến các doanh nghiệp cần tính toán trước khi đưa ra quyết định vay hay không.

“Đó là chưa kể rất nhiều doanh nghiệp bất động sản muốn cũng không thể tiếp cận được vốn vay tín dụng do đang bị áp hệ số rủi ro cao, các yêu cầu khắt khe về tài sản đảm bảo, về năng lực tài chính…”, ông Chung nói.

Ông Lê Đình Chung cho biết, bên cạnh khó khăn về dòng tiền, thì việc giải quyết những bất cập về hành lang pháp lý cũng chưa được triệt để. Mới đây, Quốc hội đã quyết định lùi lại thời gian thông qua Luật Đất đai (sửa đổi). Mục tiêu của Quốc hội là đặt chất lượng luật lên hàng đầu thay vì ban hành sớm hơn một vài tháng, không thể để tình trạng “luật chín ép”. Điều này là không sai nhưng chắc chắn sẽ tác động đối với thị trường bất động sản ở thời điểm hiện tại. Bởi việc lùi lại bộ luật quan trọng hàng đầu đối với thị trường bất động sản đồng nghĩa giai đoạn này thị trường vẫn chưa thể giải quyết được những “nút thắt” cố hữu về pháp lý từ lâu nay.

Ông Chung nhìn nhận, về cơ bản sức khoẻ của thị trường nói chung và các doanh nghiệp bất động sản nói riêng đang rất yếu, thậm chí là yếu hơn so với đầu năm. Các chủ thể trên thị trường rất kỳ vọng rằng cuối năm thị trường sẽ khởi sắc, các yếu tố về mặt pháp lý và tín dụng được tháo gỡ nhưng những kỳ vọng này vẫn chỉ là kỳ vọng.

Nguồn: doanhnghiephoinhap.vn

Cùng chuyên mục

Nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị, độc đáo tại “Trạm dừng Chút Yên từ Thiên nhiên” của La Vie

03/06/2024 07:27 Chiều

Thấu hiểu thực tế người trẻ luôn cần những giải pháp thư giãn hiệu quả để bản thân tạm bước ra khỏi guồng quay tất bật của cuộc sống, La Vie mang đến “Trạm dừng Chút Yên từ Thiên nhiên” kết hợp cùng 5 giác quan có quy mô lớn tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ, với nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị, độc đáo.

Định hướng phát triển bền vững, hiện đại của Thủ đô Hà Nội

18/05/2023 08:00 Sáng

Là vùng đất thủ đô dồi dào tiềm lực, Hà Nội được tập trung phát triển theo xu hướng đô thị đa cực nhằm thúc đẩy mạnh mẽ liên kết ngành, liên kết vùng và lợi thế kết nối đa chiều của các đô thị trong khu vực và cả nước. Sự xuất hiện liên tiếp của các đại đô thị trong những năm gần đây đã phần nào khẳng định được phương hướng phát triển bền vững của vùng đất Hà thành.

Khai mạc Hội Chợ Hàng Việt Nam tiêu biểu xuất Khẩu 2024

08/05/2024 03:53 Chiều

Hội chợ hàng Việt Nam tiêu biểu xuất khẩu 2024 tiếp tục tập trung vào các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực gồm: Thực phẩm, đồ uống; Nông - thủy sản; Đồ gỗ - Mỹ nghệ; Dệt may, da giày, túi xách; Cao su - nhựa; Điện tử - Cơ khí; Các ngành dịch vụ, hỗ trợ khác.

“Go Green with Taiwan” tầm nhìn cho một cộng đồng phát triển bền vững toàn cầu

22/08/2024 08:41 Chiều

Đứng trước sự chuyển biến tiêu cực của môi trường, khí hậu gây sức ép lên sự phát triển kinh tế - xã hội như hiện nay, việc xây dựng một cộng đồng hướng tới sự phát triển bền vững là một trong những chìa khóa mở ra một tương lai tốt đẹp hơn cho chúng ta.

Những doanh nghiệp nào đang dẫn đầu xuất khẩu cá ngừ sang EU?

10/07/2023 12:37 Sáng

Theo VASEP, trong bối cảnh lạm phát và tình trạng tồn kho cao, các nhà nhập khẩu EU đang tăng cường nhập khẩu cá ngừ từ nguồn cung có lợi thế thuế quan như Việt Nam.

Đối tác