Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh Võ Trí Thành cho biết, hiện số lượng đơn đăng ký bảo hộ thương hiệu, kiểu dáng công nghiệp của doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài rất thấp. “Có đến 80% doanh nghiệp không quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu, dẫn tới tình trạng sản phẩm Việt Nam dù có chất lượng cao nhưng vẫn chưa tìm được vị trí xứng đáng ở thị trường quốc tế” – ông Thành nói.
Để hạn hạn chế thương hiệu Việt bị rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài, Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam (VIPA) Phạm Nghiêm Xuân Bắc kiến nghị, cơ quan quản lý cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp xây dựng, bảo vệ thương hiệu. Đồng thời, cần đưa thêm những điều khoản luật về việc mua lại thương hiệu Việt qua cổ phần hóa. “Để được cấp bằng bảo hộ tại nước ngoài doanh nghiệp rất tốn kém tiền bạc, thời gian, thủ tục phức tạp… Vì vậy, Nhà nước nên hỗ trợ một phần kinh phí”- ông Bắc nói.
Trước những kiến nghị của các chuyên gia, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) Lưu Hoàng Long cho biết, hiện Việt Nam đã là thành viên của Hiệp ước Hợp tác về sáng chế (PCT) và Thỏa ước và Nghị định thư Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu. Đây là 2 hệ thống giúp doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm kiếm sự bảo hộ sáng chế ở 152 nước thành viên PCT một cách thuận lợi và tiết kiệm thời gian, chi phí.
Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Lại Việt Anh cho hay, các doanh nghiệp Việt Nam muốn triển khai xuất khẩu trực tuyến qua nền tảng Amazon, nên sớm có kế hoạch đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Tại Hoa Kỳ, thương hiệu được bảo hộ thông qua Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO).
Quy trình đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thường sẽ kéo dài 1 năm hoặc hơn tùy trường hợp và bao gồm nhiều thủ tục pháp lý liên quan. Do vậy, doanh nghiệp nên tìm một công ty luật uy tín tại Việt Nam để được tư vấn và hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu tại Mỹ và tìm đến các nền tảng thương mại điện tử uy tín để được hỗ trợ.
Cục trưởng Cục SHTT Lưu Hoàng Long cho rằng, để hoạt động sở hữu trí tuệ (SHTT) hiệu quả hơn nữa thì trong thời gian tới cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: Nghiên cứu khả năng xây dựng plattform về giao dịch, quản lý tài sản trí tuệ; đẩy mạnh triển khai mô hình thúc đẩy khai thác tài sản trí tuệ sau bảo hộ, sáng chế; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan, bao gồm Nghị định 70/2018/NĐ-CP để giải quyết vấn đề xử lý tài sản được tạo trong khuôn khổ Chương trình phát triển tài sản trí tuệ ở cả trung ương và địa phương; nghiên cứu các vấn đề mới như bảo hộ SHTT đối với các đối tượng quyền SHCN do trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra, bảo hộ nhãn hiệu phi truyền thống, vấn đề xung đột trong bảo hộ nhãn hiệu thông thường với bảo hộ nhãn hiệu cộng đồng/chỉ dẫn địa lý v.v. để hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật cho phù hợp với thực tiễn của Việt Nam cũng như xu hướng lớn trên thế giới; đồng thời, cũng cần rà soát, nghiên cứu để sửa đổi các quy định về sáng kiến để bảo đảm thực hiện được mục tiêu khuyến khích, thúc đẩy sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong hoạt động sản xuất, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội.
Cục trưởng Lưu Hoàng Long đề nghị các cơ quan QLNN về SHTT bao gồm Cục SHTT và các Sở KH&CN cần đẩy mạnh việc xây dựng và triển khai các chương trình tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ đào tạo chuyên sâu về SHTT, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và người tiêu dùng về tôn trọng quyền SHCN, chấp hành quy định của Luật SHTT; thực hiện các biện pháp để tăng cường hoạt động phối hợp, trao đổi, chia sẻ, cung cấp thông tin trong hệ thống thực thi quyền SHCN và xây dựng cơ chế tăng cường sự phối hợp giữa chủ thể quyền với cơ quan thực thi, các tổ chức quản lý tập thể, tổ chức nghề nghiệp, hiệp hội, người tiêu dùng; và đặc biệt là thực hiện các giải pháp để đẩy nhanh tốc độ và nâng cao hiệu quả xử lý đơn đăng ký xác lập quyền.
Theo Doanh nghiep hoi nhap