Cụ thể từ đầu năm 2018, công ty TNHH Xây dựng – Thương mại – Du lịch Công Lý (tỉnh Cà Mau) do ông Tô Hoài Dân làm Tổng giám đốc đã đề xuất thực hiện dự án điện gió nêu trên tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Đến cuối năm 2018, tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu đã có văn bản về nguyên tắc chấp thuận chủ trương cho công ty triển khai thực hiện dự án điện gió ven biển tại xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc.
Theo đó, dự án Nhà máy điện gió Công Lý tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giai đoạn 1 có công suất thiết kế 102,6MW, gồm 27 trụ tuabin gió và các công trình như: Khu điều hành, khu vực bố trí tuabin và cầu công tác. Diện tích sử dụng khoảng 1.062 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 4.995 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện dự án trong vòng 24 tháng kể từ ngày được chấp thuận chủ trương đầu tư.
Dự án Nhà máy điện gió Công Lý tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu dự kiến có vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng.
Sau thời gian “khóa chặt” để tập trung phòng chống dịch COVID-19, giữa tháng 11 vừa qua, thường trực UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có buổi làm việc nghe báo cáo chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy điện gió Công Lý tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giai đoạn 1.
Được biết, tại buổi làm việc, hầu hết các sở, ngành, địa phương đều đánh giá cao mục đích và giá trị thực tiễn của dự án. Tuy nhiên, Sở Tài nguyên và Môi trường lưu ý, loại hình nhà máy điện gió ven biển trong quá trình thi công và triển khai thực hiện sẽ phát sinh các vấn đề về môi trường, tác động trực tiếp đến các đối tượng kinh tế xã hội như: Ô nhiễm bụi, tiếng ồn, chất thải, tác động bởi từ trường, đa dạng sinh học, các sự cố có thể xảy ra trên biển… Các yếu tố này ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động du lịch, đánh bắt hải sản và người dân trong khu vực dự án và khu vực lân cận; đồng thời ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển, đặc trưng dòng chảy, tuyến luồng giao thông thủy của khu vực.
Do đó, nếu được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, sở yêu cầu công ty chỉ được thực hiện dự án sau khi báo cáo tác động môi trường được phê duyệt. Bên cạnh đó, đo đạc các yếu tố động lực biển để đưa ra các giải pháp thực tế hơn về xói lở, bồi lắng và bảo vệ các nguồn lợi nuôi trồng thủy sản; điều tra nghiên cứu tính toán kỹ tác động của các trụ điện gió…
Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ về cơ bản ủng hộ, đồng thời yêu cầu các cơ quan chức năng xác định lại năng lực tài chính của công ty đăng ký đầu tư, nhất là nguồn vốn chủ sở hữu; làm rõ nguồn gốc đất đai; độ cao ảnh hưởng đến an toàn khu dân cư của tuabin, cũng như mức độ ảnh hưởng của dự án đến sân bay Hồ Tràm…, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định.
Đây được xem là những bước đầu cho việc tái khởi động sau các buổi làm việc vào tháng 4/2021 liên quan đến dự án này của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, trước khi trình Bộ Công Thương xem xét, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư.
Công ty Cổ phần Aurai Vũng Tàu được lập nên bởi ông Tô Hoài Dân. Ông Dân hiện sở hữu rất nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ ở các tỉnh, thành, tuy nhiên được biết đến nhiều nhất thông qua công ty TNHH Xây dựng – Thương mại – Du lịch Công Lý được thành lập ngày 10/11/2000, có trụ sở chính tại số 127A, đường Nguyễn Tất Thành, phường 8, thành phố Cà Mau; hoạt động đa lĩnh vực như: Thi công xây dựng công trình; đầu tư khu du lịch sinh thái, đầu tư kinh doanh điện gió; xử lý, tiêu hủy rác không độc hại và độc hại. Tuy có nhiều công trình và dự án lớn ở các nơi, nhưng phương thức kinh doanhvà năng lực tài chính của những công ty thuộc “hệ sinh thái doanh nghiệp” của ông Dân luôn là vấn đề mà dư luận quan tâm. |