Đây là kết quả khảo sát, đánh giá do Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai theo chỉ đạo của Chính phủ, nhằm đánh giá kết quả thực hiện chuyển đổi số hàng năm ở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh thành trực thuộc Trung ương. Năm 2020 là năm đầu tiên đánh giá này được tiến hành với hình thức trực tuyến.
Theo đó, Đà Nẵng là địa phương đứng đầu trong bảng xếp hạng 10 đơn vị tỉnh thành dẫn đầu chỉ số DTI 2020 quốc gia. Sau Đà Nẵng là Thừa Thiên Huế, Bắc Ninh, Quảng Ninh, TP.HCM, Tiền Giang, Cần Thơ, Ninh Bình, Kiên Giang và Bắc Giang.
Tổng số điểm DTI Đà Nẵng đạt được là 0,4874, so với số điểm trung bình của các tỉnh thành cả nước là 0,3026. Có 33 tỉnh thành đạt trên số điểm trung bình này.
Đánh giá tại báo cáo DTI 2020 cho thấy, kết quả Đà Nẵng đạt được phản ảnh đúng năng lực của địa phương này qua việc xếp hạng nhiều năm liên tiếp xếp vị trí dẫn đầu các Báo cáo đánh giá mức độ ứng dụng CNTT và phát triển Chính phủ điện tử, Báo cáo chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT (ICT Index)… Thời gian qua, đặc biệt ở giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp, Đà Nẵng là địa phương có nhiều sản phẩm chuyển đổi số được đưa vào sử dụng hiệu quả như dữ liệu số thay thế thành phần hồ sơ giấy (hộ khẩu, giấy đăng ký kinh doanh…), cung cấp dịch vụ công, ứng dụng thẻ QR code quản lý, ứng dụng đa dịch vụ Smart City…
Đối với 3 trụ cột DTI 2020 quốc gia, Đà Nẵng là địa phương cung cấp 75% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, 100% văn bản trao đổi điện tử, 100% ứng dụng nội bộ được kết nối qua sử dụng LGSP, 100% hệ thống thông tin được giám sát, bảo vệ bởi SOC; tổng doanh thu toàn ngành đạt 30.383 tỷ đồng năm 2020, công nghiệp CNTT chiếm 7,5% GRDP; 92% hộ gia đình có Internet băng thông rộng, 91% người dân dùng điện thoại thông minh, 180.000 tài khoản điện tử đang hoạt động…
Nguyên Đức