Tai biến mạch máu não là căn bệnh nguy hiểm đứng thứ ba sau tim mạch và ung thư. Theo kết quả nghiên cứu đăng trên Tạp chí Y khoa Lancet, trong vòng 20 năm qua, số người bị đột quỵ ở độ tuổi từ 20 đến 64 đã tăng 25%. Những người ở độ tuổi dưới 75 hiện chiếm tới 62% các ca đột quỵ mới, trong đó 45% bị tử vong, và 72% rơi vào tình trạng ốm yếu và bệnh tật.
Nghiên cứu cho thấy, có tới 61,5% số người bị bệnh tật và 51,7% người bị tử vong do đột quỵ xuất huyết, vốn xảy ra khi một mạch máu yếu bị đứt mà nguyên nhân chính là do huyết áp cao và lối sống không lành mạnh gây ra.
Giáo sư bác sĩ Phạm Gia Khải cho biết, tai biến mạch máu não có thể xảy ra bất cứ lúc nào và rất dễ gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Bệnh thường gặp ở những người có yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường. Nguyên nhân là xơ vữa ở động mạch, khiến lòng mạch bị hẹp, dễ tạo cục máu đông gây tắc nghẽn, hoặc thành mạch chai cứng dễ vỡ, gây xuất huyết. Trong đó, cục máu đông được xác định là nguyên nhân gây ra 80% tai biến mạch máu não.
Khi cục máu đông xuất hiện sẽ gây tắc nghẽn dòng máu làm cho việc cung cấp lưu thông máu bị gián đoạn, gây ra thiếu máu cục bộ tại não (nhồi máu não). Khi thiếu máu nuôi, não sẽ ngưng hoạt động rồi chết đi trong vòng vài giây đến vài phút. Lúc này, người bệnh đột nhiên chóng mặt, mất thăng bằng, đau đầu không rõ nguyên nhân, bị giảm thị lực, nói khó, yếu hoặc bị liệt hẳn một bên tay chân, liệt nửa người… Việc điều trị chỉ đạt hiệu quả tối đa trong vòng 3 giờ đầu kể từ khi xuất hiện dấu hiệu đầu tiên của tai biến mạch máu não .
Để tránh được những hậu quả đáng tiếc của tai biến mạch máu não, những người có yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đáo tháo đường, rối loạn lipid máu, béo phì cần chủ động phòng ngừa bệnh lý nguy hiểm này.
Chia sẻ về phương pháp phòng ngừa hiệu quả, Giáo sư bác sĩ Phạm Gia Khải nói: “Các nghiên cứu cho thấy, việc ngăn ngừa hình thành và làm tan cục máu đông chính là biện pháp hàng đầu để ngăn ngừa tai biến mạch máu não”.
Biện pháp giúp phòng ngừa tai biến mạch máu não
Kiểm soát huyết áp
Huyết áp cao là một yếu tố rất lớn, làm tăng gấp đôi hoặc thậm chí gấp bốn lần nguy cơ đột quỵ nếu nó không được kiểm soát. Nên duy trì huyết áp dưới 135/85 mmHg.
Kiểm soát bệnh tiểu đường
Lượng đường trong máu cao làm tổn thương các mạch máu theo thời gian, khiến cho cục máu đông dễ hình thành, gây tai biến mạch máu não.
Điều trị bệnh tim mạch
Rung tâm nhĩ là một dạng nhịp tim bất thường gây cục máu đông hình thành trong tim. Những cục máu đông sau đó có thể di chuyển đến não, dẫn tới tai biến.
Nên tập thể dục ở cường độ vừa phải ít nhất 5 ngày/tuần.
Tập thể dục mỗi ngày
Tập thể dục góp phần làm giảm cân và giảm huyết áp, từ đó làm giảm nguy cơ đột quỵ. Nên tập thể dục ở cường độ vừa phải ít nhất 5 ngày/tuần. Mỗi ngày tập khoảng 30 phút.
Duy trì cân nặng phù hợp
Béo phì liên quan đến huyết áp cao và tiểu đường, làm tăng khả năng bị tai biến. Do vậy, nên kiểm soát nguy cơ béo phì và duy trì chỉ số khối cơ thể lý tưởng.
Xây dựng lối sống lành mạnh
Hãy tránh xa các chất kích thích, không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia, xây dựng chế độ ăn uống khoa học,… Bên cạnh đó, bạn cũng không nên thức khuya, tránh căng thẳng hay làm việc quá sức.
NT (theo khoahoc.tv)