Linh hoạt trong cách thức tuyển sinh
Vài năm trở lại đây, khi các trường đại học mở rộng thêm nhiều phương thức xét tuyển (nhất là xét tuyển học bạ THPT) công tác tuyển sinh của các trường CĐ, TCCN đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức. Ngoài số ít các trường CĐ thuộc khối công lập, có danh tiếng hoặc nhóm ngành đào tạo đặc thù vẫn tuyển sinh tốt như CĐ Cao Thắng, CĐ Công nghệ Thủ Đức, CĐ Công Thương, Cao đẳng Nghề TPHCM… thì các trường còn lại luôn trong trạng thái tìm kiếm thí sinh và không tuyển đủ chỉ tiêu.
Nhận thức được những khó khăn và thách thức, nhiều trường CĐ – TCCN buộc phải tìm hướng đi riêng để duy trì ổn định công tác tuyển sinh và hoạt động.
Trường Cao đẳng Quốc tế TPHCM hai mùa tuyển sinh gần đây chủ yếu giữ vững phong độ nhờ kênh tuyển sinh chủ lực 9+ Cao đẳng. Phương thức tuyển sinh này cho phép nhà trường tiếp cận với học sinh vừa tốt nghiệp THCS hay học sinh thuộc các lớp 10, 11, 12 có nhu cầu tiếp cận học nghề để sớm gia nhập thị trường lao động.
Th.S Nguyễn Đăng Lý – Hiệu trưởng nhà trường cho biết Chương trình 9+ CĐ hai mùa tuyển sinh gần đây bảo đảm cho trường giữ ổn định 30% tổng chỉ tiêu. Phương thức này dù nhà trường phải thêm nhiều chi phí và nhân sự (đào tạo cả văn hóa) nhưng bù lại được nhiều học sinh chọn lựa.
“Chương trình 9+CĐ đang phát huy tính ưu việt của nó. Theo học chương trình này người học vừa được học văn hóa, vừa được học nghề, mức học phí cũng khá ưu đãi. Đó là chưa kể thay vì 3 năm sau khi học tiếp bậc THPT các em chỉ có bằng tốt nghiệp THPT thì học chương trình này các em sẽ sở hữu tấm bằng CĐ và bước vào thị trường nhân lực sớm hơn các bạn cùng trang lứa”, Th.S Lý nói.
Hiện, ngoài chương trình tuyển sinh 9+CĐ, nhiều trường CĐ, TCCN còn xây dựng chương trình đào tạo chất lượng cao, chương trình CĐ quốc tế, chương trình CĐ, TCCN (công nhân lành nghề) làm việc tại nước ngoài. Đây đều là những hướng đi phù hợp trong bối cảnh nguồn tuyển bằng 2 phương thức truyền thống đang ngày càng teo tóp.
TS Lê Lâm – Hiệu trưởng Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn nhìn nhận nếu các trường không chủ động đổi mới cách thức tuyển sinh, phương thức tiếp cận thí sinh thì chắc chắn sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức, thậm chí là phải dừng hoạt động vì không tuyển sinh đủ chỉ tiêu.
“Việc các trường CĐ, TCCN khó khăn trong nguồn tuyển không phải là chuyện mới. Nó tồn tại dai dẳng nhiều năm nay và ai cũng có thể nhìn thấy. Để tồn tại và cạnh tranh, các trường không cách nào khác là phải tự tìm hướng đi khác biệt.
Hiện, ngoài nguồn tuyển chính theo 2 phương thức truyền thống, hầu hết các trường đều phải tìm kiếm đối tác, doanh nghiệp để ký cam kết, hợp tác và đào tạo theo địa chỉ. Thậm chí, để hút người học, các trường CĐ buộc phải đầu tư mạnh về cơ sở vật chất, đội ngũ để mở thêm các hệ CĐ chất lượng cao, CĐ Quốc tế (sinh viên có thể liên thông ĐH, học tập các chương trình chuẩn quốc tế, học trường ĐH danh tiếng mà trường có ký kết hợp tác) và cam kết đầu ra việc làm với người học.
Những hệ đào tạo này không chỉ “cứu vớt” chỉ tiêu chung hàng năm cho các trường, mà còn mang đến cơ hội việc làm lớn cho người học, giúp họ sớm gia nhập thị trường lao động”, TS Lê Lâm chia sẻ.
Tuyển sinh đào tạo theo đơn đặt hàng
Với các trường CĐ thì sự tiếp cận thí sinh có vẻ vẫn còn nhiều sự lựa chọn và cách thức tiếp cận hơn các trường TCCN. Để thay đổi định kiến của người học, nhiều trường TCCN đã xây dựng kế hoạch tuyển sinh, tuyên truyền và tư vấn hướng nghiệp song hành với lộ trình tuyển sinh của các trường ĐH – CĐ. Có trường sẵn sàng mất chi phí để được tham gia chung sân tư vấn với các trường “chiếu trên” để tư vấn, hướng nghiệp và đẩy mạnh công tác tuyển sinh. Tuy vậy, theo thừa nhận của ông M.N.H – Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Hùng Vương (TPHCM), mọi thứ vẫn là rất khó khăn.
“Tỉ lệ học sinh chọn trường nghề thông qua các buổi tư vấn, hướng nghiệp tại các trường THCS, THPT vẫn là rất nhỏ nhoi nếu không muốn nói là không có. Tâm lý chọn học ĐH – CĐ nơi học sinh vẫn còn rất lớn”, ông H nói.
Để tồn tại trong bối cảnh không thể tuyển được học sinh theo học, nhiều trường TCCN buộc phải lấy ngắn nuôi dài để thực hiện chiến lược và tầm nhìn dài hạn trong tuyển sinh và đào tạo của mình.
Theo Th.S Hoàng Quốc Long – Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành, hiện nay ngoài việc tuyển sinh và đào tạo các chương trình ngắn hạn, chương trình liên kết thì nhiều trường đang thực hiện chiến lược tuyển sinh đào tạo theo kiểu “tuyển tận nơi, giao người tận chỗ” với doanh nghiệp.
“Chúng tôi chọn cho mình hướng đi không mới nhưng hiệu quả nhất chính là đào tạo cho đơn vị. Ngoài các hợp đồng ký kết cung ứng nhân lực, công nhân lành nghề cho các tập đoàn, đơn vị là đối tác nước ngoài (chương trình du học có lương, lao động có tay nghề đi nước ngoài), nhà trường còn trực tiếp đi tìm kiếm đầu ra từ doanh nghiệp trong nước để tuyển sinh và cam kết đầu ra việc làm với người học.
Các chương trình này người học không chịu nhiều chi phí, thậm chí còn được hỗ trợ ngược chi phí sinh hoạt hàng tháng để chuyên tâm học tập, học nghề. Ngay khi người học hoàn thành khóa học, các đơn vị đặt hàng trước sẽ tiếp nhận và sắp xếp công việc ngay. Riêng với các chương trình trung cấp chính quy, ngoài chính sách hỗ trợ học phí, học bổng doanh nghiệp, chúng tôi chọn con đường xây dựng chất lượng đào tạo và dịch vụ phục vụ người học thật tốt để khẳng định thương hiệu của mình”, Th.S Long nói.