Công nghệ AI (Artificial Intelligence – Trí tuệ nhân tạo) hiện đang là công nghệ được quan tâm phát triển và ứng dụng bậc nhất hiện nay. Với tốc độ phát triển không ngừng của công nghệ, không ít các công ty đã bắt đầu chú ý nhiều hơn tới việc áp dụng trí tuệ nhân tạo trong các lĩnh vực từ kinh tế đến xã hội như: sức khỏe, kinh doanh, giáo dục, sản xuất, marketing, tài chính…
AI là công nghệ sử dụng đến kỹ thuật số có khả năng thực hiện những nhiệm vụ mà bình thường phải cần tới trí thông minh của con người, được xem là phổ biến nhất. Đặc trưng của công nghệ AI là năng lực “tự học” của máy tính, do đó có thể tự phán đoán, phân tích trước các dữ liệu mới mà không cần sự hỗ trợ của con người, đồng thời có khả năng xử lý dữ liệu với số lượng rất lớn và tốc độ cao.
Đồng thời, AI là lĩnh vực liên quan đến chuyên ngành khoa học máy tính và công nghệ thông tin, bản chất của trí tuệ nhân tạo vẫn do con người làm ra, họ xây dựng các thuật toán, lập trình bằng các công cụ phần mềm công nghệ thông tin, giúp các máy tính có thể tự động xử lý các hành vi thông minh như con người.
Công nghệ AI (Artificial Intelligence – Trí tuệ nhân tạo) hiện đang là công nghệ được quan tâm phát triển và ứng dụng bậc nhất hiện nay
TS Phạm Huy Hoàng – Phó Chủ tịch Chi hội An toàn Thông tin phía Nam cho biết: Trong cuộc Cách mạng 4.0, trí tuệ nhân tạo (AI) được xem là một trong những công nghệ đột phá, thúc đẩy chuyển đổi số thành công. Nắm bắt xu thế này, các doanh nghiệp công nghệ lớn của Việt Nam như Viettel, VNPT, VNG, Vingroup, các trường đại học… đã và đang có những bước đi mạnh mẽ trong đầu tư nghiên cứu, phát triển ứng dụng AI… AI đang được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, từ bảo vệ thông tin cá nhân, chăm sóc khách hàng tới triển khai mô hình đô thị thông minh, trung tâm điều hành thông minh, y tế điện tử, giao thông thông minh, chính quyền số, nông nghiệp…
TS Phạm Huy Hoàng – Phó Chủ tịch Chi hội An toàn Thông tin phía Nam phát biểu tại chương trình
PGS – TS Trần Minh Triết, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP. Hồ Chí Minh), Phó Chủ tịch Chi hội An toàn Thông tin phía Nam chia sẻ: Nghiên cứu và ứng dụng Trí tuệ Nhân tạo vào việc giải quyết các vấn đề truyền thống trong bảo mật và
an toàn thông tin, giải quyết các bài toán mới liên quan đến an toàn thông tin và an ninh xã hội tạo ra các dữ liệu và thông tin mới từ thông tin có sẵn, từ đó đề xuất giải pháp phân biệt, phát hiện dữ liệu gốc và dữ liệu được tạo ra (không có thật). Trí tuệ nhân tạo có khả năng tự thích nghi, tự học và tự phát triển, tự đưa ra các lập luận để giải quyết vấn đề, có thể giao tiếp như con người. Tất cả là do AI được cài một cơ sở dữ liệu lớn, được lập trình trên cơ sở dữ liệu đó và tái lập trình trên cơ sở dữ liệu mới sinh ra. Cứ như vậy cấu trúc của AI luôn thay đổi và thích nghi trong điều kiện và hoàn cảnh mới.
Theo TS Tăng Thị Hà Yên, Quản lý Khoa học dữ liệu, Công ty Cổ phần Dịch vụ Di động Trực tuyến Momo: Hiện nay, Momo đang áp dụng AI trong nhiều lĩnh vực như phòng chống rủi ro, định danh người dùng, ứng dụng trong phục vụ người dùng. Ứng dụng marketing của Momo phân tích hành vi tiêu dùng, ứng dụng xác định rủi ro trong hoạt động tín dụng. Việc sử dụng ứng dụng Công nghệ trí tuệ nhân tạo AI giúp người dùng cảm giác thoải mái nhất khi sử dụng ứng dụng…
Với xu thế phát triển công nghệ và ứng dụng trong đời sống xã hội đang thay đổi không ngừng, công nghệ AI đang là điểm đến nhiều hơn nữa của đa số các nhà khoa học trong tương lai.Cùng với đó là những lưu ý, hay nói cách khác là những mặt trái của AI khi áp dụng vào công việc và cuộc sống. Do đó, con người cần biết cách ứng dụng để mang lại hiệu quả cao nhất đối với AI.
Thanh Nguyên