10.000 tỷ đồng hỗ trợ BIWASE triển khai các dự án về nguồn nước và cải thiện môi trường

07/09/2024 11:52 Sáng

Chiều 6/9, Công ty cổ phần – Tổng Công ty Nước – Môi trường Bình Dương (BIWASE) và Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) đã ký kết hợp đồng tài trợ vốn dài hạn lên đến hơn 10.000 tỷ đồng nhằm phát triển các dự án trọng điểm về nguồn nước và cải thiện môi trường tại Bình Dương và các khu vực lân cận.

Theo đó, sẽ có khoảng 10.000 tỉ đồng nguồn vốn tín dụng đầu tư của VDB cho vay với lãi suất ưu đãi dành cho các dự án bảo vệ môi trường do BIWASE làm chủ đầu tư. Đối với công ty và người có liên quan của BIWASE hạn mức vay không vượt quá 16.000 tỉ đồng.

Khoản tài trợ này được coi là “tín dụng xanh” với lãi suất 6,92%/năm, theo quy định tại Nghị định số 78/2023/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 32/2017/NĐ-CP của Chính phủ về tín dụng đầu tư của Nhà nước, tạo cơ hội hỗ trợ BIWASE thúc đẩy sản xuất tuần hoàn và kinh doanh bền vững.

BIWASE và VDB ký kết hợp đồng tài trợ vốn dài hạn lên đến hơn 10.000 tỉ đồng để phát triển nước sạch

Ông Đào Quang Trường, Tổng Giám đốc VDB, cho biết ngân hàng đang chuẩn bị nguồn vốn dồi dào để tài trợ các chương trình phát triển nhà ở xã hội, năng lượng, và ngành nước; trong đó BIWASE là một trong những đơn vị chủ đầu tư các dự án trọng điểm.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng, đối với các tỉnh phát triển công nghiệp, đô thị mạnh, thì việc “đi trước, đón đầu” để đầu tư các dự án bảo vệ môi trường rất quan trọng. Những năm gần đây, Bình Dương đã chủ động huy động nhiều nguồn vốn, trong đó có nguồn vốn ODA để xây dựng dự án xử lý nước thải, xử lý rác, biến rác thành điện năng. Các dự án được triển khai nhanh ở tỉnh phát triển công nghiệp, đã góp phần giảm thiểu tác động đến môi trường của hoạt động sản xuất công nghiệp. Các khu vực đông dân cư, người lao động như thành phố Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên… môi trường đang được dần cải thiện.

BIWASE là doanh nghiệp được tỉnh Bình Dương giao nhiệm vụ đầu tư, khai thác, kinh doanh hạ tầng đô thị, bao gồm cấp thoát nước và xử lý rác thải. Hiện công ty cung cấp nước sạch cho hơn 95% địa bàn tỉnh và xử lý rác thải với 100% hoàn toàn bằng công nghệ tái chế, không chôn lấp, hướng đến sản xuất xanh và kinh tế tuần hoàn.

Ông Dũng đánh giá cao hiệu quả sử dụng vốn vay ODA của BIWASE, góp phần phát triển hạ tầng cấp thoát nước, phục vụ sản xuất, công nghiệp và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. BIWASE đã tích cực tìm kiếm nguồn vốn đầu tư từ ODA để thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng nước và môi trường, như Nhà máy nước Dĩ An do ADB tài trợ và Nhà máy nước Thành phố Mới Bình Dương do Hà Lan và WB tài trợ; cùng 4 nhà máy xử lý nước thải với công suất gần 90.000m3/ngày đêm và dự án Nhà máy đốt rác phát điện 5MW.

Ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch Hội đồng Quản trị BIWASE khẳng định, công ty luôn hướng đến công nghệ xanh và khép kín, tạo nên hệ sinh thái mang thương hiệu BIWASE. Công ty đã mở rộng đầu tư sang các doanh nghiệp khác cùng ngành như Công ty cổ phần Cấp nước Đồng Nai và Công ty cổ phần Nước BIWASE Quảng Bình, đồng thời xúc tiến đầu tư phát triển nguồn nước cho các khu vực phụ cận.

Trong ngày, BIWASE cũng tổ chức Lễ ra mắt 5 công ty con gồm: Công ty TNHH MTV Nước BIWASE Bình Phước, công suất 60.000m3/ngày (trước đây là Chi nhánh Cấp nước Chơn Thành); Công ty Cổ phần nước BIWASE Long An, công suất 60.000m3/ngày; Công ty TNHH MTV Liên hợp Khoa học – Công nghệ – Môi trường BIWASE (trước đây là Chi nhánh Xử lý chất thải BIWASE ); Công ty TNHH MTV Tư vấn BIWASE (trước đây là Chi nhánh Tư vấn cấp thoát nước BIWASE); Công ty TNHH MTV Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ BIWASE (trước đây là Chi nhánh Dịch vụ đô thị BIWASE).

BIWASE với tiền thân là Trung tâm Cấp thủy Bình Dương, được thành lập từ trước năm 1975, nhưng tới năm 1990, BIWASE vẫn sở hữu công nghệ lạc hậu, khai thác từ nguồn nước ngầm, công suất 4.000 – 5.000m3/ngày do chịu ảnh hưởng của nền kinh tế tập trung bao cấp, nhiều rào cản và thiếu cơ chế khuyến khích doanh nghiệp phát triển.

Sau giai đoạn đó, nhờ định hướng của hệ thống chính trị tỉnh Bình Dương, sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, BIWASE đã mạnh dạn thay đổi công nghệ, chủ động tìm kiếm vốn đầu tư từ nhiều nguồn vốn ODA, từ các nhà tài trợ quốc tế như WB, ABD, IJCA, Chính phủ các nước Hà Lan, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Đức, Na Uy…

Nhờ tận dụng mọi nguồn lực một cách hiệu quả, BIWASE liên tục lớn mạnh. Đặc biệt, kể từ khi cổ phần hoá năm 2016 và niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) năm 2017, BIWASE đã liên tục lớn mạnh, nâng vốn điều lệ lên gần 2.200 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu lên 5.173 tỷ đồng, vốn hoá trên 10.000 tỷ đồng, tổng tài sản trên 12.000 tỷ đồng … Mới đây nhất, cổ phiếu BWE được đưa vào rổ chỉ số MSCI Index (Chỉ số do tổ chức tài chính của Mỹ là Morgan Stanley Capital International công bố làm cơ sở tham chiếu cho nhiều quỹ đầu tư xem xét để lựa chọn danh mục đầu tư).

Sau nhiều năm phát triển, BIWASE đã có vốn góp ở 27 đơn vị, mở rộng địa bàn kinh doanh ra nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước như Cần Thơ, Đồng Nai, Long An, Quảng Bình… Trong đó, BIWASE có 7 công ty con (3 công ty ngoài tỉnh Bình Dương), 8 công ty liên kết và 12 chi nhánh với tổng công suất cấp nước lên tới 822.000m3/ngày, tổng cán bộ, công nhân viên lên tới 2.000 người.

Biwase ra mắt 5 công ty con để hướng tới phát triển Tập đoàn.

BIWASE ra mắt 5 công ty con để hướng tới phát triển Tập đoàn.

Việc nâng cấp chi nhánh lên thành công ty con trong Tập đoàn có thể mang lại nhiều giá trị cộng hưởng cho đơn vị, như tăng quyền tự chủ giúp lãnh đạo có thể tự quản lý và ra quyết định nhanh chóng hơn, tăng cường hiệu quả hoạt động; mở rộng thị trường khi công ty mới có thể dễ dàng mở rộng hoạt động kinh doanh và tiếp cận thị trường mới; việc có nhiều công ty con hoạt động trong Tập đoàn giúp nâng cao uy tín và thương hiệu cho Tập đoàn; các công ty con có thể chia sẻ nguồn lực và kinh nghiệm, giúp tối ưu hoá chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động; và đặc biệt một tập đoàn với nhiều công ty con có thể dễ dàng thu hút các nhà đầu tư hơn, nhờ vào sự đa dạng và tiềm năng phát triển của các công ty con, Chủ tịch Nguyễn Văn Thiền cho biết.

Nguyễn Thanh (tổng hợp)

Cùng chuyên mục

Cần nhiều doanh nghiệp góp sức, cạnh tranh lành mạnh để hướng tới một TP.HCM không tiền mặt

19/05/2024 09:44 Chiều

Sở Giao thông vận tải và Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng Thành phố Hồ Chí Minh đã kết hợp cùng Mastercard và trung gian thanh toán OneFin, đưa công nghệ thanh toán không tiếp xúc qua chip EMV vào thí điểm tại hệ thống giao thông công cộng.

Truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về chuyển dịch năng lượng

25/04/2024 09:06 Chiều

Ngày 25-4, tại TPHCM, Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (ETP) thuộc Văn phòng Dịch vụ Dự án Liên hợp quốc (UNOPS) phối hợp Vụ Kinh tế, công nghiệp, dịch vụ - Bộ KH-ĐT tổ chức Hội thảo tham vấn "Chương trình truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về chuyển dịch năng lượng".

Cuộc hội ngộ đặc biệt của các nhà sáng lập Bệnh viện FV

23/12/2022 08:40 Sáng

Sau 3 năm không sang thăm Việt Nam vì đại dịch Covid-19 bùng phát, các nhà sáng lập Bệnh viện FV đã cùng có cuộc hội ngộ đặc biệt ở TP.HCM ngay dịp cuối năm 2022.

Thị trường phục hồi, cơ hội mới cho các doanh nghiệp

27/09/2023 11:55 Chiều

Ngày 27/9, tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE), Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam đã tổ chức tọa đàm “Thị trường hồi phục - Cơ hội mới cho các doanh nghiệp”.

CEO Nguyễn Quốc Cường: Xoay đủ hơn 2.880 tỷ đồng để lấy lại dự án Phước Kiển

31/07/2024 08:26 Sáng

Nhận vai CEO Quốc Cường Gia Lai, ông Nguyễn Quốc Cường nói rất áp lực, nhưng lúc này doanh nghiệp không có nhiều lựa chọn, phải nhìn về phía trước mà cố gắng.

Đối tác