Bà Trần Ngọc Thanh Trúc, Tổng Giám đốc Yara Việt Nam, cho biết công ty nỗ lực bám sát các tác động của thị trường và giải quyết những điểm chưa hiệu quả. Qua đó tạo điều kiện phát triển sâu rộng với đối tác và hướng đến tương lai tích cực cho ngành nông nghiệp Việt Nam. “Kết hợp với cải thiện chất lượng hậu cần, chúng tôi cũng mong muốn sẽ mang đến dịch vụ và sản phẩm tốt hơn nữa cho khách hàng cũng như nông dân Việt Nam. Như vậy, sự chuyển đổi này sẽ không chỉ mang đến những giá trị thiết thực cho các đối tác trong chuỗi cung ứng mà còn đồng hành nền nông nghiệp Việt Nam nói chung và bà con nông dân nói riêng trong canh tác hiệu quả, góp phần tạo ra các giá trị bền vững cho môi trường và song hành cùng nỗ lực khẳng định vị thế nông nghiệp Việt trên trường quốc tế”, bà Thanh Trúc nhận định.
Đại diện Yara Việt Nam cho biết công ty sẽ tập trung vào thương mại và các dịch vụ bền vững, sử dụng vị thế hiện có của Yara trên thị trường làm nền tảng. Đồng thời, công ty đặt mục tiêu dẫn đầu ngành nông nghiệp và mở ra một kỷ nguyên thành công mới, thông qua mô hình hoạt động mới, mang lại nhiều cơ hội phát triển cùng lợi nhuận bền vững, bộ máy hoạt động tinh gọn và linh hoạt với việc áp dụng các mô hình kinh doanh tiềm năng.
Công ty cũng sẽ tập trung phát triển danh mục kinh doanh cốt lõi, vị thế và tầm ảnh hưởng của doanh nghiệp tại thị trường địa phương, đồng thời thúc đẩy kinh doanh và vận hành ưu việt để giải quyết những điểm chưa hiệu quả, cũng như ưu tiên phân bổ hợp lý nguồn lực tại Việt Nam để giải quyết những biến động của thị trường.
Cụ thể hóa cho các hoạt động chuyển đổi mô hình hoạt động, đại diện Yara Việt Nam cho biết công ty sẽ tập trung vào hai khía cạnh chính, bao gồm: thuê ngoài dịch vụ hậu cần và tối ưu hóa hoạt động thương mại.
Với thuê ngoài dịch vụ hậu cần, Yara Việt Nam xác định chuyển sang mô hình ít đầu tư vào tài sản cố định với cơ cấu chi phí linh hoạt, hợp tác với nhà cung cấp uy tín nhằm đáp ứng hiệu quả những nhu cầu cao nhất của khách hàng.
Trong khi đó, về tối ưu hóa hoạt động thương mại, Yara thực hiện ba hoạt động chính bao gồm tái cấu trúc đội ngũ thương mại; tái phân bổ nguồn lực tương ứng với các mục tiêu từng khu vực và mùa vụ, cây trồng; và tái cơ cấu nhân sự và doanh số theo chiến lược kinh doanh mới.
Cũng theo đại diện Yara Việt Nam, là doanh nghiệp đi đầu về kỹ thuật số nông nghiệp, công ty này còn xác định vai trò không thể thiếu của chuyển đổi số trong toàn bộ nỗ lực tái cơ cấu mô hình hoạt động. Nổi bật trong đó là hệ sinh thái đa dạng các ứng dụng được chính Yara phát triển như: Yara CheckIt, Yara Connect, YaraBodega… cung cấp thông tin, kiến thức cho mọi nhà nông, giúp nông dân đặt hàng, tích điểm, tương tác, kết nối với hệ thống đại lý và Yara.
Chuyển đổi số nông nghiệp cũng chính là lĩnh vực mà Yara Việt Nam luôn đi đầu trong suốt nhiều năm hình thành và phát triển. Đại diện công ty cho biết luôn đảm bảo các hoạt động kinh doanh đều diễn ra bình thường trước, trong và sau quá trình chuyển đổi. Đồng thời, chất lượng sản phẩm cũng sẽ được đảm bảo khi tất cả sản phẩm đều được nhập khẩu trực tiếp từ các nhà máy Yara trên toàn cầu.
Được thành lập vào năm 1905, Yara là công ty lương thực dinh dưỡng toàn cầu, hoạt động theo mô hình kinh doanh tích hợp với khoảng 17.000 nhân viên tại hơn 60 quốc gia. Đồng hành cùng nhà nông Việt từ năm 1992, Yara Việt Nam luôn sát cánh cùng bà con nông dân trong canh tác cây trồng, đem lại mùa màng bội thu và đẩy mạnh vị thế nông sản Việt thông qua dải sản phẩm phân bón chất lượng cao. Đại diện công ty cho biết thông qua mô hình hoạt động mới, Yara Việt Nam hứa hẹn mở ra những cơ hội mới cho mọi nhân tố trong chuỗi giá trị, hướng đến mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một nước đi đầu về nông nghiệp trên thế giới như tầm nhìn đến năm 2050 của Chính phủ.
Ngọc Lễ