Trước đó, Ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì hoạt động chào thầu OMO với quy mô 5.000 tỷ đồng mỗi phiên, kỳ hạn 14 ngày và hầu như không có ngân hàng thương mại nào tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ này.
Trong tuần qua, mặc dù đã có vài tổ chức tín dụng tiếp cận, nhưng giá trị vay không đáng kể, đến cuối phiên 29/12 chỉ dừng ở mức 113,21 tỷ đồng. Và đến phiên ngày 30/12, đã xuất hiện giao dịch 449,2 tỷ đồng. Qua đó nâng khối lượng lưu hành trên kênh OMO lên 562,45 tỷ đồng.
Hiện đang là mùa cao điểm cuối năm, hệ thống ngân hàng thường có nhu cầu cao về thanh khoản tạm thời, trạng thái này sẽ kéo dài đến hết Tết Nguyên đán. Những năm trước, quy mô Ngân hàng Nhà nước bơm hỗ trợ thanh khoản có khi lên tới cả trăm nghìn tỷ đồng. Như vậy, nếu chỉ xét theo tính mùa vụ, giao dịch trên chưa quá nổi bật.
Tuy nhiên, nếu xét vào mức lãi suất cho vay lại thấy điểm đáng chú ý. Bởi lẽ, thông thường lãi suất liên ngân hàng vọt qua mức lãi suất mà Ngân hàng Nhà nước cho vay thì các giao dịch này mới xuất hiện. Hiểu đơn giản, các tổ chức tín dụng vay mượn nhau trước với lãi suất rẻ, chỉ khi nào lãi suất cao quá mới sử dụng đến vốn từ nhà điều hành.
Thế nhưng, như đã nói, một số tổ chức tín dụng đang phải tiếp cận nguồn hỗ trợ qua OMO với lãi suất cao. Mức lãi suất phải trả ở đây lên tới 2,5%/năm, ứng với kỳ hạn 14 ngày. Trong khi đó lãi suất VND giao dịch trên thị trường liên ngân hàng kỳ hạn 2 tuần bình quân hiện vẫn dưới 1,9%/năm, biến động không quá nhiều; hay như lãi suất huy động VND kỳ hạn 14 ngày đối với khách hàng cá nhân như tại Vietcombank chỉ 0,2%/năm…
Theo giới chuyên môn nhận định, diễn biến trên là sự biểu hiện của cung cầu không tìm thấy nhau trên thị trường liên ngân hàng và đây chỉ mang tính tạm thời. Với việc lãi suất liên ngân hàng đang ở mức thấp, lượng tiền Ngân hàng Nhà nước bơm hỗ trợ thanh khoản chưa quá đột biến.
Tại diễn biến liên quan đến thanh khoản, số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến ngày 24/12/2021, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt 12,97%, bứt tốc khá nhanh so với mức 10,1% của ngày 25/11. Tương đương các ngân hàng thương mại đã cung ứng ra thị trường gần 300.000 tỷ đồng trong hơn 1 tháng.
Theo VNECNM