Bác sĩ Nguyễn Bá Thắng chăm sóc cho một bệnh nhân đột quỵ
Gần đây, người bệnh T.V.H (70 tuổi, ngụ tại TP.HCM) đến Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (BV ĐHYD TP.HCM) tái khám bệnh mạn tính định kỳ nhưng đột nhiên không nói được, rồi liệt tay và chân trái. Ngay lập tức quy trình “báo động đỏ” cấp cứu đột quỵ khởi động, ông H. nhanh chóng được cấp cứu, chụp CT não sau đó được điều trị. Trong 20 phút, người bệnh sau đó hồi phục nhanh và sau 12 giờ, người bệnh hầu như không còn triệu chứng, trở lại bình thường. Kết quả chụp MRI sau đó cho thấy người bệnh không còn tổn thương nào trên não. Người bệnh tiếp tục được theo dõi tại đơn vị đột quỵ để phục hồi chức năng và truy tìm nguyên nhân gốc rễ để ngăn ngừa đột quỵ tái phát.
Bác sĩ Nguyễn Bá Thắng – Trưởng Trung tâm Khoa học Thần kinh, Trưởng Đơn vị Đột quỵ Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, cho biết đột quỵ có thể xảy ra bất ngờ với bất kì ai. Nếu không được cấp cứu kịp thời trong “thời gian vàng”, hậu quả do đột quỵ rất nghiêm trọng với tỉ lệ tử vong khoảng 10 – 20%. Chưa nói đến những người sống sót nhưng phải chịu cảnh tàn phế chiếm tỉ lệ gần 30%, và chỉ có khoảng 30% có thể trở về cuộc sống bình thường. Để phát hiện sớm cơn đột quỵ, cần dựa vào những dấu hiệu ban đầu (quy tắc FAST):
F – Face (liệt mặt): Người bệnh có thể bị liệt một bên mặt với biểu hiện méo miệng, nhân trung (đoạn nối giữa điểm dưới mũi đến môi trên) bị lệch, thể hiện rõ nhất khi người bệnh há miệng hoặc cười.
A – Arm (liệt cánh tay): Người bệnh cử động khó hoặc không thể cử động một tay hoặc tay chân một bên cơ thể. Cách nhận biết nhanh chóng nhất là yêu cầu người bệnh giơ 2 tay lên sẽ thấy một bên không giơ hoặc không giữ lại được.
S – Speech (nói chuyện): Người bệnh khó nói, phát âm không rõ, nói dính chữ, nói ngọng bất thường, hoặc không hiểu lời nói.
T – Time (thời gian): Tranh thủ tối đa thời gian gọi xe cứu thương ngay đưa người bệnh đến bệnh viện để được cấp cứu kịp thời.
Ngoài ra, có thể ghi nhớ các dấu hiệu và cách xử trí bằng câu: “Méo cười, ngọng nói, xuội tay – Mau gọi cấp cứu, đi ngay, đừng chờ”. Mỗi phút não bị thiếu máu sẽ mất gần hai triệu tế bào thần kinh, vì vậy người bệnh đột quỵ cần được cấp cứu ngay lập tức để đảm bảo an toàn và hạn chế tối đa những tổn thương về não.
Bác sĩ Nguyễn Bá Thắng cho biết thêm, hiện nay vẫn còn những quan niệm sai lầm khi cấp cứu đột quỵ như cạo gió, trích máu, cúng bái; uống thuốc truyền miệng; vận chuyển người bệnh bằng xe 2 bánh, chờ cho người bệnh khỏe lại… Đây là những nguyên nhân khiến người bệnh không được cấp cứu đúng cách và kịp thời, gây nhiều hậu quả đáng tiếc. Vì vậy, cần hiểu đúng cách cấp cứu đột quỵ, giúp giảm tỉ lệ tử vong và tàn phế cho người bệnh.
Để được chăm sóc, điều trị chuyên sâu, phòng ngừa biến chứng, nguy cơ tái phát và phục hồi chức năng, người bị đột quỵ nên được cấp cứu ngay tại các cơ sở y tế có đơn vị đột quỵ.
Theo tapchigiaoducthanhpho