Theo kết quả hoạt động thị trường mở (OMO) phiên ngày 22/5, Ngân hàng Nhà nước đã thành công trong việc mua có kỳ hạn tín phiếu, cho 9 thành viên thị trường vay gần 25.000 tỷ đồng thông qua kênh cầm cố giấy tờ có giá với kỳ hạn 7 ngày. Đáng chú ý, lãi suất cho vay đã tăng thêm 0,25 điểm phần trăm, từ 4,25%/năm lên 4,5%/năm so với phiên liền trước.
Đây là lần thứ hai trong vòng một tháng qua, Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất OMO. Trước đó, trong phiên ngày 23/4, lãi suất cho vay cầm cố giấy tờ có giá đã được tăng từ 4% lên 4,25%/năm.
Ở chiều ngược lại, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành 650 tỷ đồng tín phiếu theo hình thức bán hẳn với kỳ hạn 28 ngày, và lãi suất trúng thầu đã tăng từ 3,9%/năm trong phiên trước đó lên 4%/năm.
Lãi suất OMO là loại lãi suất có tác động mạnh tới thị trường bởi nó liên quan đến chi phí mà Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng. Động thái tăng lãi suất OMO được cho là sẽ ảnh hưởng tới lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng, từ đó thu hẹp chênh lệch lãi suất USD – VND trên thị trường này mà không ảnh hưởng nhiều tới mặt bằng lãi suất trên thị trường dân cư. Thông qua đó, nhà điều hành hạn chế hiện tượng đầu cơ USD và giảm sức ép lên tỷ giá.
Cùng với việc tăng lãi suất điều hành, Ngân hàng Nhà nước cũng đã thực hiện bán can thiệp ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng đang ở trạng thái ngoại tệ âm để chuyển trạng thái ngoại tệ về 0, bắt đầu từ ngày 19/4. Dù áp lực ngoại tệ đã giảm so với khoảng một tháng trước đó, tỷ giá USD tại các ngân hàng vẫn liên tục ở mức ngấp nghé trần.
Nguồn: Doanhnghiephoinhap.vn