Gỡ vướng về xác định xuất xứ hàng hóa xuất, nhập khẩu

20/12/2023 06:15 Sáng

Tổng cục Hải quan vừa có văn bản gửi Cục Hải quan các tỉnh, thành phố trong việc gỡ vướng thực hiện quy định về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để đảm bảo thực hiện thống nhất.

Những điểm mới quy định hàng hóa xuất, nhập khẩu

Áp dụng các phương thức quản lý mới phù hợp với xu hướng tạo thuận lợi thương mại như: sử dụng chứng từ điện tử thay thế cho chứng từ giấy; thay đổi hình thức nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa; áp dụng bảo lãnh; chậm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ… là những điểm nổi bật tại Thông tư 33/2023/TT-BTC (Thông tư 33) về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

 

Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái (Cục Hải quan Quảng Ninh). Ảnh: Thái Bình
Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái (Cục Hải quan Quảng Ninh). Ảnh: Thái Bình

Những điểm mới đáng chú ý tại Thông tư 33 gồm: xác định trước xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; quy định về khai, nộp, kiểm tra, xác định, xác minh xuất xứ hàng hoá xuất khẩu; hình thức của chứng từ chứng nhận xuất xứ đối với hàng hoá nhập khẩu; từ chối tiếp nhận chứng từ chứng nhận xuất xứ; thời điểm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng nhập khẩu; áp dụng bảo lãnh thuế đối với trường hợp chậm nộp; nộp bổ sung chứng từ chứng nhận xuất xứ trong các trường hợp đặc biệt; kiểm tra chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa…

Chẳng hạn, tại Thông tư 33 kế thừa Thông tư 38/2015/TT-BTC, giữ nguyên các nội dung quy định kiểm tra, xác định, xác minh xuất xứ đối với hàng hoá xuất khẩu tại Chương III Thông tư 38/2015/TT-BTC (các Điều từ 8-12), đồng thời bổ sung Điều 5 về khai, nộp chứng từ chứng nhận xuất hàng hoá xuất khẩu để pháp lý hóa công văn hướng dẫn của Bộ Tài chính. Cụ thể, người khai hải quan khai xuất xứ hàng hóa tại ô “mô tả hàng hóa” trên tờ khai xuất khẩu điện tử theo mẫu số 2 Phụ lục I Thông tư 39/2018/TT-BTC theo cấu trúc: đáp ứng xuất xứ Việt Nam khai: “mô tả hàng hóa#&VN”; xuất xứ nước khác khai: “mô tả hàng hóa#& (mã nước xuất xứ của hàng hóa)”; không xác định được xuất xứ khai: “mô tả hàng hóa#&KXĐ”. Trường hợp khai tờ khai hải quan giấy, người khai hải quan khai xuất xứ hàng hóa xuất khẩu tại ô “xuất xứ” trên tờ khai hải quan giấy theo mẫu HQ/2015/XK Phụ lục IV Thông tư 38/2015/TT-BTC.

Trường hợp đã được cấp văn bản Thông báo kết quả xác định trước xuất xứ, người khai hải quan khai: số, ngày, thời hạn hiệu lực của văn bản tại ô “giấy phép” trên tờ khai xuất khẩu điện tử hoặc tờ khai hải quan giấy. Đáng chú ý, khi làm thủ tục hải quan hàng hóa xuất khẩu, người khai hải quan không phải nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho cơ quan Hải quan. Trường hợp người khai hải quan đề nghị nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa hoặc văn bản thông báo kết quả xác định trước xuất xứ, cơ quan Hải quan tiếp nhận và kiểm tra theo Điều 6-9 Thông tư 33.

Tại Điều 6 về kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, đại diện Cục Giám sát quản lý về hải quan nhấn mạnh, trong khi chờ kết quả kiểm tra, xác minh xuất xứ, hàng hóa xuất khẩu được thực hiện thủ tục hải quan, thông quan theo quy định.

Về hình thức nộp Chứng từ chứng nhận xuất xư, thông tư mới kế thừa quy định tại Thông tư 47/2020/TT-BTC đã tạo thuận lợi cho doanh nghiệp như: trường hợp áp dụng ưu đãi đặc biệt, C/O sử dụng chữ ký và con dấu điện tử hoặc bản chụp/bản scan C/O; cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu cung cấp trang thông tin điện tử để tra cứu C/O hoặc phương thức tra cứu khác về C/O. Trường hợp khác, chấp nhận bản chụp/bản scan C/O để thông quan. Doanh nghiệp phải nộp lại một bản chính C/O trong 180 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan.

Cụ thể, khoản 4 Điều 12 Thông tư 33 quy định, chứng từ chứng nhận xuất xứ nộp cho cơ quan Hải quan dưới dạng dữ liệu điện tử hoặc chứng từ giấy chuyển đổi sang chứng từ điện tử (bản scan có xác nhận bằng chữ ký số) thông qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan. Doanh nghiệp không phải nộp khi cấp trên Cổng ASEAN hoặc trên trang thông tin điện tử theo thông báo của cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu, nhưng phải khai theo Điều 11). Trường hợp khai tờ khai hải quan bản giấy, người khai hải quan nộp một một bản chụp chứng từ chứng nhận xuất xứ có xác nhận của người khai.

Tập trung gỡ vướng cho doanh nghiệp

Tổng cục Hải quan cho biết, cơ quan này nhận được vướng mắc của một số đơn vị về việc triển khai thực hiện Thông tư số 33/2023/TT-BTC ngày 31/5/2023 của Bộ Tài chính quy định về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Để đảm bảo các đơn vị thực hiện thống nhất quy định tại Thông tư, Tổng cục Hải quan hướng dẫn, về việc nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, đối với hàng hóa thuộc Danh mục tại Phụ lục V Thông tư số 33/2023/TT-BTC là hàng hóa có nguy cơ gây hại đến an toàn xã hội, sức khỏe của cộng đồng hoặc vệ sinh môi trường cần được kiểm soát. Do vậy, Tổng cục Hải quan đề nghị các đơn vị căn cứ khoản 2 Điều 12 và Danh mục V ban hành kèm Thông tư số 33/2023/TT-BTC để thực hiện.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Về việc kiểm tra, đối chiếu thông tin về C/O trên trang thông tin điện tử do cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu cung cấp, trường hợp C/O được cấp trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, một cửa ASEAN hoặc trang thông tin điện tử do cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu thông báo thì cơ quan hải quan căn cứ thông tin về C/O khai trên tờ khai hải quan để đối chiếu, kiểm tra tính hợp lệ của C/O được cấp trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, một cửa ASEAN hoặc trang thông tin điện tử đó và xác định thuế suất ưu đãi theo quy định; không yêu cầu người khai hải quan phải nộp C/O.

Trường hợp trang thông tin điện tử do cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu thông báo không có đầy đủ các thông tin về C/O để cơ quan hải quan có đủ cơ sở xác định được tính hợp lệ của C/O thì cơ quan hải quan ngoài việc đối chiếu, kiểm tra các thông tin về C/O trên trang thông tin điện tử còn phải đối chiếu, kiểm tra C/O dưới dạng dữ liệu điện tử hoặc chứng từ giấy chuyển đổi sang chứng từ điện tử (bản scan) đã được người khai nộp qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan, các chứng từ trong bộ hồ sơ hải quan và kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa (nếu có) để xác định tính hợp lệ của C/O.

Tổng cục Hải quan hướng dẫn, các đơn vị tra cứu các thông tin về C/O trên Trang thông tin điện tử do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cung cấp và đã được Tổng cục Hải quan thông báo, để kiểm tra, xác định định tính hợp lệ của C/O theo quy định.

Đối với thủ tục từ chối chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hoá trong Hiệp định CPTPP, trường hợp cơ quan hải quan có đủ cơ sở xác định chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa là không hợp lệ thì thực hiện thủ tục từ chối ngay tại thời điểm thông quan.

Trường hợp cơ quan hải quan chưa có đủ cơ sở từ chối ngay tại thời điểm thông quan thì thực hiện thủ tục xác minh theo quy định tại Điều 19 Thông tư số 33/2023/TT-BTC. Sau khi nhận được kết quả xác minh nếu chứng từ chứng nhận xuất xứ háng hoá không đủ điều kiện để hưởng ưu đãi thì Tổng cục Hải quan thông báo cho người xuất khẩu hoặc người sản xuất hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cung cấp, bổ sung thêm thông tin liên quan đến xuất xứ hàng hóa trong thời gian tối đa 90 ngày kể từ ngày Tổng cục Hải quan gửi thông báo. Nếu các thông tin cung cấp không phù hợp thì thực hiện thủ tục từ chối theo quy định.

Tổng cục Hải quan cũng hướng dẫn cụ thể về xác minh tính hợp lệ của chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa đối với mặt hàng than nhập khẩu để xác định hàng hóa đủ điều kiện áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định thương mại tự do.

Theo đó, trong quá trình chờ kết quả xác minh, trường hợp cơ quan hải quan kiểm tra chứng nhận xuất xứ hàng hóa được cấp trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, một cửa ASEAN, hoặc trên trang thông tin điện tử theo thông báo của cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu, hoặc đã được người khai hải quan nộp cho cơ quan hải quan thông qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan đáp ứng các thông tin tối thiểu theo quy định thì hàng hóa nhập khẩu phải áp dụng thuế suất nhập khẩu ưu đãi hoặc thuế suất thông thường và được thông quan theo quy định.

Theo Tổng cục Hải quan, về trừ lùi Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, lô hàng có chung hợp đồng, hóa đơn thương mại nhưng nhập khẩu nhiều lần, nhiều chuyến được sử dụng Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa để lập Phiếu theo dõi trừ lùi.

Từ ngày 15/7, Thông tư 33/2023/TT-BTC quy định về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thay thế các thông tư gồm: Thông tư số 38/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; Thông tư số 62/2019/TT-BTC ngày 5/9/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 38/2018/TT-BTC; Thông tư số 47/2020/TT-BTC ngày 27/5/2020 về thời điểm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hoá và hình thức chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hoá đối với hàng hóa nhập khẩu áp dụng trong giai đoạn dịch viêm đường hô hấp cấp gây ra bởi virus Corona; Thông tư số 07/2021/TT-BTC ngày 25/1/2021 về thời điểm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhập khẩu trong Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu.

Nguồn: Doanhnghiepvadautu

Cùng chuyên mục

HortEx Vietnam: Điểm đến kinh doanh tin cậy và hiệu quả nhất của ngành Rau, Hoa, Quả Việt Nam, khu vực Đông Nam Á và thế giới

24/11/2023 08:07 Chiều

Triển lãm về công nghệ sản xuất và chế biến rau, hoa, quả tại Việt Nam - HortEx Vietnam 2024 sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 13 đến 15-3-2024, tại Trung tâm hội chợ và triển lãm Sài Gòn (SECC, thành phố Hồ Chí Minh).

Xuất khẩu nông sản – Điểm sáng của ngành nông nghiệp Việt Nam

22/01/2024 09:28 Chiều

Ngành nông nghiệp Việt Nam đã gặt hái nhiều thành công trong hoạt động xuất khẩu nông sản thời gian gần đây. Sự tăng trưởng ấn tượng của việc xuất khẩu nông sản góp phần thúc đẩy nền kinh tế mà còn khẳng định vai trò vị thế quan trọng của ngành.

SpaceSpeakers Group và Nghệ sĩ Binz quyên góp tài trợ giúp cứu sống 12 em nhỏ mắc bệnh tim bẩm sinh có hoàn cảnh khó khăn

18/05/2022 06:44 Chiều

SpaceSpeakers Group gây quỹ cho tổ chức VinaCapital Foundation (VCF) và chương trình Nhịp tim Việt Nam thông qua doanh thu từ các sản phẩm thời trang độc quyền trong dự án “Don't Break My Heart” của nghệ sĩ Binz. Khoản tài trợ từ việc bán một chiếc áo da trị giá 350 triệu đồng sẽ đem lại các ca phẫu thuật tim miễn phí giúp cứu sống 12 trẻ em nghèo mắc bệnh tim bẩm sinh trên cả nước và mang lại tương lai tươi sáng hơn cho gia đình các em.

10.000 tỷ đồng hỗ trợ BIWASE triển khai các dự án về nguồn nước và cải thiện môi trường

07/09/2024 11:52 Sáng

Chiều 6/9, Công ty cổ phần – Tổng Công ty Nước – Môi trường Bình Dương (BIWASE) và Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) đã ký kết hợp đồng tài trợ vốn dài hạn lên đến hơn 10.000 tỷ đồng nhằm phát triển các dự án trọng điểm về nguồn nước và cải thiện môi trường tại Bình Dương và các khu vực lân cận.

Vé tàu xe dịp tết ế đồng loạt

20/12/2021 12:07 Chiều

Tết Nguyên đán 2021 ngành đường sắt từng chứng kiến vé tết ế kỷ lục, song tới tết năm nay, không chỉ đường sắt, xe khách và hàng không cũng đang chứng kiến những kỷ lục buồn ế vé.

Đối tác