Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý III/2022 là gần 1,06 triệu người. So với cùng kỳ năm trước, số lao động thất nghiệp đã đến giảm 658.100 người. Tính chung, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý III năm 2022 là 2,28% (giảm 0,04 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 1,7 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước).
Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý III năm 2022 là 68,7%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 3,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ quý III năm 2022 là 26,3%, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với quý trước và hơn 0,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Trong quý III năm 2022, tình hình kinh tế – xã hội nói chung và tình hình lao động việc làm nói riêng tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 50,8 triệu người, tăng 255,2 nghìn người so với quý trước và tăng 3,5 triệu người so với quý III năm 2021 (quý chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19). Trong đó, tăng chủ yếu ở khu vực thành thị và ở nam giới.
TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là hai địa phương bị thiếu hụt lao động cục bộ nhiều nhất. Hiện các doanh nghiệp ở 2 thành phố này đang cần tuyển thêm 89.600 lao động, trong đó có 41.100 lao động phổ thông và 48.500 lao động có tay nghề.
Sự thiếu hụt lao động cục bộ xảy ra nhiều nhất ở các doanh nghiệp ngành dệt may (thiếu khoảng 123.000 lao động); doanh nghiệp ngành da giày (thiếu khoảng 56.200 lao động); doanh nghiệp sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính (thiếu khoảng 41.000 lao động)…
Ngoài ra, một số tỉnh thành phố như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình, Nghệ An, Đà Nẵng,… cũng báo cáo có sự thiếu hụt lao động cục bộ đáng kể (từ 9.000 người trở lên) trong các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh.
Theo Doanhnghiephoinhap.vn