Theo số liệu của ngành Công thương, trên địa bàn TP. Cần Thơ có 105 chợ truyền thống, 4 khu chợ đêm và 2 chợ nổi trên sông. Trong thời gian địa phương thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19, tất cả chợ nêu trên đều phải dừng hoạt động cho đến nay đã gần 3 tháng. Do phải ngừng kinh doanh trong thời gian quá lâu nên không chỉ tiểu thương chật vật mưu sinh mà nhà đầu tư chợ cũng lâm nguy, khốn đốn.
Mở cửa chợ từng bước
Hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn TP. Cần Thơ đã cơ bản được kiểm soát, chỉ còn 9 phường tại 2 quận còn phải thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, cuộc sống của người dân đang dần trở về trạng thái bình thường mới, do đó việc mở cửa lại chợ truyền thống để phục vụ nhu cầu mua sắm, tiêu dùng cho người dân là rất cần thiết.
Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, Nguyễn Văn Hồng cho biết, việc mở cửa, phục hồi sản xuất đang được địa phương thực hiện từng bước theo lộ trình. Riêng đối với việc mở cửa lại chợ truyền thống, UBND TP. Cần Thơ đã chỉ đạo các quận, huyện phải đưa ra phương án cụ thể, chợ nào mở trước, chợ nào mở sau; hàng hóa bày bán cũng phải theo lộ trình, bước đầu chỉ cho phép bán các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như thịt cá, rau, củ quả…dần dần hoạt động ổn định thì mới nới dần ra, đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
“Cùng với đó các siêu thị, cửa hàng tiện ích cần tuân thủ theo đúng quy định số lượng khách vào mua hàng để đảm bảo tốt phòng, chống dịch. Sở Công thương là đầu mối cùng với Sở Y tế xem xét ưu tiên tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho nhân viên siêu thị, tiểu thương, người lao động tại các chợ, các shipper, tài xế vận chuyển hàng hóa…”, ông Hồng cho biết.
Doanh nghiệp đầu tư chợ đề xuất gì?
Theo ông La Minh Hồng, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại tổng hợp Cần Thơ, việc mở cửa lại chợ truyền thống là rất cần thiết vì hệ thống chợ này luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc cung ứng hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu, liên quan đến thói quen mua sắm tiêu dùng của người dân. Tuy nhiên, việc mở cửa cũng cần phải thận trọng, trước mắt mở bán các mặt hàng lương thực, thực phẩm (thịt, cá, rau, củ, quả). Ngoài hỗ trợ việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho tiểu thương, Ban quản lý chợ cần có phương án phòng, chống dịch COVID-19 tốt để tránh dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài vào khu vực chợ.
Trao đổi thêm với Nhadautu.vn vào sáng ngày 29/9, ông Dương Văn Bé Hai, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Chợ Cửu Long, đơn vị đầu tư kinh doanh 3 khu chợ quy mô lớn tại quận Ninh Kiều, Ô Môn, Bình Thủy, TP. Cần Thơ cho biết, tính đến nay đã gần 3 tháng, doanh nghiệp thực hiện quy định đóng cửa chợ đề phòng dịch. Trong thời gian này không chỉ tiểu thương gặp khó khăn trong mưu sinh mà doanh nghiệp cũng đuối sức vì không có doanh thu nhưng vẫn trả lãi ngân hàng, trả lương, đóng BHXH cho nhân viên…
“Được biết Chính phủ vừa có quyết định giảm 30% tiền thuê đất cho doanh nghiệp, đây là một chủ trương thiết thực, rất mong địa phương triển khai sớm cho doanh nghiệp giảm bớt khó khăn”, ông Bé Hai nói.
Công ty cổ phần Đầu tư Chợ Cửu Long hiện đang đầu tư khai thác 3 khu chợ tại TP. Cần Thơ với số tiền thuê đất hàng năm trên 2 tỷ đồng; việc giảm 30% tiền thuê đất tuy chưa như kỳ vọng của doanh nghiệp nhưng cũng phần nào cũng góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ông cho biết thêm.
Về phương án mở cửa lại chợ truyền thống, doanh nghiệp đầu tư chợ chỉ an tâm mở cửa chợ khi tất cả tiểu thương được tiêm ít nhất một mũi vaccine; việc test COVID-19 định kỳ cho tiểu thương phải được tính toán sao cho hợp lý, bởi vì lợi nhuận ít ỏi của tiểu thương sẽ không đủ trang trải chi phí xét nghiệm định kỳ, còn giao trách nhiệm cho nhà đầu tư chợ lo test COVID-19 cho tiểu thương thì lại càng không thể.
Trong giai đoạn đầu mở cửa trở lại chợ chỉ hoạt động 30% công suất, chi phí cho thuê lô, sạp không đủ chi phí hoạt động nên không thể gánh thêm chi phí test COVID-19 cho tiểu thương. Công ty cổ phần Đầu tư chợ Cửu Long đã lập danh sách đề nghị tiêm vaccine cho nhân viên quản lý chợ và tiểu thương gửi cho chính quyền địa phương hơn 2 tháng nay nhưng vẫn chưa được giải quyết, ông Hai nói.
Theo ông Trần Hải Long, Phó Giám đốc Sở Công thương, từ khi địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, 105 chợ truyền thống đã phải tạm ngưng hoạt động.
Theo hướng dẫn của Bộ Công thương tại Công văn số 4728/BCT-TTTN ngày 5/8/2021 về việc bố trí địa điểm tạm thời và mở lại chợ sau thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 là người lao động và tiểu thương phải được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19, nhưng cho đến nay địa phương còn trên 80% nhân viên quản lý chợ và tiểu thương chưa được tiêm vaccine, đây là vướng mắc lớn trong phương án mở cửa lại chợ truyền thống.
Theo nhận định của ngành Công thương, từ khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, địa phương đã cho dừng hoạt động chợ truyền thống. Việc mua sắm của trên 1 triệu người dân TP. Cần Thơ tập trung vào 9 siêu thị và hơn 100 cửa hàng tiện ích nên hệ thống phân phối này luôn trong điều kiện quá tải; một số vùng quê không có cửa hàng tiện ích, việc mua hàng hóa thiết yếu của người dân gặp nhiều khó khăn.
Để đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân, Sở Công thương TP. Cần Thơ đã phối hợp với các địa phương thực hiện hơn 40 điểm “đưa chợ ra phố”, điểm bán hàng bình ổn. Tuy nhiên, mô hình này cũng chỉ là giải pháp tình thế, còn căn cơ vẫn là làm sao tổ chức mở cửa trở lại chợ truyền thống.
Đại diện các doanh nghiệp đầu tư, khai thác chợ truyền thống trên địa bàn TP. Cần Thơ phản ánh với Nhadautu.vn, việc phải đóng cửa chợ trong thời gian dài để phòng dịch đã làm cho doanh nghiệp đầu tư chợ rơi vào hoàn cảnh hết sức khó khăn khi mà doanh thu “mất trắng”nhưng phải chi trả lãi vay, trả lương, đóng BHXH cho nhân viên…nếu thời gian đóng cửa chợ kéo dài thêm thì sẽ có nhiều doanh nghiệp đầu tư chợ phải làm thủ tục phá sản vì mất khả năng chi trả.
Theo NĐT