“Từ trước đến nay, con người phải điều chỉnh sản xuất thông qua kinh nghiệm, nhưng giờ đây, robot với trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu thu thập được có thể làm điều này. Công nghệ đã phát triển đến mức độ này đây”, phó chủ tịch điều hành Nissan Hideyuki Sakamoto cho biết trong chuyến tham quan dây chuyền sản xuất xe thể thao đa dụng Ariya tại nhà máy ở Tochigi.
Theo Nissan Motor Co., nhà máy sẽ đi vào hoạt động trước tháng 4. Dây chuyền lắp ráp được thiết kế hoạt động trên cả ba mô hình gồm điện, e-Power và động cơ đốt. Các công nhân tại nhà máy có thể tập trung vào các công việc có kỹ năng cao hơn như phân tích dữ liệu do robot thu thập và bảo trì thiết bị.
Các nhà sản xuất ô tô đang nghiên cứu công nghệ robot có thể tăng khả năng thích ứng và cho phép đáp ứng nhanh chóng nhu cầu thị trường. Những cánh tay robot cơ khí khổng lồ thay thế cho các công nhân đứng chuyền hàng giờ đồng hồ và cần phải đổi ca luân phiên. Với công nghệ mới, Nissan không những thu hẹp số lượng lao động mà còn có thể phát hiển ra những lỗi sai nhỏ nhất mà con người không thể bao quát hết. Ngoài ra, hãng thay đổi sử dụng cơ chế quấn dây kim loại như một ống chỉ khổng lồ thay thế cho nam châm được sử dụng với xe điện. Công ty cho biết sự đổi mới này loại bỏ nhu cầu về vật liệu hiếm và cắt giảm chi phí.
Thay đổi tích cực đang được thử nghiệm tại Tochigi sẽ dần được triển khai tại các nhà máy toàn cầu khác của hãng, bao gồm cả các nhà máy của đối tác liên minh Pháp Renault. Sakamoto chia sẻ rất khó ước tính chính xác dây chuyền lắp ráp hoàn toàn tự động sẽ tiết kiệm được bao nhiêu nhưng ông cho rằng ngành sản xuất cần phải thích ứng với tình trạng thiếu lao động, tác động do đại dịch gây ra và giảm lượng khí thải carbon giảm thiểu biến đổi khí hậu. Nissan kỳ vọng đạt trung hòa carbon trong hoạt động và vòng đời sản phẩm từ khai thác, sản xuất, sử dụng và tái chế nguyên liệu thô vào năm 2050.
TL